Cuộc chiến được phía Đồng minh gọi là Chiến dịch Bão táp Sa
mạc, hay còn được gọi là chiến tranh Iraq, nhưng sau này tên gọi Cuộc chiến Vùng Vịnh được sử dụng phổ biến hơn, để phân biệt với Chiến tranh Iraq nổ ra năm 2003.
Ngày 2/8/1990, Iraq cất quân sang Kuwait. Dư luận thế giới ồn ào lên tiếng, và ngay lập tức các nước thành viên Hội đồng Bảo an thông qua lệnh cấm vận kinh tế đối với Iraq.
Tổng thống Mỹ George H.W.Bush ra lệnh chuyển quân tới Ả Rập Xê - út, và hối thúc các nước gửi quân tới chiến trường. Một lực lượng quân sự lớn được thành lập, chủ yếu từ Mỹ, Ả Rập Xê-út, Anh và Ai Cập.
Ả Rập Xê-út chi vào cuộc chiến khoảng từ 36 - 60 tỷ USD. Mở màn cho Chiến dịch Bão táp Sa mạc là những cuộc ném bom bắt đầu từ ngày 17/1/1991, sau đó là các cuộc đổ bộ từ ngày 23/2.
Cuộc ném bom diễn ra trong Cuộc chiến Vùng Vịnh là một trong những trận oanh tạc với nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất thời hiện đại.
Chỉ một ngày trước hạn chót mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu Iraq phải rút quân khỏi Kuwait, lực lượng Đồng minh đã chung tay thực hiện cuộc tấn công không lực lớn nhất trong lịch sử loài người.
Các nước tham gia cuộc tấn công gồm có Mỹ, Ả Rập Xê-út, Pháp, Ý cùng Lực lượng Kuwait tự do và 7 lực lượng khác của Kuwait. Chiếc F117 được lựa chọn làm “chiến binh tiên phong” trong cuộc tấn công.
Những chiếc F-117 bay qua vùng trời Baghdad và phá hủy các trung tâm điều hành quan trọng nhất. Lực lượng phòng không của Baghdad rất khó khăn trong việc “truy tìm” dấu vết của máy bay tấn công và bắn trả một cách hú họa, bởi F-117 được trang bị những thiết bị “tàng hình” tối tân nhất.
Sau đó, chiếc B-52, một trong những chiếc máy bay ném bom lớn nhất trong lịch sử, cũng được đưa vào tấn công. Những chiếc máy bay này đã bay với khoảng cách hơn 22.000 km trong gần 35 giờ - khoảng thời gian dài nhất từ xưa đến nay.
Nhiều loại máy bay ném bom khác cũng tham gia cuộc tấn công, và hệ thống phòng thủ của Iraq nhanh chóng tê liệt và tắc nghẽn.
Trong vòng hơn 1 tháng, máy bay của Đồng minh liên tục tấn công các mục tiêu được cho là “có mối đe dọa tiềm ẩn”. Ngay trong ngày đầu tiên của Chiến dịch Bão táp Sa mạc, các trung tâm chỉ huy và hệ thống phòng ngự không quân của Irad đã bị phá hủy.
Đó cũng là khi máy bay chiến đấu ra quân.
Những chiếc Jaguar, F-16 và F-18 lần lượt xé nát các “thành trì” Iraq một cách có hệ thống. Máy bay ném bom Tornado của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh cũng là một trong những “sát thủ trên không” tàn phá khắp nơi trên Iraq.
Sau đó là các đội bay Buccanneer và Tornado sử dụng đạn laser và tên lửa Sidewinder để phá hủy mọi chiếc cầu then chốt trên toàn Iraq. 20 cây cầu trên hai con sông Tigris và Euphrates hoàn toàn bị phá hủy, cắt đứt mọi nẻo đường giao thông cũng như hệ thống liên lạc truyền thông giữa các lực lượng quân đội của Iraq ở Kuwait.
Khi cuộc chiến gần kết thúc, máy bay ném bom B-52 của Mỹ tiếp tục tấn công các lực lượng mặt đất của Iraq, hầu hết là các chi nhánh ở Kuwait và miền Nam Iraq.
Ngày 3/3/1991, Iraq buộc phải chấp thuận ngừng bắn. Cuộc chiến Vùng Vịnh là minh chứng cho chiến thuật sử dụng máy bay ném bom bình địa cả một khu vực rộng lớn và vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng thủ của cả một đất nước. Iraq đã phải nhận một bài học vô cùng đắt giá.