Nỗ lực 'dạy' robot cười đúng lúc

GD&TĐ -Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một robot hình người tên là Erica để đào tạo nó phát hiện tiếng cười trong một cuộc trò chuyện.

Cô robot Erica nói chuyện với người thật.
Cô robot Erica nói chuyện với người thật.

Những con robot nổi tiếng là lạnh lùng, cứng rắn và vô cảm, vì vậy chúng có thể không được xem là khán giả tuyệt vời nhất khi lắng nghe những câu chuyện vui của bạn. Tuy nhiên, các nhà khoa học Nhật Bản đang tìm cách thay đổi điều này khi dạy robot cười đúng lúc bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI).

Thể hiện sự đồng cảm

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một robot hình người tên là Erica để đào tạo nó phát hiện tiếng cười trong một cuộc trò chuyện. Sau đó, robot sẽ quyết định xem có nên cười đáp lại hay không và kiểu cười nào là hợp nhất.

Sau đó các tình nguyện viên sẽ theo dõi những cuộc trò chuyện và kiểu cười khúc khích của Erica. Họ cho rằng, phản ứng của robot này thể hiện sự đồng cảm và giống con người.

Tác giả chính của nghiên cứu là Tiến sĩ Koji Inoue, làm việc tại Đại học Kyoto. Ông cho biết, một trong những chức năng quan trọng của AI đàm thoại là sự đồng cảm. Vì các cuộc hội thoại diễn ra theo nhiều cách nên sẽ không chỉ có một phản ứng chính xác kiểu rập khuôn.

“Do vậy, chúng tôi quyết định rằng một cách mà robot có thể đồng cảm với người dùng là chia sẻ tiếng cười của con người, điều mà bạn không thể làm với một robot biết nói dựa trên văn bản” - Tiến sĩ Koji Inoue chia sẻ.

Được công bố trên tạp chí “Frontiers in Robotics and AI”, nghiên cứu trên nêu mục đích là phát triển một AI có thể hiểu được các sắc thái hài hước của con người.

Mặc dù có thể đào tạo một thuật toán biết nhận ra tiếng cười hoặc đọc ra một câu chuyện cười, nhưng những khả năng này sẽ không cho phép AI tái tạo cuộc trò chuyện tự nhiên.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình “chia sẻ tiếng cười” cho Erica sử dụng, nó cho phép robot này đáp lại tiếng cười của con người như một phản ứng đồng cảm. Mô hình này hỏi 3 câu liên tiếp để robot phản ứng một cách thích hợp với một tín hiệu hội thoại.

Câu hỏi đầu tiên là “Người dùng có cười không?”, sau đó là “Liệu Erica có cười đáp lại không?” và cuối cùng, nếu cô robot này trả lời đồng ý với cả 2 thì “Kiểu cười nào là thích hợp?”. Các kiểu cười mà Erica sẽ chọn là “cười xã giao” – một kiểu cười lịch sự để lấp đầy cuộc trò chuyện khi không có sự hài hước, hoặc “cười vui vẻ” cho các tình huống hài hước.

Để dạy AI sử dụng mô hình chia sẻ tiếng cười một cách hiệu quả, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu bằng cách trang bị cho robot tính năng hẹn hò tốc độ. Erica được điều hành từ xa bởi 4 diễn viên nữ nghiệp dư và nó đã có hơn 80 cuộc đối thoại với nam sinh viên đại học.

Tiếng cười xuất hiện trong các cuộc trò chuyện sau đó được phân loại là cười một mình, xã giao hoặc vui vẻ. Chúng được sử dụng để huấn luyện mạng lưới thần kinh của Erica cách quyết định thời điểm thích hợp để cười và loại tiếng cười nào sẽ được sử dụng.

Việc tạo một robot có thể nói chuyện như một người bạn còn gặp nhiều khó khăn.

Việc tạo một robot có thể nói chuyện như một người bạn còn gặp nhiều khó khăn.

Còn nhiều thách thức

Tiến sĩ Inoue cho biết cần xem xét nhiều chức năng và kiểu cười khác nhau và đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Robot thực sự nên có một đặc điểm riêng biệt và chúng tôi nghĩ rằng, chúng có thể thể hiện điều này thông qua các hành vi trò chuyện của mình, chẳng hạn như nụ cười, ánh mắt, cử chỉ và phong cách nói.

Theo Tiến sĩ Inoue, thách thức lớn nhất trong việc này là xác định các trường hợp thực tế của tiếng cười được chia sẻ. Điều này không dễ dàng vì hầu hết tiếng cười thực sự không được chia sẻ. Ông cho biết, các nhà nghiên cứu đã phải cẩn thận phân loại chính xác những cách cười mà họ có thể sử dụng để phân tích và không mặc định bất kỳ tiếng cười nào cũng có thể được đáp lại (chia sẻ).

Tiếp theo, khiếu hài hước mới phát triển của Erica được đưa vào thử nghiệm khi robot này ngồi xuống để trò chuyện với một người.

4 cuộc đối thoại ngắn đã được tạo ra, trong đó mỗi cuộc đối thoại đều kích thích một phản ứng khác nhau từ robot trong khi nó chạy mô hình chia sẻ tiếng cười. Trong lần đầu tiên, cô robot này chỉ cười xã giao, trong lần thứ 2 và thứ 3 chỉ là tiếng cười vui vẻ và trong lần thứ 4, cô sử dụng kết hợp cả 2 loại tiếng cười.

Ngoài mô hình chia sẻ tiếng cười được phát triển trong khi hẹn hò tốc độ, nhóm nghiên cứu cũng tạo ra 2 mô hình cơ sở khác để chạy so sánh. Một mô hình cô robot sẽ không bao giờ cười trong suốt cuộc trò chuyện và 1 mô hình có tràng cười xã giao bất cứ khi nào người đó cười, bất kể ngữ cảnh là gì.

Sau đó, Erica tham gia vào từng cuộc đối thoại trong số 4 cuộc đối thoại trên trong khi chạy mô hình chia sẻ tiếng cười và cả 2 mô hình cơ sở.

Những điều này đã được ghi lại và hơn 130 người đã lắng nghe, họ đánh giá các tương tác dựa trên sự đồng cảm, tự nhiên, giống con người và sự hiểu biết. Kết quả là, mô hình chia sẻ tiếng cười, trong đó Erica tự hỏi bản thân 3 câu hỏi để quyết định phản ứng cười của mình, hoạt động tốt hơn so với 2 mô hình cơ sở.

Tiến sĩ Inoue cho biết, kết quả quan trọng nhất của báo cáo này là các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cách có thể kết hợp cả 3 nhiệm vụ này vào 1 robot. “Chúng tôi tin rằng loại hệ thống kết hợp này cần thiết cho hành vi cười phù hợp, không chỉ đơn giản là phát hiện một tiếng cười và phản ứng lại”, ông nói.

Erica bị giới hạn với những tiếng cười xã giao và vui vẻ. Có nhiều phong cách khác mà cô robot này nên được đào tạo trước khi có thể trò chuyện tự nhiên, giống như con người.

Theo Tiến sĩ Inoue, đây không phải là một vấn đề dễ dàng chút nào và có thể mất 10 đến 20 năm nữa con người mới có thể trò chuyện bình thường với một robot như với một người bạn của mình.

Theo Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ