Luôn ẩn mình bên dưới các ngõ ngách tối tăm hay những đường ống hôi thối, chuột là con vật khiến cho nhiều người không khỏi rùng mình mỗi khi nhắc đến. Không chỉ là loài “ăn tàn phá hoại” trên những cánh đồng lúa chín mà nó còn là kẻ thù trong gian bếp của mọi gia đình khi đêm đến. Song, ở đâu đó trên thế giới này, chuột lại được xem như món khoái khẩu trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Thịt chuột - nguồn nguyên liệu tươi ngon số một
Tọa lạc vùng núi cao phía đông bắc Ấn Độ, bộ tộc Adi là nơi tiêu thụ chuột nhiều nhất nhì thế giới. Được biết, vào buổi lễ Unying-Aran được tổ chức vào ngày 7/3 hàng năm, thịt chuột là món ăn nhà nào cũng phải có. Tiêu biểu nhất trong số đó chính là món hầm Bule-bulak, được làm từ dạ dày, gan, ruột, tinh hoàn, bào thai, đuôi và chân chuột cùng các loại gia vị như muối, ớt và gừng...
Theo giáo sư Victor Benno Meyer-Rochow đến từ Đại học Oulu, Phần Lan thì người Adi có thói quen ăn thịt mọi loài chuột, từ chuột nhà cho tới chuột hoang trong rừng. Họ thích nhất là phần đuôi và chân chuột, vì nó có hương vị vô cùng thơm ngon.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể lí giải lí do chính xác vì sao cư dân nơi đây lại vô cùng ưa chuộng thịt chuột đến vậy. Một số người cho rằng, nguyên nhân rất có thể là do thói quen được truyền lại từ tổ tiên của họ. Một số khác lại quả quyết rằng, bởi vì sống ở vùng núi cao nên khẩu vị của dân chúng trong bộ lạc này có phần khác biệt hơn so với bình thường.
Không chỉ là món ăn đặc sản, thịt chuột còn được xem như một món quà đầy ý nghĩa.
Bên cạnh việc được xem như một món ăn bổ dưỡng thì chuột còn là món quà tinh tế người Adi trao cho nhau trong nhiều dịp đặc biệt. Ví dụ như trong lễ cưới, họ sẽ tặng các cặp uyên ương vài con chuột chết, thay cho lời chúc trăm năm hạnh phúc; hay việc trao cho các em bé 2 con chuột vào rạng sáng ngày lễ Unying-Aran như món quà “lì xì” đầy ý nghĩa.
Sự lan rộng của phong trào ăn chuột trên khắp thế giới
Trên thực tế, thói quen ăn thịt chuột đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển của xã hội. Quay trở về những năm 618-907 trước công nguyên, người dân Trung Quốc đã bắt đầu chế biến thịt chuột thành nhiều món ăn thú vị, mà đặc sắc nhất là món chuột bao tử nhồi mật ong.
Khoảng 200 năm về trước, giống chuột Kiore (gần họ với loài chuột nhà thông thường) đã là thành phần chính trong mọi bữa ăn ở hòn đảo Polinedia hay đảo Maori ở New Zealand. Trước thời kỳ tiền châu Âu, nó còn được xem như một loại tiền tệ để trao đổi hay tiếp đãi khách quí.
Ấn Độ không phải là nơi duy nhất trên thế giới có thói quen ăn thịt chuột.
Tại tiểu bang Bihar, nơi nghèo nhất Ấn Độ, dân chúng cũng chọn thịt chuột làm món ăn chính trong ngày, bởi nó có hương vị gần giống thịt gà hay chim cút, mặc dù mùi của nó có chút khó chịu khi bị đốt lông. Ngoài Ấn Độ thì nhiều nước thuộc châu Á như Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ghana, Trung Quốc và Việt Nam cũng có thói quen ăn thịt chuột.
Không dừng lại ở đó, nhà nghiên cứu Mojisola Oyarekua thuộc Đại học khoa học công nghệ Ifaki-Ekiti còn khẳng định rằng, một vài dân tộc thiểu số tại châu Phi cũng khá ưa chuộng loại nguyên liệu này. Ông cho biết thêm, vì có thể chế biến được thành nhiều món, như món hầm, món luộc hay thậm chí là ăn khô, nên ở đây, thịt chuột còn có phần đắt đỏ hơn hẳn so với thịt bò hay cá.
Nhìn chung, có thể vì vài lí do về vệ sinh an toàn thực phẩm mà thịt chuột vẫn chưa xuất hiện rộng rãi trên thực đơn của nhiều nhà hàng, song không vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận độ lan tỏa ngày một rộng rãi hơn của món ăn này. Với hương vị khác lạ cùng nhiều phương pháp chế biến tinh xảo, thịt chuột xứng đáng là món ăn mà bất kì ai cũng nên thử một lần trong đời.