(GD&TĐ) - Tam Hải là một xã đảo, một làng cá lâu đời của huyện Núi thành, có diện tích tự nhiên 1.560,71 ha, với 7.925 nhân khẩu. Trước đây có đến 2/3 dân số của xã làm nghề đánh bắt, chế biển hải sản và có đội tàu khoảng 450 chiếc, với tổng công suất 36.000CV, khai thác khoảng 6.000 tấn hải sản mỗi năm. Cá khô và nước mắm là hai sản phẩm nổi tiếng của Tam Hải lâu nay.
Con đường đến những bờ vui…
Sáng sớm, khi những chiếc thuyền câu mực xa xa vùng ven biển xã Tam Hải vẫn sáng đèn, người dân ở đây lục tục kéo nhau dậy để sửa soạn ghe thuyền, chài lưới… để sẵn sàng cho một chuyến ra khơi. Những người đàn ông thân hình rám nắng, vạm vỡ nhoài mình trên sóng biển để đánh bắt cá, những người phụ nữ đội nón lá đi chân trần hàng ngày vẫn tảo tần thức khuya, dậy sớm và chang chang giữa cái nắng gay gắt để chăm từng vỉ cá. Nhịp sống tất bật của một làng quê nghèo bên chân sóng bắt đầu từ lúc sáng sớm cứ bình thường như thế.
Một góc đời sống làng đánh cá bây giờ. |
Sau mười phút trên chiếc phà nối giữa hai xã Tam Hải và Tam Quang của huyện Núi Thành, nơi chưa có chiếc cầu nào bắc qua, con đường bê tông phẳng lỳ dẫn bước chân chúng tôi đến với làng quê bên chân sóng ở xã Tam hải. Hai bên đường những lò rèn sáng lửa, những xưởng mộc dựng đầy tay chèo, những tiệm sửa chữa đồ điện tử, các quầy hàng san sát nhau như biểu thị một cuộc sống mới đã sung túc hơn xưa của người dân làng cá nghèo quanh năm lo bão đến… rời những ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa, chúng tôi lên ghe của một người đánh cá tên Đông đi hết một vòng quanh xã đảo, để thấy được hết những vẻ đẹp còn tiềm ẩn hoang sơ, và cả những góc khuất của cuộc sống nơi đây. Ghe rời bến, theo luồng lạch của cảng kỳ hà thong thả lướt trên sóng êm đềm dịu nhẹ trong buổi sớm mai.
Đi một vòng quanh xã đảo Tam Hải hết chừng 3 tiếng rưỡi đồng hồ, ngang qua Ông Đụn Bà Che, một địa danh nổi tiếng, cùng rất nhiều bãi tắm cát trắng phẳng lỳ, nổi bật giữa những rặng dừa vài chục năm tuổi tỏa bóng mát in hình xuống sóng nước biếc xanh. Theo chúng tôi được biết, để tạo điều kiện cho một dự án du lịch quy mô lớn, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất phương án giải tỏa trắng xã đảo Tam Hải với 2.098 ngôi nhà, đưa tất cả người dân tại đây đến khu tái định cư mới tại xã Tam Hoà (Núi Thành).
Toàn bộ diện tích gồm 600ha đất liền và 829ha mặt nước tại đây sẽ được dành để xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế với các dịch vụ như khu giải trí đặc biệt, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thời trang, câu lạc bộ thẩm mỹ, spa, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế… Tổng vốn đầu tư cho dự án này lên đến 2,5 tỷ USD.
Vẫn biết việc khai thác tiềm năng biển để phát triển du lịch là hướng đi chiến lược của tỉnh Quảng Nam. Nhưng đằng sau các dự án lớn đó, có chỗ nào dành cho hàng ngàn hộ dân sinh sống bằng nghề biển? Họ sẽ làm gì khi những khu du dịch cao cấp mọc lên thay thế cho các làng chài và những ngành nghề truyền thống từ bao đời nay?
Một góc bãi tắm đang phát triển du lịch tại Tam Hải. |
Đời bám biển…
Chúng tôi tấp ghe vào một bãi cát gần bờ, nơi có một nhóm phụ nữ đang cặm cụi với mẻ cá. Chị Nguyễn Thị Phúc, 26 tuổi, nhà ở thôn 4 nói chuyện với chúng tôi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt sơ chế cá. Chị Phúc cho biết, chị phải thức dậy từ rất sớm, lo việc gia đình. 5 giờ sáng, lại ra biển làm. Tiền công mỗi ngày của chị Phúc được 50.000 đồng nhưng lại làm tất bật từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Đôi tay của chị Phúc bạc phếch vì không có găng tay, đôi chân và những bộ quần áo cũng lấm lem vảy cá.
Cũng như chị Phúc, chị Nguyễn Thị Hồng khoác chiếc áo phong phanh, không khẩu trang, không nón lá trở từng vỉ cá giữa cái nắng chang chang. Chị đã lớn lên, đã gắn bó hơn nửa đời mình với biển, chồng chị cùng hai cậu con trai đều đi biển, một mình chị là phụ nữ duy nhất trong gia đình được ở lại trên bờ.
Đi tiếp một đoạn nữa dọc bãi biển, nơi có nhiều người đang sủa sang lại những chiếc thuyền sau chuyến biển. Ông Đặng Ngọc Hùng, ở thôn 3 và 17 bạn ghe trong làng vạn chài Tam Hải cùng góp vốn đầu tư một cặp ghe hơn 700 triệu đồng để đánh bắt xa bờ.
Nhưng năm nay, giá xăng dầu tăng khiến cho cuộc sống của những người đi biển thêm lênh đênh, khó xoay xở. Mỗi chuyến đi biển như vậy thường kéo dài 10-15 ngày, tiêu tốn 5.000 lít dầu, cộng thêm chi phí ăn uống, ước tính khoảng 80 triệu đồng. Đợt nào trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều loại hải sản như mực, ghẹ, cá chuồn, cá cơm, cá ảo… Sau một chuyến đi, chia nhau mỗi bạn ghe được 500-600.000 đồng. Thế nhưng, cũng có tháng phải bù lỗ gần 30 triệu đồng cho một chuyến đi biển vì giá xăng dầu tăng mà số lượng hải sản khai thác được lại ít.
Những chiếc thuyền là tài sản của nhiều gia đình. |
Ông Nguyễn Văn Vui (53 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Huỳnh (29 tuổi), phơi mình giữa trời nắng gắt để gỡ hơn 20 tấm lưới đang trộn vào nhau sau một chuyến đánh bắt bằng thuyền thúng trở về. Ông Vui thân hình gầy còm, má hõm sâu. Ông cho biết, ngày nào gia đình ông cũng thức dậy sớm và bắt đầu ra biển từ lúc 4 giờ sáng. Khi thuyền vào bờ, hai cha con lại tự mình phân ra từng loại cá: cá đối, cá phai, cá ngân, cá chuồn,… rồi sau đó đem ra chợ mới Tam Hải để bán.
Những người đi thuyền thúng như cha con ông Vui thì không phải tốn nhiên liệu, tuy nhiên thu nhập lại thấp hơn những người đánh bắt xa bờ. “Ngày nhiều, hai cha con tui đánh được vài chục ký. Ngày nào sóng to gió lớn, đánh gần bờ không ăn thua, chỉ được 5-7 kg cá mỗi ngày” ông Vui chia sẻ. Nhìn lên mái nhà còn chất đầy những bao cát chống bão số 9 năm 2009, anh Huỳnh tâm sự: “Sống bằng nghề đi biển, nhà cũng ở gần biển nhưng mỗi lần có dự báo sóng thần, báo bão người dân ở đây không ai dám ở, tất cả đều phải bỏ nhà, bỏ cả ghe tàu để chạy”.
Mỗi lúc tin sóng thần, bão biển đã đi qua, những người dân làng chài Tam Hải lại trở về bám biển. Những chiếc xe ngược xuôi chở cá. Những người phụ nữ luôn tay trở từng vỉ cá cho đều nắng. Những đứa trẻ trong làng chài, không mũ nón đi chân trần chơi đùa giữa bãi cát nóng bỏng và trốn tìm sau những chiếc thuyền thúng.
Chúng tôi rời xã đảo Tam Hải khi phiên chợ chiều bắt đầu nhộn nhịp cảnh bán mua. Chợ ở làng quê Tam Hải không có nền xi măng, không có mái ngói, người mớ rau, con cá, người trải tấm ni lông để đặt tạm những cân thịt ra bán. Chợ họp ngay trên bãi cát, cạnh những chiếc thuyền thúng xếp dài trên bãi biển. Tiếng sóng biển vẫn ầm ì suốt ngày đêm. Mai này, khi dự án du lịch thành hiện thực, đâu còn những cảnh yên bình của một ngôi làng bên chân sóng ở Tam Hải nữa…
Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường – Võ Văn Lân