Trong khi đó, chính quyền của ông Obama đang tranh cãi nảy lửa về việc tuyên bố sẽ được cân nhắc bằng câu chữ ra sao và điều đó có nghĩa gì với chiến lược chống IS của Mỹ.
"Không một ai trong chúng ta chứng kiến những gì như thế trong cuộc đời" - ông Kerry nói tại phiên điều trần của một tiểu ban hôm 24.2 về các vụ chặt đầu và tội ác của IS.
Ông Kerry cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang xem xét rất kỹ các tiền lệ và chuẩn mực pháp lý để ra tuyên bố về tội diệt chủng của IS, đồng thời bổ sung rằng đã nhận được những khuyến nghị ban đầu về vấn đề này, song vẫn cần đánh giá thêm. Ngoại trưởng Mỹ sẽ sớm đưa ra quyết định ngay sau khi nhận được các đánh giá.
Kế hoạch nói trên của chính quyền Mỹ là một động thái cực kỳ hiếm, lần đầu tiên được báo chí đưa tin vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng tại thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ tập trung vào các vụ thảm sát hàng loạt, chặt đầu và bắt người Yazidis làm nô lệ.
Việc hé lộ kế hoạch dẫn đến sự phản ứng dữ dội giữa các thành viên Quốc hội và các nhóm Kitô giáo, những người lập luận rằng tội ác của IS với các tín đồ Kitô hữu Syria và Iraq, cũng như những nhóm thiểu số khác nhỏ hơn cũng xứng đáng bị gọi là diệt chủng.
Thậm chí trong chiến dịch tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ Marco Rubia đã ký một biên bản kêu gọi định danh tội diệt chủng rộng hơn, kết hợp cả các nhóm khác như người Kurd, Turkmen và Kitô. Bà Hillary Clinton cũng có động thái tương tự.