Những yêu cầu mới đặt ra cho loại hình trường PTDTNT 10 năm tới

GD&TĐ - Ngày 18/12 tại TP Yên Bái, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự và phát biểu tại hội nghị.

Đoàn chủ tịch hội nghị
Đoàn chủ tịch hội nghị

Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm UBVHTNTNNĐ của Quốc hội, ông Y Thông – Phó Chủ nhiệm, thứ trưởng Ủy ban dân tộc; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; đại diện Ban tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ; ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đông đảo lãnh đạo các tỉnh, Sở GD&ĐT, hiệu trưởng trường PTDTNT các tỉnh, thành phố.

Yêu cầu phát triển mới

Hiện trên toàn quốc có có 315 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành với tổng số 109.245 học sinh nội trú (HSNT). Trong đó, có 59 trường PTDTNT cấp tỉnh, 256 trường cấp huyện (trong số này có 67 trường PTDTNT liên cấp học THCS và THPT); có 03 trường PTDTNT trực thuộc Bộ GD&ĐT, gồm: Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Hữu nghị 80 và trường T78). Quy mô trung bình của trường cấp tỉnh khoảng 600 HS/trường, trường cấp huyện khoảng 290 HS/trường. Đến nay, số trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã đạt khoảng 40%.

Hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018
 Hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018

Theo đánh giá tại hội nghị, thời kỳ đầu, khi mới có chủ trương thành lập trường PTDTNT, để có đủ học sinh vào học, các trường phải vận động học sinh đến trường (kể cả việc đến tận thôn bản vận động); giai đoạn tiếp theo khi nguồn tuyển đã ổn định các nhà trường tiến hành xét tuyển kết hợp với thi tuyển đầu vào.

Đến giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục “giữ” trường PTDTNT cấp tỉnh hoặc huyện ở một số địa phương đã không thực sự cần thiết, gây lãng phí và đầu tư thiếu tập trung. Điều này đang đi ngược với chủ trương chỉ đạo của Nghị quyết số 18 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Để trường PTDTNT mang lại được hiệu quả giáo dục như mục tiêu, trong giai đoạn 2018-2028, cần thiết phải có những định hướng giải pháp phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS, MN hiện nay. Trong đó, việc rà soát, quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường PTDTNT trên cơ sở đáp ứng các điều kiện (tiêu chí) theo quy định về tuyển sinh, cơ sở vật chất, đội ngũ… là một việc làm cần thiết và cấp bách để tránh lãng phí và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tạo nguồn đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện KT - XH ĐBKK, biên giới và hải đảo.

Cụ thể hơn, trong giai đoạn hiện nay, mô hình trường PTDTNT đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chất lượng và hiệu quả đào tạo của hệ thống trường PTDTNT chưa cao; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa được bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề về giáo dục đặc thù phù hợp với nhiệm vụ nuôi, dạy học sinh ở trường PTDTNT; một số chính sách, chế độ đối với trường PTDTNT còn chưa phù hợp, thiếu một số chính sách đặc thù cần thiết...

Đặc biệt, mô hình trường PTDTNT đang gặp nhiều bất cập trong vấn đề tuyển sinh, quy hoạch mô hình phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển của xã hội và thực hiện mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho một số dân tộc có nguồn nhân lực thấp (gồm 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, Xtiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng).

Cần có thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận hội nghị
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mô hình truyền thống của trường PTDTNT đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn, thực hiện được mục tiêu là nơi tạo nguồn đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiếu số. Chất lượng nhiều trường không thua kém các trường THPT chuyên, trường đại trà. Tuy nhiên trong 10 năm tới phải có thay đổi để khắc phục những tồn tại hiện có đáp ứng tình hình hiện nay đối với giáo dục dân tộc.

Định hướng phát triển về mô hình trường PTDTNT, Bộ trưởng chỉ rõ ở cấp tỉnh tập trung nguồn lực cho một trường, ở cấp huyện có trường nội trú, bán trú tránh tình trạng phân tán. Cần rà soát các tiêu chí để xây dựng mô hình phù hợp trong giai đoạn tới trên tinh thần duy trì, phát triển mô hình truyền thống và chọn lựa một số mô hình chất lượng cao phù hợp, một số trường “chuyên” của mô hình PTDTNT đồng thời tính đến những đặc thù của những vùng miền khó khăn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình trường PTDTNT vùng; Mở rộng mô hình giáo dục hòa nhập đối với giáo dục dân tộc để từng bước mở rộng ở những nơi phù hợp, kèm theo các mô hình này là các khung tiêu chuẩn định hướng phù hợp với từng vùng miền.

Về các điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng chỉ đạo: Chương trình và kế hoạch giáo dục của hệ thống trường PTDTNT theo hướng tích hợp, dạy văn hóa, dạy kỹ năng, hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh DTTS. Về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt trong các trường PTDTNT, phải đảm bảo cho học sinh yên tâm như sinh hoạt trong gia đình. Các điều kiện như bếp ăn nội trú, nhà vệ sinh, nhà ở nội trú nay đã được quy định cụ thể trong chính sách nhưng còn nhiều bất cập, trẻ còn thiếu nhiều điều kiện sinh hoạt nội trú.

Về giáo viên, cần có phương án tăng cường giáo viên người bản địa hiện đang dạy trong trường nội trú. Những học sinh người dân tộc vào học các trường sư phạm rồi quay trở về giảng dạy trong các trường PTDTNT là những hạt nhân của hạt nhân trong công tác này; Bộ sẽ nghiên cứu kế hoạch để tham mưu chính sách ưu đãi cho đối tượng là những giáo sinh người dân tộc tốt nghiệp loại giỏi có nguyện vọng về dạy trường PTDTNT.

Về cơ chế chính sách, cần lưu ý đây là mô hình trường chuẩn bị nguồn cho đào tạo nhân lực tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về định mức, tăng định mức giáo viên phù hợp với đặc thù của trường PTDTNT là cần thiết nhưng trong chủ trương chung của Đảng, Chính phủ tinh giản biên chế, việc đề xuất tăng biên chế rất khó khăn nên phải nghiên cứu thật kỹ và có đề xuất chính đáng. Việc đề xuất tăng định mức chi, chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên trường PTDTNT cũng cần được tiếp thu để nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đặc thù trường chuyên biệt này.

Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, được hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX với những tên gọi khác nhau cho đến năm 1985, loại hình trường này được Bộ GD&ĐT chính thức ban hành quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT.

Trường PTDTNT được quy định trong Luật Giáo dục, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT hiện nay quy định tại Thông tư số 01 của Bộ GD&ĐT. Từ khi ra có loại hình trường này đã được, Đảng, Chính Phủ quan tâm bằng nhiều cơ chế, chính sách. Các địa phương ưu tiến nguồn lực, con người cho công tác dạy và học con em các dân tộc.  Chính vì vậy, 10 năm qua, hệ thống trường chuyên biệt này đã khẳng định và có được vai trò to lớn trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (KT - XH ĐBKK), biên giới và hải đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ