Những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Rếch Tin-lơ-xơn (Rex Tillerson) mới đây đã chỉ ra những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump). 

Ông Rếch Tin-lơ-xơn thông báo về chính sách đối ngoại của Mỹ với các nhân viên Bộ Ngoại giao. Ảnh: The Guardian
Ông Rếch Tin-lơ-xơn thông báo về chính sách đối ngoại của Mỹ với các nhân viên Bộ Ngoại giao. Ảnh: The Guardian

Ông cũng đề cập tới những “thách thức cấp bách nhất” mà nước Mỹ phải giải quyết hiện nay, chẳng hạn như cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và vấn đề hạt nhân Triều Tiên…
 

Sau 3 tháng kể từ khi ngồi vào chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ, ngày 4-5 vừa qua, ông Rếch Tin-lơ-xơn đã lần đầu tiên có bài phát biểu trước hàng trăm nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó ông nhấn mạnh tới những biện pháp nhằm cụ thể hóa kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” thành các chính sách đối ngoại. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng, một chính sách đối ngoại mạnh phải đi cùng với một quân đội mạnh. Theo ông, trong vài thập kỷ gần đây, chính sách đối ngoại của Mỹ đã có phần mất cân bằng do nước này tập trung quá nhiều vào các hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế với các nền kinh tế mới nổi. Bởi vậy, sắp tới Mỹ sẽ phải đưa các quốc gia đồng minh trở lại vị thế cân bằng trong chính sách đối ngoại của nước này. “Có những mối quan hệ rất quan trọng với chúng ta và họ là những đồng minh thực sự quan trọng”, Ngoại trưởng Rếch Tin-lơ-xơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Rếch Tin-lơ-xơn cũng khẳng định khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” là ưu tiên an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ, nhưng không đồng nghĩa với việc làm tổn hại quốc gia khác.

Đề cập tới khu vực Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đến nay cuộc chiến chống IS vẫn là một mục tiêu quan trọng và là chính sách trọng tâm của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Điều này cũng đã từng được Tổng thống Đ.Trăm khẳng định. Thời gian tới, Mỹ sẽ gia tăng áp lực nhằm vào IS và Al-Qaeda, đồng thời mở rộng nỗ lực của liên quân chống khủng bố ra ngoài phạm vi chiến trường, tấn công IS cả trên mạng, các hệ thống tuyên truyền để chiêu mộ lực lượng của IS.

Về quan hệ Nga-Mỹ, theo AFP, phía Mát-xcơ-va từng hy vọng rằng, việc ông Đ.Trăm đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và ông Rếch Tin-lơ-xơn trở thành Ngoại trưởng sẽ mở đường cho một mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai nước. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Trái lại, Ngoại trưởng Rếch Tin-lơ-xơn tháng trước thậm chí còn thừa nhận rằng, quan hệ giữa hai cường quốc này đang ở mức thấp nhất từ thời Chiến tranh Lạnh và đây là điều cần phải thay đổi. Ngoại trưởng Rếch Tin-lơ-xơn cho biết thời gian tới, ông sẽ có những hành động và việc làm cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nước. Được biết, dự kiến trong tuần tới, ông Rếch Tin-lơ-xơn sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) để trao đổi về vấn đề này.

Còn trong quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Rếch Tin-lơ-xơn khẳng định, Oa-sinh-tơn muốn hợp tác với Bắc Kinh trên cơ sở tôn trọng lợi ích an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến nay, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc giới hạn những lĩnh vực đối thoại vào 4 chủ đề chính và nâng cấp đối thoại lên cấp cao hơn, bao gồm cả các Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Đối với vấn đề Triều Tiên, ông Rếch Tin-lơ-xơn cho biết, chính sách của Mỹ là tăng cường hợp tác với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, với các nước lớn trong khu vực khác như Nga và Trung Quốc, nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn trong việc gây sức ép với Triều Tiên, đồng thời yêu cầu các quốc gia nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết của Liên hợp quốc về trừng phạt Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mỹ sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt mới nếu Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích và trong trường hợp cần thiết có thể trừng phạt cả các công ty nước ngoài cố tình làm ăn với Triều Tiên.

Cũng trong bài phát biểu nói trên, ông Rếch Tin-lơ-xơn cho rằng, Ca-na-đa và Mê-hi-cô là những láng giềng quan trọng sống còn đối với Mỹ. Bởi vậy trong tương lai, Mỹ sẽ làm mới lại một số thỏa thuận trong quan hệ với hai nước này, đặc biệt là về thương mại. Với châu Phi, Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính phủ ổn định, tìm kiếm cơ hội kinh tế và thương mại với các quốc gia trong khu vực, đồng thời giúp khu vực này giải quyết cuộc khủng hoảng về y tế và đập tan các mạng lưới khủng bố.

Điều đáng chú ý là Ngoại trưởng Rếch Tin-lơ-xơn không hề đề cập tới châu Âu trong các mối quan hệ được coi là ưu tiên của Mỹ, mà chỉ nhắc lại lời Tổng thống Đ.Trăm về việc các quốc gia thành viên NATO cần chi tiêu nhiều hơn cho nỗ lực phòng thủ chung.

Theo QĐND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ