(GD&TD)-Khảo sát 200 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam (trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 80%) cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh trong quya 3 tăng 35 điểm so với quý 2/2011.
Có gần 47% doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn (ảnh MH) |
Đây là cuộc khảo sát về chỉ số niềm tin kinh doanh được tiến hành định kỳ hàng quý, do Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam (WVB FISL) và Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí (PVFC Invest) tiến hành.
Theo các doanh nghiệp được khảo sát, sự giảm tốc của giá tiêu dùng trong tháng Chín và các tác động tâm lý đến từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá giữa đồng USD/VND và hạ lãi suất cho vay... đã bước đầu mang đến sự lạc quan cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì trần lãi suất huy động 14%. Tuy nhiên, để hạ lãi suất Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong cung ứng vốn ra thị trường.
Bên cạnh đó, có thể một số quy định trong sử dụng vốn trên thị trường của các ngân hàng theo sẽ được điều chỉnh linh hoạt để ngân hàng có thể tăng tỷ lệ sử dụng vốn, thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cứng nhắc áp dụng các tỷ lệ an toàn sử dụng vốn của ngân hàng thương mại, đặc biệt là sử dụng vốn giữa thị trường một (thị trường giao dịch với dân cư và doanh nghiệp) và thị trường hai (thị trường liên ngân hàng).
Đáp lại việc này, các ngân hàng thương mại cho biết, trong tháng 9, sẽ dùng các biện pháp điều hành để lãi suất cho vay giảm dần xuống còn từ 17-19%, chủ yếu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tất cả các ngân hàng đều nhiệt tình ủng hộ vì "nếu không hạ lãi suất xuống được mà các ngân hàng cứ nhìn nhau thì sẽ không cho vay ra được."
Lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, ngân hàng của ông đã giảm lãi suất cho vay về mức 17-19% áp dụng cho tùy từng đối tượng doanh nghiệp từ trước đây và hiện giờ ngân hàng cũng đang áp dụng mức lãi suất này.
Còn vào đầu tuần Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã nhanh chân "chạy trước" khi đưa ra chương trình giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng VND với lãi suất 17%.
Một số ngân hàng khác như Techcombank, HD Bank, ABBANK cũng đã tuyên bố áp dụng lãi suất ưu đãi, với mức giảm 1,5% so với mức lãi suất thông thường cho doanh nghiệp. Đây cũng được coi là một trong những động thái để đưa dần mặt bằng lãi suất xuống mức mà số đông doanh nghiệp có thể chấp nhận được.
Như vậy, sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại đã đem đến một thông tin tốt lành cho các doanh nghiệp vì thời gian qua lãi suất từ 22-25% đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, sản xuất kinh doanh bị đình trệ hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.
Cụ thể, gần 47% doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn và 70% doanh nghiệp tin rằng tình hình kinh tế sẽ tốt hơn trong năm tới.
So với kết quả của quý 2, số doanh nghiệp có quan điểm lạc quan về tình hình kinh tế hiện tại đã tăng 9,2% và số các doanh nghiệp có quan điểm thận trọng giảm gần 2,4%; số doanh nghiệp có quan điểm lạc quan về tình hình kinh tế năm 2012 tăng 17,24% và số doanh nghiệp có quan điểm thận trọng và bi quan có tỷ lệ giảm lần lượt là 14,51% và 2,74%.
Với niềm tin kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, gần 47,5% doanh nghiệp khẳng định đang có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động, 48% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư ; 74% doanh nghiệp tin tưởng doanh thu sẽ tăng trong vòng 12 tới và 72,5% doanh nghiệp lạc quan vào sự tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng đây.
Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý lạc quan, nhiều doanh nghiệp được khảo sát cũng bày tỏ thận trọng trước những diễn biến khó đoán định của nền kinh tế.
Vì vậy, có tới 41,5% doanh nghiệp cho biết sẽ không tuyển dụng thêm lao động và 11% doanh nghiệp sẽ giảm số lượng lao động trong 12 tháng tới đây.
60% doanh nghiệp cũng cho hay lượng hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp đang ở mức trung bình và trên trung bình đang làm tăng chi phí sản xuất; thêm vào đó, lạm phát và giá nguyên vật liệu đầu vào là hai yếu tố tác động mạnh nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 75% doanh nghiệp trả lời phỏng vấn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9 chỉ nhích 0,18% so với tháng trước, đưa tốc độ tăng giá của 3 quý đầu năm nay so với cuối năm 2007 lên 21,87%. Với cách tính trung bình kỳ, chỉ số giá trung bình của 9 tháng đầu năm nay tăng 22,76% so với 9 tháng đầu năm trước. Nửa đầu năm, giá tiêu dùng đều tăng ít nhất trên 1% mỗi tháng, trong đó tháng 5 lên tới 3,91%. Chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu chững lại và tiến rất chậm từ tháng 7 trở lại đây, đảo ngược xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Những mặt hàng và dịch vụ là "đầu tàu" kéo chỉ số giá tăng từ đầu năm đến nay đều đã dừng lại hoặc giảm. Giá các mặt hàng và dịch vụ ăn uống trong tháng giữ nguyên như tháng 8. Trong đó, riêng giá lương thực giảm 1,75% và các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình nhích lên 1,79%. Giá các dịch vụ đi lại và bưu điện có mức giảm 0,48% sau 2 lượt giảm giá xăng trong nước, trong đó lần gần đây nhất là ngày 27/8. Nhà ở và vật liệu xây dựng cũng rẻ hơn tháng trước 0,63%. Các nhóm hàng khác trong công thức tính chỉ số giá tiêu dùng như may mặc, đồ uống - thuốc lá, dược phẩm đều tăng giá chưa đến 1%. Những mặt hàng và dịch vụ đắt nhất trong tháng lại là những nhóm ít tạo nên biến động trên thị trường, là giáo dục và văn hóa - giải trí, lần lượt tăng 1,40% và 1,45%. Giá vàng và đôla trong tháng giảm khá mạnh, trong đó kim loại quý sụt tới 6,36% và giá đôla lùi 0,75%. |
Thanh Xuân