Tuy vậy, gia đình Việt Nam trung bình dành ra nửa tháng Chạp để chuẩn bị đón Tết cho chu đáo. Có rất nhiều việc để làm: nào thăm mồ mả tổ tiên, nào mua hoa, trái cây, bánh, nhang, đèn, nào sắm sửa quần áo mới, nào gói bánh, nào quét dọn nhà cửa. Đến đêm 30 tháng Chạp, mọi việc mua sắm phải hoàn tất, bàn thờ tổ tiên phải được sắp đặt tươm tất, các món ăn phải làm xong.
Đưa ông Táo về trời
Trước hết là lễ cúng đưa ông Táo về trời . Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp hầu hết các gia đình đều cúng ông Táo. Theo quan điểm của người Việt ta thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc hoàng những vấn đề tốt xấu, những việc mà Ông Táo tai nghe mắt thấy.
Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài nhang,đèn cầy , trái cây, giấy tiền vàng bạc, còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà.
Mũ dành cho ông Táo có hai cánh chuồn, mũ bà Táo được trang sức với gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc rực rỡ và ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ), cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Có gia đình cúng gọn, mộ mũ ông Táo, cái áo và đôi hia bằng giấy.
Nếu ta để ý có người rất chú ý khi cúng đưa Táo quân lên thiên đình, theo tư liệu xưa thì họ căn cứ theo ngũ hành mà thay đổi màu cho áo, mũ, nia .Theo ngũ hành thì năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì màu xanh, năm hành hỏa thì màu đỏ, năm hành thổ thì màu đen.
Những đồ này sau khi cúng xong thì đốt đi, và nhà nào thờ ông Táo thì trang hoàng lại nhà mới cho ông Táo, giấy bông đỏ, bông, chén uống trà, có nơi con cúng một dĩa tỏi củ.
Ở một số nơi thì nhà nào có trẻ con thì cúng ông Táo một con gà luộc, gà phải chọn gà trống tơ mới tập gáy nhằm nhắn gửi ông Táo lên tâu với ngọc hoàng để trẻ lớn lên có nhiều nghị lực, sinh khí tràn trề nối dõi tông đường.
Miền Bắc người ta tiễn ông Táo bằng con cá chép sống thả vô chậu nước, cúng xong con cá chép sẽ được phóng sinh. Ở miền Trung, Ông Táo bà Táo cỡi ngựa về trời với yên cương đầy đủ. Có lẽ núi đồi nhiều chuyện thay cá chép bằng ngựa là phù hợp với địa hình. Miền Nam thì đơn giản hơn có người chỉ mua bánh mứt cúng, hay nấu nồi chè là xong lễ đưa Táo quân lên gặp Ngọc hoàng mà báo cáo.
Sự tích táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa nhưng đã được Việt Nam hóa với nhiều tình tiết khác nhau. Nhưng ý nghĩa truyện thì vẫn nêu cao tình yêu thương của vợ chồng gắn nó nhau, và mọi người nên biết giữ mãi ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình. Nên đến nay tục này vẫn được gìn giữ. Bài vị thờ vua bếp thường được ghi bốn chữ “Định phúc táo quân” nghĩa là thần định sự hạnh phúc cho mỗi nhà.
Tảo mộ
Tuy là chúng ta có ngày thanh minh là ngày đi tảo mộ ông bà, nhưng những ngày giáp tết con cháu vẫn đến làm cỏ xung quanh mộ phần sạch sẽ. Theo tục xưa từ ngày 23 cho đến chiều 30 tháng Chạp, con cháu trong dòng họ tề tựu đông đủ và cùng đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên.
Mỗi gia đình đều đem theo nhang đèn, bông, trái cây, bánh, trà hay nước ngọt để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Nhà có đất thì làm nhà mộ tổ để con cháu về cúng bái. Có người không có đất thì chôn nhờ trên đất người khác cũng xin phép gia chủ đến để cúng mộ ông bà mình và cũng đem trái cây, quà bánh tạ ơn chủ đất.
Nhiều gia đình không có ruộng đất lớn để làm mộ phần tổ tiên, nên những điền chủ có nhiều ruộng đất trong làng cho mượn đất chôn nhờ. Vì thế, cuối năm, mỗi gia đình đi thăm mộ đều mang theo quà Tết để biếu điền chủ đã cho mình mượn đất hay người coi sóc nghĩa trang (nếu mộ phần đặt trong nghĩa trang).
Đây cũng là truyền thống tốt đẹp để con cháu biết cội nguồn và biết sống sao cho xúng đáng với dòng họ Cuộc sống nhiều khi buộc con cháu phải tha hương lập nghiệp không về được thì người lớn trong tộc cũng không quên những tập tục này.
Dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa là công việc của mỗi nhà những ngày gần Tết
Dọn dẹp nhà cửa
Quét vôi mới, rửa cửa, giặt mùng mền chiếu gối…bàn thờ cũng được lau chùi sạch sẽ, lư hương đồng chùi bóng hới. Cây cối xung quanh nhà được tỉa cắt lại gọn gàng đẹp mắt, lặt lá mai cho nở đúng giao thừa. Có nhà còn gieo trồng vạn thọ cúc xung quanh lối đi cho hoa nở vào tết sáng nhà đẹp cửa.
Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà.Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ cúng kiến những người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, nhang là tinh tú.
Hai lư hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được thịnh vượng thu lợi hơn năm trước.
Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước lư hương để mấy chung nhỏ để cúng nước.
Theo tục xưa thì có người còn mua hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về gia đình mình hưởng cái tết xum họp. Nay thì tục này rất ít nhà còn lưu giữ. Sáng 29 hoặc ba mươi làm bữa cơm rước ông bà hay còn gọi là bữa cơm họp mặt cuối năm.
Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta chuẩn bị các thứ để cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày Mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa.
Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng nấu làm hai mâm. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Có người dựng nêu bằng miếng hồng đơn đỏ in hình con cọp, với ba trái cau, ba miếng trầu treo ở trước cửa nhà. Một số cộng đồng khác thì có một mâm dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa.
Đến tối ba mươi công việc phải hoàn tất, nồi chảo lau chùi sạch bóng, nước đầy lu, gạo đầy thùng, chén bát úp gọn gàng tránh khua ba ngày tết. Mọi người trong nhà tắm rữa sạch sẽ thơm tho chuẩn bị đón chào năm mới.
Đón Tết cổ truyền, ngoài ý nghĩa là một ngày lễ hội, còn mang nhiều ý nghĩa khác đối với người Việt. Thế cho nên, chúng ta biết những điều này để đón Tết cho đẹp, cho đúng, âu cũng là điều nên làm.