Nỗi ám ảnh của Hoa khôi Đại học Luật 2014

“Ước mơ của em giản dị lắm. Em chỉ mơ ước gia đình em đỡ khó khăn hơn, để mẹ con em có thời gian chăm sóc nhau nhiều hơn. Em đã và đang nỗ lực không ngừng học tập để đạt được điều đó…”.

Nỗi ám ảnh của Hoa khôi Đại học Luật 2014

Câu trả lời thông minh của người đẹp yêu gia đình

Trong phần thi ứng xử đêm chung kết cuộc thi “Duyên dáng nữ sinh Đại học Luật Hà Nội năm 2014”, Phạm Thị Hà Thu (SN 1993, sinh viên năm thứ 2, khoa Pháp luật Kinh tế) nhận được câu hỏi: “Hãy sắp xếp thứ tự độ quan trọng từ cao xuống thấp với gia đình, sức khoẻ và tiền bạc”.

Trái với suy nghĩ thông thường của giới trẻ, câu trả lời đầy thông minh và cũng rất thật lòng của Hà Thu đã khiến nhiều người ngỡ ngàng: “Thứ tự sắp xếp của em là sức khỏe, tiền bạc và cuối cùng là gia đình.

Bởi vì như người ta nói “Có sức khoẻ là có tất cả”, em phải có sức khỏe thì mới có thể học tập, làm việc và có điều kiện để kiếm ra tiền bạc. 

Khi em mạnh khỏe và giàu có thì em không chỉ khiến gia đình yên tâm mà còn có thể dùng sức khỏe và tiền bạc để quay lại phục vụ gia đình. Chính vì em coi trọng gia đình nhất nên em đã xếp nó ở vị trí cuối cùng”.

Cũng chính vì câu trả lời này mà PV tìm gặp Hà Thu để được nghe cô kể câu chuyện gia đình của mình. “Đừng hỏi kỷ niệm vui về gia đình - Hà Thu mở đầu câu chuyện - vì gia đình em chẳng có ngày nào vui cả”.

Quê Hà Thu ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), câu chuyện vợ chồng, chuyện gia đình của bố mẹ cô giống cuộc đời buồn của rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác. Mẹ cô một tay tần tảo buôn bán, lo kinh tế gia đình để nuôi chồng con thăng tiến trong công tác và ăn học.

“Mẹ em vất vả lắm, khi em còn nhỏ, mẹ dậy từ tờ mờ sáng để đi thu mua các loại quả rừng làm gia vị, làm thuốc rồi về sơ chế, phơi sau đó bán xuống dưới xuôi. Mấy chị em em từ bé đã biết giúp đỡ mẹ việc nhà, phơi phóng sản phẩm. Em biết nấu cơm, trông em từ lúc 5 tuổi…”.

Khi đã thành đạt trong sự nghiệp, người cha của Hà Thu chia tay vợ và ba đứa con hai gái, một trai đi tìm hạnh phúc mới. Tinh thần người mẹ suy sụp và kinh tế gia đình cũng tuột dốc từ đấy, bốn mẹ con xưa đã khổ, nay lại càng khó khăn hơn.

“Nhưng với em, nỗi khổ vật chất nào đã thấm gì với nỗi khổ trong tâm hồn. Bố mẹ em chia tay năm 2011, nhưng trước đó rất lâu em đã thấy mình không thể gần gụi với bố nữa, từ cái lần em chứng kiến bố đánh mẹ”.

Năm đó Hà Thu còn rất nhỏ, em đã tận mắt thấy bố vung tay đánh mẹ ngất ngoài sân, rồi mặc mẹ nằm đấy bỏ đi… Ông không hề biết rằng vết thương tâm hồn mà ông đã để lại cho người vợ mắc bệnh tim và con gái nhỏ của mình còn lớn và nhức nhối gấp nhiều lần vết thương thể xác.

Sự ám ảnh đó khiến Hà Thu có thời gian rất dài nghĩ rằng tất cả những ông bố trong gia đình đều bội bạc như thế.

Cho đến sau này, khi tới nhà bạn bè chơi, nhìn cảnh bố của bạn yêu thương, chiều chuộng con cái, em về nói với mẹ: “Hóa ra cũng có những ông bố tốt mẹ ạ, chỉ có bố mình là…”. Mẹ em im lặng trước lời con gái. Kể lại với PV, Hà Thu rơm rớm nước mắt: “Giờ lớn em mới hiểu khi ấy mình vô tâm quá, câu nói đó của em chắc làm mẹ em buồn lắm”.

Học luật để giúp mình và mọi người

Hà Thu học rất giỏi, những năm THPT em là học sinh của Trường Chuyên thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Học giỏi văn, ước mơ của em là trở thành nhà báo. Nhưng khi em nhận giấy báo đỗ đại học của Học viện Báo chí tuyên truyền, mẹ em đã… không đồng ý cho em theo học.

“Mẹ không cấm em, nhưng khuyên em hãy suy nghĩ, cân nhắc để chọn học ngành luật. Em còn nhớ mẹ nói với em: “Con hãy thử nhìn ra xung quanh xem có bao nhiêu người dân đang phải chịu thiệt thòi đủ đường vì không biết luật. 

Ngay cả vụ ly hôn của bố mẹ cũng không hề suôn sẻ, khiến mẹ con mình khốn khổ, chịu áp lực bao lâu nay. Con nên học luật để tự giúp mình và giúp đỡ mọi người”.

Nghe lời khuyên của mẹ, Hà Thu thi vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Ngày nhận giấy báo đỗ, người vui mừng nhất là mẹ. Bà đã làm một mâm cơm đạm bạc tạ ơn tổ tiên và mấy mẹ con liên hoan với nhau. Đưa Hà Thu xuống trường rồi vội vã quay lại quê nhà, mẹ cô dặn dò: “Cố gắng học tập con nhé, cả nhà trông vào con đấy”.

Hà Thu là chị cả, sau Hà Thu hiện còn một em trai 19 tuổi và em gái 14 tuổi. Kinh tế gia đình khó khăn (mẹ không còn vốn liếng và sức khỏe để buôn bán như trước khi ly hôn), em trai của Hà Thu phải tạm gác ước mơ đại học của mình để đi làm, hỗ trợ chị gái học. 

Thế nên, Hà Thu rất hiểu câu dặn dò của mẹ. Và đó cũng chính là lý do dẫn đến em có câu trả lời rất thông minh và thực tế trong cuộc thi…

Hà Thu cho biết, đêm chung kết, khi nhận được câu hỏi, đứng trên sân khấu trước bao ánh mắt của mọi người, nhưng trong em chỉ hiện lên cảnh mưu sinh khó khăn của mấy mẹ con, dáng đi vất vả của mẹ, những giọt mồ hôi của em trai sớm bươn chải kiếm tiền cho chị học. Hà Thu muốn thời gian trôi thật nhanh để em có thể trả ơn những người thân yêu của mình...

Theo Pháp luật Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ