Thực trạng đặt ra những yêu cầu về giải pháp, đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.
Cần nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ
Theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ TPHCM, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của thành phố; chính sách đào tạo giáo viên nghề; thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho 9 ngành trọng yếu và xuất khẩu lao động của thành phố... là những vấn đề “nóng” cần được quan tâm thúc đẩy.
TS Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 cho biết, doanh nghiệp tại thành phố chủ yếu cung ứng được linh kiện, phụ tùng được sản xuất công nghệ đơn giản, giá trị thấp. Còn linh kiện, phụ tùng đòi hỏi công nghệ cao thì khả năng tiếp cận thấp. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo tại các cơ sở dạy nghề công nghiệp hỗ trợ cũng chưa tốt.
Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thành phố giai đoạn 2015 - 2020 đặt mục tiêu hình thành được một số cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở liên kết giữa tổ chức nước ngoài và trong nước theo hướng chuyển giao như: Ngành cơ khí chế tạo; điện tử - công nghiệp hỗ trợ; cao su - nhựa... Vì vậy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ của thành phố gồm các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo nghề được phân công nhiệm vụ cụ thể và thực hiện chương trình kết nối đào tạo thí điểm.
Gắn đào tạo với doanh nghiệp
Thực tế, hiện nay tại TPHCM số lao động thông qua học nghề mà các doanh nghiệp tuyển dụng là rất thấp. Hầu như các doanh nghiệp tuyển dụng rồi mới đào tạo hoặc đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều vị trí việc làm doanh nghiệp đề nghị hiệp hội giới thiệu và tuyển dụng, vì các trường nghề không đào tạo ngành nghề họ đang cần.
Về thực trạng này, bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề - Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương chia sẻ kinh nghiệm liên kết, đối với Trường Trung cấp nghề - Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đã chủ động thực hiện hiệu quả hợp tác với doanh nghiệp. Để làm được điều đó, trường đào tạo theo chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thế mạnh đào tạo ở nghề kỹ thuật công nghệ cao như cơ điện tử, tự động hóa, hàn TIG - MAG… Đến nay, trường mở rộng quan hệ với hơn 60 doanh nghiệp, tổ chức và đơn vị, đào tạo được gần 3.500 học viên.
Từ kinh nghiệm của nhà trường, bà Thủy kiến nghị: Để đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu thế tất yếu thì Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tạo hành lang pháp lý để cơ sở dạy nghề tiếp cận với doanh nghiệp. Trong đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề mạnh hơn nhằm tạo nguồn lực, các thành phần và doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề…
PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cũng cho rằng: Trong xu hướng đào tạo nghề hiện nay của các nước mà Việt Nam có thể học tập là mô hình đào tạo kép giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mô hình này hiện đang được đào tạo thí điểm tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên về nghề xử lý nước thải theo công nghệ và giáo trình đào tạo của Đức. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng nghề của Đức. Mô hình này hiện đang được đánh giá là hiệu quả.