Nỗi lo sau giải Cánh diều vàng

GD&TĐ - Mùa phim Tết vừa khép lại, giải thưởng Cánh diều vàng vừa kết thúc, song những gì nhìn thấy từ doanh thu, từ “hậu trường” giải thưởng lẫn rạp chiếu khiến những người yêu điện ảnh thất vọng về cách làm phim chạy theo thị hiếu hài và diễn viên đẹp.

Nỗi lo sau giải Cánh diều vàng

Phim hài mất chỗ đứng

Năm qua, phim Việt đã thật sự “bùng nổ” với những chuyển biến có dấu hiệu tích cực từ việc tăng số lượng rạp chiếu cho đến số phim ra rạp, doanh thu. Phim sản xuất cũng đa dạng thể loại, nội dung, đề tài... Tuy nhiên, doanh thu phim Việt mùa Tết vừa qua giảm là điều trông thấy được, một phần do nguyên nhân chủ quan từ nội dung phim không có gì đột phá và tuyền một màu là phim hài.

Đáng chú ý nhất và thu hút sự quan tâm nhất của công chúng chính là giải cho lĩnh vực điện ảnh. Nhưng rất tiếc với 17 tác phẩm tham gia dự thi năm nay, không tác phẩm nào chất lượng để đoạt giải Cánh diều vàng.

Bộ phim giữ kỷ lục phòng vé với hơn 100 tỷ đồng Để Mai tính 2 của đạo diễn Charlie Nguyễn đã không đoạt một giải thưởng nào.

Hai bộ phim rất được kỳ vọng là Quả tim máu của Victor Vũ và Chàng trai năm ấy của Nguyễn Quang Huy không nhận được giải cao, chỉ nhận Bằng khen của Ban giám khảo.

Năm nay, giải Cánh diều có nhiều phim tham dự giải hơn, tuy nhiên, lối làm phim theo kiểu “sống dựa” vào cười nhảm và chân dài đã không còn đủ sức hút công chúng. Rất nhiều người thừa nhận, họ đã chán với cách cười cũ, cách làm cũ của phim Việt bấy lâu. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cả công chúng, thậm chí cả “người trong cuộc” không còn thấy mặn mà với Cánh diều vàng – giải thưởng điện ảnh vốn được coi là Oscar của điện ảnh Việt. Không ít nhà sản xuất, đạo diễn hững hờ, chần chừ khi nhận được giấy mời mang phim đến tham dự giải.

Cần có sự thay đổi

Nhìn một cách tổng thể, điện ảnh Việt không thiếu phim thuộc các thể loại: Kinh dị, hành động, giả tưởng, cổ trang… và cũng đã nhanh chóng bắt kịp điện ảnh thế giới với công nghệ 3D. Thế nhưng, rất hiếm phim khiến khán giả hài lòng. Những bộ phim tạm gọi là giải trí như “Chuyện ba cô nàng”, “Ngày nảy ngày nay”, “Cô dâu đại chiến 1 - 2”, “Nhà có năm nàng tiên”… thường để lại cảm giác giản đơn. Đặc biệt, các phim năm nay đa phần mang dáng dấp hoặc lấy cảm hứng từ những phim “bom tấn” đã làm nên chuyện trước đó nhưng vẫn chinh phục được khán giả.

GS.TS Trần Luân Kim, Chủ tịch BGK chuyên môn đã chia sẻ tại giải Cánh diều: “Các phim dự thi tuy phong phú về đề tài, thể loại đa dạng như tâm lý, hài, kinh dị, hành động, nhiều phim có doanh thu cao trên vài chục tỷ đồng, thế nhưng đáng tiếc là vắng bóng tác phẩm đề cập những vấn đề lớn, bộn bề của đất nước, bỏ quên những câu chuyện bức thiết của đời sống thường ngày, phần lớn nhân vật được xây dựng chung chung, dẫn tới không có chiều sâu hoặc đề cập một cách hời hợt…

Theo nhà biên kịch Nguyễn Quỳnh Trang, phim Việt cần có sự thay đổi, bỏ lại đằng sau lối làm phim không quan tâm nhiều đến nội dung, chỉ cần cười và diễn viên tên tuổi. Nếu làm phim theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, các nhà làm phim rất dễ rơi vào tình trạng “ăn đong” và chấp nhận rủi ro, bởi thị hiếu của khán giả luôn nhanh chóng thay đổi.

Một mùa trao giải đã khép lại, dù chưa có phim thực sự có chất lượng “vàng” để trao, nhưng điểm mừng là phim tư nhân đã được đánh giá cao, song chất lượng thực sự đã tương xứng hay chưa thì còn phải bàn. Hi vọng Cánh diều vàng năm sau sẽ trở lại và thật sự bay cao như những gì mà điện ảnh Việt mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ