Ông Phạ̣m Văn Hùng (Ô. PVH) - PGĐ Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế
Ông Phạm Văn Hùng-PGĐ Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế |
PV: Thưa ông, ngay sau khi Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế có kết quả thi tốt nghiệp, chúng tôi được chứng kiến một hình ảnh khá cảm động, cô Phạm Thị Ngọc Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Trung, một trường năm đầu tiên có HS thi tốt nghiệp ở huyện Phú Vang đã vượt đường xá xa xôi đến Sở GD-ĐT để xem kết quả, và khi thấy trường mình có tỷ lệ đậu 100%, cô đã trào rơi nước mắt vì vui mừng. Ông có thể bộc lộ suy nghĩ của mình về trường hợp này?
Ô. PVH: Đó là tâm trạng của những người gieo trồng chờ ngày kết quả. Trường THPT Hà Trung được thành lập đúng ở thời điểm ngành GD-ĐT trong cả nước đang ráo riết thực hiện CVĐ “ Hai không” do Bộ GD-ĐT phát động, nên ngay từ đầu, nhà trường đã thiết lập được một tư thế học thật, đáng giá thật, thi thật cho các lớp đầu cấp.
Đây là kết quả của sự nỗ lực quyết tâm của thầy và trò trong các trường trước yêu cầu và sức ép về chất lượng; biểu hiện sự tận tâm, trách nhiệm và năng động của CBQL cấp trường. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp năm nay, chúng tôi có nhiều gương mặt hiệu trưởng đáng để khen ngợi, nhiều cách làm cần được đúc kết.
P.V: Trong cương vị lãnh đạo, ông có bất ngờ trước tỉ lệ đậu cao 96,81% của Thừa Thiên Huế hay không?
Ô. PVH: Không có gì bất ngờ vì đây là năm thứ 2 Thừa Thiên Huế có tỷ lệ TN THPT khá tốt: 96,81%, và cũng là năm tỉnh ThừaThiên Huế có kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia cao nhất, đang có cơ hội lớn để tiếp tục có giải Quốc tế trong tháng 7 tới. Đây là kết quả của 10 năm cộng lại từ một cách làm nhất quán: Đưa tất cả học sinh các huyện, thị xã về thi tốt nghiệp tại Thành phố Huế; chỉ đạo tốt chất lượng ngay từ tiểu học, rồi THCS và THPT, chỉ đạo chất lượng từ lớp đầu cấp để có chất lượng lớp cuối cấp…
P.V: Như vậy có thể khẳng định ở Thừa Thiên Huế có cách làm mới?
Ô. PVH: Có thể các cách làm này không phải là mới nhưng chắc chắn đó là một cách làm đầy quyết liệt. Các trường đã làm sớm, làm kỹ khâu phân loại học lực để tổ chức dạy học theo hướng phân hóa. HS trung bình, yếu kém được quan tâm phụ đạo từ đầu cấp, đầu năm; học theo cách tinh giản, cơ bản, bám chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và của từng bài; học tăng tiết, học đến đâu ôn tập củng cố, khắc sâu đến đó. Quan tâm và tổ chức tốt việc đánh giá tiến bộ giữa kỳ để có các giải pháp cụ thể cho từng đối tượng là cách mà các trường đẩy mạnh trong năm nay.
Về góc độ quản lý cấp Sở: Trên cơ sở sự quan tâm chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh ( như: Đưa GD-ĐT thành chương trình trọng điểm; trong năm 2009 đến nay lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, động viên chỉ đạo 39/39 trường THPT), Sở GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo chất lượng mũi nhọn song song với chỉ đạo chất lượng GD đại trà, đặc biệt quan tâm đến các trường chất lượng ở tốp dưới, trường vùng núi, vùng sâu, xa. Tổ chức tốt Hội đồng bộ môn để tham mưu chỉ đạo và xây dựng ngay từ đầu năm học 2 loại đề cương ôn tập cho 2 nhóm đối tượng trung bình, yếu kém và đối tượng khá giỏi.Không chỉ họp với hiệu trưởng, Sở còn họp với các tổ trưởng chuyên môn, GV bộ môn toàn tỉnh để bàn các giải pháp dạy học, ôn tập cụ thể. Lãnh đạo sở đã đến với tất cả các trường để kiểm tra dạy học, ôn tập phụ đạo và đối thoại, nói chuyện trực tiếp với các em để động viên.
Sở cũng đã phối hợp tốt với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, Hội khuyến học, Hội Chử thập đỏ, các doanh nghiệp để quan tâm đặc biệt đến HS yếu kém, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS dân tộc thiểu số; tổ chức tốt tiếp sức mùa thi tốt nghiệp là những cách làm cụ thể góp phần vào thành công của một năm học và kỳ thi TN THPT thi HS giỏi quốc gia.
Ông Hoàng Đức Thắm-GĐ Sở GD-ĐT Quảng Trị
Ông Hoàng Đức Thắm-GĐ Sở GD-ĐT Quảng Trị |
P.V: Là một trong những địa phương có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng thi cử qua các năm của CVĐ “Hai không”, đặc biệt là với hệ GDTX và địa bàn miền núi, xin ông vui lòng cho biết cách làm của Quảng Trị?
Ô. HĐT: Chúng tôi tự tin ở tỷ lệ tốt nghiệp 96,18% (khối GDTX đạt tỷ lệ tốt nghiệp 90,43%) của mình, vì đó là sự quan tâm, chăm lo chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Cụ thể các huyện miền núi đã có sự hỗ trợ tiền và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc thiểu số có được những điều kiện tốt nhất để tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Song song với đó là quá trình tổ chức, chỉ đạo có kế hoạch, sâu sát, chặt chẽ, cụ thể công tác dạy và học của các cơ quan quản lý GD đã giúp cho các trường học nâng cao được chất lượng dạy và học; sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Y tế, Điện lực, Đài PTTH đã giúp cho việc tổ chức kỳ thi được an toàn, thuận lợi.
Không thể không kể đến sự nỗ lực phấn đấu dạy và học của GV và HS, sự chăm lo của phụ huynh và các lực lượng xã hội. Đặc biệt là việc tổ chức ôn tập nghiêm túc, chu đáo cho các em trước khi bước vào kỳ thi của các trường học.
Riêng đối với các trường vùng khó, Sở GD&ĐT đã có nhiều giải pháp chỉ đạo tích cực để nâng cao chất lượng dạy-học. Cụ thể là đã chi viện GV giỏi của các trường thuận lợi cho các trường vùng khó trong công tác ôn tập thi tốt nghiệp cho HS. Chính vì vậy đã góp phần nâng cao chất lượng cho đối tượng HS yếu kém.
P.V: Một vài ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp năm nay có phần “thả lỏng” quy chế so với những năm trước, ông có cho là như vậy?
Ô HĐT: Hoàn toàn không! Ở Quảng Trị, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành sớm, chu đáo; việc tổ chức học tập Quy chế, nghiệp vụ thi cho giáo viên và học sinh được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ đã góp phần hạn chế những sai sót cho thí sinh trong quá trình dự thi.
Việc tổ chức coi thi tốt nghiệp an toàn, nghiêm túc đã tạo được tâm thế cho học sinh làm bài thi đạt kết quả tốt nhất. Thêm nữa, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ phù hợp với nội dung chương trình, vừa sức đối với HS có học lực trung bình thì với một kết quả cao phải là đáng mừng chứ không phải để nghi ngại.
Ông Trần Văn Chương-GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên
Ông Trần Văn Chương –GĐ Sở GD-ĐT Phú Yên thăm Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT Duy Tân |
P.V: Thưa ông, được biết tỷ lệ tốt nghiệp của Phú Yên năm nay là 86,41%, tăng hơn năm học 2008-2009 là 21,67%, và có sự phân hóa khá rõ về các đối tượng. Đây là những dấu hiệu đáng mừng về sự chuyển biến chất lượng dạy và học. Từ kết quả như vậy, chắc chắn lãnh đạo Sở cùng các CBQL trong ngành đã đúc rút nên những nhân tố của hiệu quả?
Ô.TVC: Kết quả khả quan ở tỉnh Phú Yên năm nay hội tụ nhiều yếu tố: Trước hết, phải nhấn mạnh đến việc chú trọng tăng cường chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh tổ chức hiệu quả việc giảng dạy, học tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức việc ôn tập, đảm bảo thời gian, tập trung vào những kiến thức kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng nhận thức của học sinh.
Các trường học biết kết hợp hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập; ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Đặc biệt là tập trung ôn tập nhiều hơn cho HS có học lực yếu; cử GV có khả năng và kinh nghiệm chuyên môn, HS khá giỏi hỗ trợ thêm, ngoài thời gian ôn tập theo kế hoạch ôn tập của các trường THPT, giúp những HS này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi; Kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh; kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra đánh giá chung toàn lớp, toàn trường; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý... Đề thi cũng không quá khó và không mang tính đánh đố HS.
P.V: Ông có cho rằng, việc không còn lực lượng thanh tra ủy quyền cắm chốt tại các địa phương như những năm trước là biểu hiện của sự “thả lỏng” hay không?
Ô. TVC: Dù không có thanh tra ủy quyền “cắm chốt” nhưng kỷ luật trường thi vẫn được siết chặt, vì tất cả đội ngũ CB, GV, NV làm nhiệm vụ thi đều được học tập nghiêm túc quy chế thi. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã thành lập đoàn thanh tra lưu động gồm 7 thành viên là cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam. Đoàn thanh tra lưu động này sẽ thanh tra đột xuất các hội đồng thi, nếu phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ tại kỳ thi dễ dãi, buông lỏng sẽ xử lý nghiêm theo quy chế.
Bộ GD-ĐT cũng tăng cường vai trò của thanh tra sở, thông qua việc tăng gấp rưỡi mật độ thanh tra sở, từ 15 phòng thi/thanh tra lên 10 phòng thi/thanh tra. Để đạt kết quả tốt, ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho thí sinh, Sở GD-ĐT đã tổ chức họp với các chủ tịch hội đồng thi và quán triệt thanh tra thi phải nghiêm túc nhưng tránh gây căng thẳng cho thí sinh và giám thị.
Ô. Phạm Sỹ: Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam
P.V: Đạt danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Trường THPT Sào Nam luôn có tỷ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 100%, nhất quán qua các năm, kể cả khi có CVĐ “ Hai không” nhưng dư luận phụ huynh học sinh vẫn đánh giá rất cao sự nghiêm túc trong chỉ đạo dạy và học, trong đánh giá, thi cử của nhà trường. Ông cho biết cách làm mới của Trường trong kỳ thi năm nay để không ảnh hưởng đến truyền thống vốn có?
Ô. Phạm Sỹ: Sự chu đáo trong thực hiện quy trình dạy-học và thi cử của chúng tôi đã thành nếp lâu nay. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tiến hành dạy phụ đạo cho học sinh. Có 2 lần tổ chức thi thử: một của Trường tổ chức và một do Sở GD-ĐT. Tuy tỷ lệ học sinh yếu kém lớp 12 ít hơn các trường khác trên địa bàn, nhưng ngay từ đầu háng 4, chúng tôi đã chọn ra 40 học sinh yếu, tổ chức thành 2 lớp, không gọi là lớp phụ đạo học sinh yếu mà gọi tên là “ lớp bồi dưỡng kiến thức 12” để tránh những mặc cảm, tự ti. Đội ngũ giáo viên nhà trường hiểu được nỗi niềm, sẵn sàng chia sẻ với khó khăn về hoàn cảnh kinh tế của phụ huynh, HS, nên sẵn sàng nhận dạy phụ đạo miễn phí cho các em.
Ông Nguyễn Xuân Chiến-Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông
Ông Nguyễn Xuân Chiến-HT Trường THPT Đakrông –Quảng Trị |
PV: Thưa ông, được biết là một trường thuộc địa bàn miền núi phía Tây của Quảng Ngãi, nhưng ngay từ những năm qua, Trường THPT Đakrông đã rất nỗ lực để có được kết quả không quá thấp như một số trường miền núi khác. Ông có cho rằng, tỉ lệ 90% đậu tốt nghiệp vừa qua của trường là do năm nay việc tổ chức thi cử có phần dễ hơn những năm trước hay không?
Ô.NXC: Tỷ lệ này tăng 6% so với năm học trước đã phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của cả tập thể. Lâu nay, Trường chúng tôi luôn chú trọng đổi mới cách dạy sao cho hiệu quả nhất, tổ chức tốt khâu ôn tập cho các em. Khâu phụ đạo cho học sinh yếu kém được tổ chức ngay từ đầu tháng 9 hàng năm. Ngay cả việc ra đề thi tốt nghiệp cũng không thể quan niệm có sự dễ dãi. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu phổ cập GDTH thì đề thi phải vừa có tính vừa sức hơn với học sinh.
Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)