(GD&TĐ) - Làng nghề có nhiều thế mạnh về sản xuất hàng hóa và tiềm năng du lịch song nếu thiếu sự đầu tư hợp lý để đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm thì người dân làng nghề vẫn khó có thể yên tâm sinh sống bằng nghề truyền thống…
Không thu hút được khách hàng
Cần sự sáng tạo để phát triển làng nghề |
Theo TS Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhiều làng nghề cho rằng do xa trung tâm Thủ đô, giao thông chưa thuận tiện nên khó thu hút khách du lịch. Vì vậy nhiều địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng như đường dẫn từ quốc lộ vào làng nghề, nhà chợ, nhà trưng bày triển lãm… Chẳng hạn như Làng mây tre đan Phú Vinh, từ năm 2001 tỉnh Hà Tây cũ đã đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, xây nhà triển lãm… nhưng đến nay vẫn vắng khách du lịch. Một số làng nghề dù đã treo biển “Địa điểm du lịch làng nghề” nhưng cũng chẳng có mấy ai đến thăm.
Nguyên nhân do đầu tư không đồng bộ, không rõ cơ chế triển khai, chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng mà đầu tư cho nhân lực còn rất hạn chế, người dân làng nghề ít được đào tạo nghề, không được tập huấn các kỹ năng làm du lịch, phải tự loay hoay mày mò, không thu hút được khách du lịch…
Làng nghề lụa Vạn Phúc là nơi sản xuất ra những tấm lụa Hà Đông nổi tiếng, đã ăn sâu vào tâm trí bao người qua những câu ca dao, vần thơ, bài hát. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước dành cho sản phẩm lụa Hà Đông một tình cảm đặc biệt. Cho đến nay, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ xưa với hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, nếp sống văn hóa lâu đời…
Tuy nhiên, với sự đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, ngoài việc diện tích trồng dâu đang ngày càng bị thu hẹp, tơ rớt giá, thì vấn đề thiếu người phát triển sản phẩm, đặc biệt là thợ có tay nghề giỏi, có tâm huyết lại đang nổi lên như là một trong những nguyên nhân khiến cho sản xuất tại làng nghề ngày một khó khăn hơn.
Nếu so với thời điểm hoạt động sôi nổi nhất, cả làng có tới hơn 1.000 máy dệt, khi vào làng dù là buổi sáng sớm hay chiều tối, người ta đều được nghe những âm thanh náo nhiệt, rộn ràng từ khung cửi, thoi đưa, thì đến nay cả làng chỉ còn khoảng 250 máy dệt hoạt động cầm chừng, và 1/3 trong số đó là các máy dệt lụa thường.
Lối mòn tự nhiên
Có thể thấy nguồn nhân lực đầy đủ và có chất lượng cao là yếu tố quan trọng để giải quyết những khó khăn đang hiện hữu trong nhiều làng nghề hiện nay. Làng nghề là nơi sản xuất ra hàng hóa, trong sự phát triển chung của thế giới. Những sản phẩm làm ra cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngày một khắt khe hơn của người tiêu dùng.
Chính vì vậy việc đào tạo nghề cần phải được chú trọng hơn, ở các làng nghề, việc đào tạo thường được diễn ra một cách tự nhiên, đời trước truyền cho đời sau. Tuy nhiên việc truyền nghề theo cách này vô tình đã tạo thành một lối mòn, khiến cho sản phẩm thiếu đi tính sáng tạo và không kịp thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới.
Đây được cho là một nguyên nhân khiến cho nhiều làng nghề lâm vào cảnh khó khăn, người thợ giảm niềm tin, bỏ nghề truyền thống vì không đủ mưu sinh dẫn đến sự mai một của nhiều làng nghề, kìm hãm sự phát triển chung của cả hệ thống làng nghề.
Qua tìm hiểu tại làng nghề lụa Vạn Phúc, không phải tất cả người dân quay lưng lại với nghề truyền thống, mà họ đang gặp khó khăn trong công việc dệt lụa. Nếu có cơ chế tốt, được hỗ trợ kinh phí và mở các lớp học sản xuất lụa sẽ khuyến khích được nhiều người quay lại với nghề và số người có tay nghề sẽ được nâng lên…
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc mở các lớp tập huấn cho các cơ sở kinh doanh, biết cách giới thiệu, thuyết minh cho du khách về sản phẩm, công đoạn sản xuất ra từng loại sản phẩm, gắn liền với những nét đặc trưng văn hóa của sản phẩm tạo yếu tố thu hút khách hàng. Quảng bá các sản phẩm chính gốc có chất lượng đến được tận tay người tiêu dùng…
Đây cũng là một nhu cầu chung của rất nhiều làng nghề khác, với mong muốn có được những sản phẩm đẹp về mẫu mã, hữu dụng với nhu cầu khách hàng, qua đó đẩy mạnh được sản xuất, đời sống được nâng lên, người dân yên tâm với nghề truyền thống.
Anh Quang