(GD&TĐ) - Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 ở ĐBSCL được xem là “đẹp”, trong đó có nhiều nơi đạt tỷ lệ hơn 99%. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung chỉ có một số tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp tăng nhẹ và vẫn có địa phương tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn so với năm 2012. Cần phải thấy rằng, phía sau những con số nói trên là cả quá trình nỗ lực xuyên suốt của ngành GD cũng như nỗ lực của thầy cô giáo và các em HS...
Kết quả thi phản ánh đúng nỗ lực của thầy và trò năm học 2012 - 2013 |
Cần cách nhìn khách quan
Trước tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay được xem là “đẹp”, nhiều người “thắc mắc” rằng kết quả đạt gần như 100% liệu có thực chất hay không? Tuy nhiên so với tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm vừa qua, năm nay tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn ở cả 2 hệ GD THPT và GDTX. Theo con số thống kê, năm 2013 cả nước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt 97,52%, thấp hơn so với năm 2012 là 1,45% (năm 2012 là 98,97%). Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ GDTX đạt 78,08%, thấp hơn so với năm 2012 là 7,39% (năm 2012 là 84,47%).
Ở ĐBSCL năm nay tỷ lệ tốt nghiệp chỉ tăng ở một số tỉnh thành, còn lại một số địa phương vẫn giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp, thậm chí có tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp giảm so với năm 2012.
Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã phản ánh đúng thực chất của quá trình dạy – học. Đặc biệt đây là kết quả từ sự nghiêm túc thực hiện các phong trào, cuộc vận động của ngành GD; kết quả này đã trả lời cho câu hỏi “học thật, thi thật” mà dư luật đặt ra trong suốt thời gian qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trọng Khiếm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: “Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chúng tôi không bất ngờ vì liên tục trong 3 năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT của thành phố đạt khá cao và giữ vững, ổn định. Để có được kết quả này chúng tôi đã có bước chuẩn bị, đầu tư, chăm lo không chỉ từ đầu năm học của khối 12 mà có sự chuẩn bị từ đầu cấp học THPT, cụ thể là khi bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10...”.
Theo bà Trương Thị Bé Hai - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm 2013 đã thể hiện kết quả thực chất đúng với kết quả học tập và năng lực HS của tỉnh. “Để có được kết quả này còn có sự kết hợp từ nhiều phía, đặc biệt là nỗ lực ngành GD… Những trường THPT có tỷ lệ 100% HS đỗ tốt nghiệp đã thể hiện quyết tâm cũng như nỗ lực tự khẳng định chất lượng giáo dục của đơn vị...” - Bà Bé nhấn mạnh.
Đằng sau những con số
Có đến các trường phổ thông và chứng kiến không khí dạy và học của thầy trò trong những ngày nước rút chuẩn bị thi tốt nghiệp mới biết được áp lực cũng như vất vả để có được kết quả cao. Ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp nói: Để đạt chỉ tiêu đề ra, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học, có nghĩa là các hoạt động chuyên môn, dạy học phải hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, trong đó có mục tiêu giữ vững kết quả thi tốt nghiệp THPT ngay từ những ngày đầu năm. “Các trường phải coi việc HS thi đỗ tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của nhà trường với tương lai của các em và trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội, chứ không phải chạy theo thành tích…”.
Nếu nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp mà vội đánh giá rằng “có vấn đề” thì đó là quan điểm xem xét lại. Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ quản lý và GV cho biết tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông hằng năm tăng giảm trong phạm vi vài phần trăm là chuyện bình thường. Quan trọng nhất là kỳ thi đã phản ánh thực chất trình độ của HS và đó là kết quả của việc học thật, thi thật...
Đằng sau tỷ lệ tốt nghiệp khá cao của các địa phương chúng ta không thể phủ nhận vai trò của ngành GD cũng như sự nỗ lực của thầy trò trong suốt quá trình dạy và học. Điều đáng ghi nhận là năm nay ở ĐBSCL ngoài những trường điểm, trường chuyên tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% thì cũng có nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa vươn lên đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Như tỉnh Bạc Liêu có 5/19 trường THPT đỗ tốt nghiệp 100% thì có đến 3 trường nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa như THPT Điền Hải, THPT Ninh Quới, THPT Trần Văn Bảy...
Tỉnh Vĩnh Long năm nay cũng có nhiều trường thuộc vùng sâu đỗ tốt nghiệp 100% như Trường cấp II- III Phú Quới, Cấp II- III Hòa Bình, THPT Tân Lược, THPT Phú Thịnh, THPT Trà Ôn... Trong đó vui nhất là thầy trò trường cấp II- III Phú Quới, huyện Long Hồ. Năm nay thầy trò đều mang niềm vui chung vì tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% - đây cũng là tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất mà từ trước đến nay trường có được. Thầy Lê Thành Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2012 tỷ lệ tốt nghiệp của trường chỉ đạt 98,59% nên năm nay thầy trò quyết tâm tạo bước đột phá từ đầu năm học. Tuy có nhiều cố gắng nhưng trường vẫn có 14 em thuộc diện yếu kém và có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp. Từ sự nỗ lực của trường, GV và HS tiến hành ôn tập theo cách phân hóa nên cuối cùng chúng tôi cũng đạt 100% HS tốt nghiệp…”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Tô Văn Hồ - Hiệu trưởng Trường THPT Lai Vung 1 (Đồng Tháp) cho biết, để có kết quả tốt nghiệp “đẹp” như thế thì thầy trò đổ không ít mồ hôi, công sức. Từ thời điểm đầu năm học nhà trường lên kế hoạch vừa dạy kiến thức vừa tăng tiết cho HS. Đặc biệt khi hoàn thành chương trình lớp 12, nhà trường tiến hành phân loại HS có học lực khá giỏi và HS trung bình, yếu để ôn thi tốt nghiệp cho phù hợp, tiến hành bồi dưỡng, nâng kém để các em có đủ kiến thức và tự tin khi đi thi… Tuy vất vả là vậy nhưng thầy trò đều nỗ lực và quyết tâm vì ai cũng mong muốn học trò đạt kết quả tốt và vượt qua kỳ thi sau 12 năm đèn sách...
Xin đừng nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp năm 2013 mà vội vàng hiềm nghi kết quả kỳ thi một cách thiển cận. Để có được những con số đó là quyết tâm của cả ngành GD không chỉ một ngày, một bữa mà đã xuyên suốt nhiều năm qua. Đó còn là mồ hôi, công sức của hàng vạn nhà giáo ngày đêm dạy, học, ôn luyện cho học trò để các em có thể vượt qua kỳ thi quan trọng trong cuộc đời.
Kết quả tốt nghiệp THPT năm nay chúng tôi không có gì bất ngờ vì liên tục trong 3 năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT của thành phố đạt khá cao và vẫn giữ vững, ổn định. Để có được kết quả này chúng tôi đã có bước chuẩn bị, đầu tư, chăm lo không chỉ từ đầu năm học của khối 12 mà có sự chuẩn bị từ đầu cấp học THPT, cụ thể là khi bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10... Kết quả đó, sự nỗ lực đó thể hiện sự quan tâm đầu tư cũng như nỗ lực của toàn ngành Giáo dục mới có được. Ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ |
Năm nay nói đề thi tốt nghiệp THPT dễ cũng chưa đúng, mà phải thấy rằng đề thi tốt nghiệp THPT đã ra đúng theo hướng dẫn, chuẩn kiến thức kỹ năng. Đề thi đã bám sát chương trình, thực tế được đánh giá là hay (như môn Ngữ văn, Địa lý) nên dạng cấu trúc đề thi này HS rất có lợi thế và làm bài khá tốt. Có thể thấy rằng đạt được kết quả đẹp như năm nay là cả quá trình nỗ lực của nhà trường, GV và các em HS. Bắt đầu từ những ngày đầu tựu trường thầy trò đã nỗ lực, đến giai đoạn nước rút phải học 2 buổi/ngày... Song song đó là công tác phụ đạo, nâng kém, chăm lo bồi dưỡng cho HS trung bình, HS yếu kém được nhà trường, GV dốc hết sức để các em đủ kiến thức vượt qua kỳ thi... Thầy Mai Văn Sang - giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Tam Bình, Vĩnh Long |
Nguyễn Quốc Ngữ