Nỗi khổ mang tên… chung cư cũ

GD&TĐ - Tại Hà Nội, nhiều tòa nhà chung cư mới sang trọng xuất hiện ngày càng nhiều thêm. Song, bên cạnh những tòa nhà chung cư mới, vẫn còn khá nhiều khu chung cư cũ có “tuổi thọ cao” đang trong tình trạng xuống cấp, thậm chí đe dọa tính mạng người dân. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ những chung cư cũ này được tu bổ và xây mới, để đảm bảo cuộc sống cho người dân?

Tầng một chung cư thành quán chợ ảnh hưởng môi trường sống của dân
Tầng một chung cư thành quán chợ ảnh hưởng môi trường sống của dân

“Sống chung” với chung cư cũ nát

Tại các quận nội thành Hà Nội rất dễ bắt gặp những khu nhà chung cư cũ nát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân cũng như cảnh quan đô thị. Những người dân sống nơi đây đang hy vọng các dự án cải tạo lại các chung cư cũ được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, dân kêu khổ mãi nhưng vẫn cứ phải sống chung từng ngày với những căn phòng xập xệ và cũ nát.

Tình trạng sụt lún, nghiêng, nứt tường, cơi nới, làm chuồng cọp, nâng tầng, nước nhỏ lênh láng lối cầu thang lên xuống những ngày mưa, đường điện nước dây mắc loằng ngoằng vẫn đang hiện hữu ở bất kỳ tòa chung cư cũ nào của Hà Nội. Theo thống kê, hiện toàn thành phố có hơn 40 chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm. Tiêu biểu nhất là khu chung cư Nguyễn Công Trứ được xây dựng năm 1960, đến nay đã có thâm niên 58 năm sử dụng.

Sống tại khu tập thể Len Nhuộm, Hà Đông (Hà Nội) hơn 20 năm, tiểu thương Hồ Thị Hương tâm sự: “Mình quê ở Hà Nam, học chưa hết phổ thông lên đất Hà Nội mưu sinh. Tích cóp dành dụm suốt 5 năm, cộng với vay mượn thêm, hai vợ chồng cũng chỉ mua được một căn hộ nhỏ hơn 30m2 làm tổ ấm. Nhưng đến nay, chung cư Len Nhuộm ngày càng xuống cấp trầm trọng. Tường vôi vữa qua mấy chục năm nắng mưa, giờ tróc lở, cầu thang lên xuống trơ cả gạch, sắt. Dở nhất của căn hộ này là nền khu phụ cao hơn nền nhà tới 40 - 50 cm, dễ bị ngấm, không có cách nào cải tạo đẹp hơn được”.

Những chung cư xuống cấp không đảm bảo được điều kiện sống cho dân cư. Bởi kiến trúc cũ kỹ và lạc hậu, việc duy tu, bảo dưỡng hàng năm không được quan tâm đầu tư, cộng với chung cư nào cũng có “tuổi thọ” vài chục năm. Thêm vào đó, công trình phụ không khép kín. Nhà ở một nơi, công trình phụ nằm tách biệt một nơi, rất bất tiện cho sinh hoạt.

Đầu cầu thang nhà B5, Nghĩa Tân dột nước lênh láng

Đầu cầu thang nhà B5, Nghĩa Tân dột nước lênh láng

Là người sống tại chung cư tập thể Cao su sao vàng, phường Thanh Xuân Nam gần 30 năm, chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ: Trước đây khu vệ sinh là dùng chung của cả tầng, nhưng sau đó, các hộ gia đình cùng tầng đã tự ý chia nhỏ cho các nhà để sử dụng riêng. Vì thế, muốn đi vệ sinh hay tắm gội, bắt buộc mọi người trong gia đình chị Hà phải đi vòng ra phía ngoài căn hộ của mình, qua cửa nhà hàng xóm.

Người dân sống ở chung cư cũ khu A 22, 23 Nghĩa Tân lại có nỗi khổ khá đặc trưng. Đây là chợ nên ngay tại tầng một chung cư người ta thuê làm cửa hàng bán thực phẩm tươi sống như gà, vịt, thịt lợn, thịt bò, hải sản... Nhiều loại rau ế bị chất đống ở dưới, ngày nắng mới lên, mùi hôi bốc lên, cộng với ruồi muỗi, làm cho môi trường sống của cư dân quanh chợ ngột ngạt và ô nhiễm nặng.

Cần khẩn trương cải tạo, xây dựng lại...

Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có trên 3 triệu m2, với khoảng 4.000 khối (lô) nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991. Trong đó, TP Hà Nội có 1.516 khối từ 2 - 5 tầng, TP Hồ Chí Minh có trên 900 khối nhà chung cư cũ, trong đó có 484 chung cư xây dựng trước 1975.

Đây là những khu tập thể được xây dựng vài chục năm trước. Các cơ quan, xí nghiệp đã xây dựng nhà chung cư để giải quyết chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên. Nhưng do niên hạn sử dụng đã nhiều chục năm nên các tòa nhà này đã không còn đáp ứng nhu cầu chỗ ăn, ở đảm bảo cho người dân hiện nay.

Bước đầu, thành phố Hà Nội mới chỉ hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 9 khối nhà và hiện nay đang tiếp tục triển khai một vài dự án, cụ thể là: Nhà B4, B14 Kim Liên, nhà 187 Tây Sơn, khu I Thái Hà (quận Đống Đa), nhà P3 Phương Liệt (quận Thanh Xuân) đã hoàn thành đưa vào sử dụng; khu 51 Huỳnh Thúc Kháng, nhà C1 Thành Công (quận Đống Đa), nhà C7 và B6 Giảng Võ (quận Ba Đình), khu Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) đã bố trí di dời, tạm cư, hiện đang tiến hành cải tạo, xây dựng lại. Còn TPHCM đã triển khai di dời, tháo dỡ và xây dựng lại được 46 khối nhà chung cư, trong đó đã hoàn thành 19 khối với quy mô 2.462 căn hộ.

Để đảm bảo cuộc sống người dân sống trong chung cư cũ, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương phải khẩn trương tổ chức di dời, bố trí tạm cư và thực hiện cải tạo, xây dựng lại đối với các nhà chung cư cũ đã được xác định thuộc diện nguy hiểm (cấp D), đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.