Niềm vui và trái ngọt

GD&TĐ - Sự kiện Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) được xếp hạng vào top 1.000 trường ĐH uy tín năm 2019 như một nét chấm phá để bức tranh GD thêm tươi đẹp. Đó còn là sợi dây kết nối để GD nước nhà tiệm cận gần hơn với nền GD tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới.

Niềm vui và trái ngọt

Có ai đó đã từng nói: Một cá nhân bé nhỏ sẽ không là gì cả so với một cộng đồng to lớn. Nhưng ngược lại, những gì lớn lao, vĩ đại lại được tạo nên từ những điều hết sức nhỏ bé mà thôi. Ngẫm cũng thấy hợp tình, hợp lý, ít nhất là với chủ đề mà chúng ta đang bàn tới.

Có thể nói, những ngày qua, thông tin ấm nóng về việc TDTU được Hệ thống xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU), xếp hạng vào top 1.000 trường ĐH uy tín năm 2019, với hạng là 901 – 1.000 đã làm nức lòng người dân Việt Nam. Còn nhớ hồi tháng 6 vừa qua, chúng ta đã “thắng lớn” khi có hai đại học lọt top 1.000 các trường ĐH hàng đầu thế giới. Cụ thể, trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu của 82 quốc gia năm 2020, Việt Nam có Đại học Quốc gia TPHCM đứng top 701 - 750 và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng top 801 – 1.000. Đây là lần thứ hai Việt Nam có đại diện lọt top 1.000 thế giới do QS (Quacquarelli Symonds - QS World University Rankings) đánh giá.

Trước đó, vào năm 2018, ngành GD liên tiếp nhận được tin vui khi GDĐH Việt Nam đã chính thức có tên trên bảng xếp hạng thế giới. Cụ thể, lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới và có 7 trường đại học được xếp vào nhóm 500 trường đại học tốt nhất châu Á. Cùng với đó, Tổ chức US News đánh giá lĩnh vực Vật lí của Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 502 trên thế giới.

Thế mới thấy, GD Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Trên hết, đó chính là “trái ngọt”, là niềm tự hào của các ĐH, trường ĐH sau bao nỗ lực, phấn đấu không ngừng. Điều đó càng khẳng định những chủ trương, chính sách phát triển GDĐH của nước nhà là đúng đắn.

Và bấy nhiêu thành tích đã phần nào nói lên thành tựu nổi bật của GD nước nhà nói chung và GDĐH nói riêng. Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đây cũng là kết quả từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; là kết quả của sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.

Giờ đây, “đổi mới – hội nhập – phát triển” đã trở thành phương châm hành động, là nhu cầu tự thân của các trường ĐH Việt Nam. Tôi vẫn muốn nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt thân mật với đại diện ngành GD và các em HSSV tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện năm học 2017 - 2018: “Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp GD như ngày hôm nay”. Câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ đơn thuần là lời nhận xét, ngợi khen mà còn là sự động viên ân cần của một vị lãnh đạo đất nước dành cho ngành GD.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhắn nhủ: Cần tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ĐH ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện.

Sinh viên tốt nghiệp ĐH phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, nhà trường cần coi trọng GD nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.