Trong quá trình dạy con, nếu cha mẹ để ý thấy bé có những thói quen dưới đây, hãy nhanh chóng chỉnh đốn và sửa chữa lại cho bé bởi về lâu dài, những thói xấu này càng phát triển, trẻ rất dễ sinh hư và khó kiểm soát:
Ngắt lời khi bạn đang nói chuyện
Con bạn có vẻ như đang rất háo hức để kể cho bạn nghe một chuyện gì đấy, nhưng việc chen ngang vào cuộc hội thoại của bạn nhiều lần sẽ khiến bé nghĩ là bé có quyền nhận được chú ý từ người khác bất cứ khi nào. Điều này dần dần sẽ hình thành thói quen xấu cho bé. Càng để lâu không sửa thì sau này bố mẹ càng khó dạy con.
Cách xử lý: Lần tới trước khi bạn gọi điện hay nói chuyện với bạn bè thì bạn hãy dặn bé rằng bạn cần sự yên tĩnh và con không được ngắt lời khi mẹ đang nói. Sau đó hãy cho bé chơi trò chơi hoặc tham gia hoạt động gì đấy thu hút được bé. Khi bé kéo tay bạn trong khi bạn đang nói thì hãy chỉ bé ra ghế ngồi và chờ cho đến khi bạn xong và cho bé biết rằng bạn sẽ không đáp ứng yêu cầu nào của bé nếu như bé cứ cắt ngang bạn.
Không để ý lời bạn nói
Nếu như bạn cứ để bé tiếp tục hành xử như vậy, bé sẽ trở nên bướng bỉnh và ngang ngạnh hơn.
Bố mẹ không nên nhượng bộ bé khi bé cứ ngang ngạnh, không nghe lời (Ảnh minh họa)
Cách xử lý: Nếu bé không chịu nghe lời bạn thì bạn hãy nói hậu quả của hành động đấy cho bé biết. Ví dụ như “Nếu mẹ nói con một lần mà con không nghe theo thì con chỉ được phép xem một bộ phim ngày hôm thôi đấy.
Chơi quá thô bạo
Nếu như khi đang chơi với bạn bè, bé đánh hay đẩy bạn thì mẹ cần can thiệp ngay. Mẹ không nên bỏ qua chuyện này vì nếu để lâu dài thì hành vi này có thể trở thành thói quen vì bé nghĩ đánh người khác là việc làm bình thường.
Cách xử lý: Kéo con bạn sang một bên và nói với bé: “Con làm thế là đau bạn A, con sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn ấy cũng làm thế với con?” Mẹ hãy cố gắng giải thích cho bé hiểu rằng bất kì hành động làm đau người khác nào đều không tốt. Lần tới trước khi bé bắt đầu chơi, bạn hãy nhắc nhở bé không được đánh hay đẩy bạn nữa và luyện trước cho bé những gì bé nên nói khi bé thấy tức giận. Nếu bé tiếp tục hành động như vậy thì bạn có thể ngừng không cho bé chơi nữa.
Tự ý lấy đồ vật
Nếu bé có thể tự lấy đồ dùng như DVD, đồ ăn mà không hỏi ý kiến bạn thì đúng là có chút tiện lợi. Nhưng việc bé tự làm những hành động mà đáng lẽ cần sự đồng ý của bạn sẽ không thể dạy cho bé biết rằng có những quy tắc bé cần phải tuân theo. Lúc bé 2 tuổi bạn có thể thấy việc này thú vị, nhưng khi bé lên 8, tự ý đi chơi xa mà không hề nói cho bạn hay thì lúc đó lại là rắc rối lớn. Do đó, bố mẹ cần phải dạy con từ nhỏ về phép tắc lịch sự, tôn trọng quyền riêng tư, sở hữu của người khác.
Cách giải quyết: Thiết lập một số quy tắc trong gia đình và phổ biến cho bé thường xuyên. Nếu như bé bật tivi khi chưa được phép thì hãy yêu cầu bé tắt đi và nói “Con cần phải hỏi ý kiến mẹ trước khi con bật tivi”. Việc nói ra quy tắc rõ ràng thường xuyên sẽ giúp bé tiếp thu chúng dễ hơn.
Nói quá sự thật
Thỉnh thoảng bé nói dối bạn là con đã dọn dẹp giường trong khi trước đó bé chưa hề làm việc này, hay nói dối bạn bè là đã đến Disney World trong khi bé chưa bao giờ đi máy bay. Có thể bạn sẽ cảm thấy đây không phải là vấn đề lớn, nhưng thực tế thì đây là chuyện cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của bé. Nói dối sẽ trở thành thói quen xấu nếu như bé nghĩ rằng đó là một cách đơn giản để người khác nghĩ mình đẹp hơn hay để tránh làm thứ bé không muốn
Cách giải quyết: Mỗi khi bé nói dối, bạn hãy ngồi xuống và nói chuyện với bé. “Mẹ biết là con sẽ rất vui nếu được đi đến Disney World, có thể chúng ta sẽ đi một ngày nào đó, nhưng bây giờ con không nên nói với bạn A rằng con đã đi đến trong khi con chưa. Nếu con nói không thật như vậy nhiều lần thì người khác sẽ không tin những gì con nói nữa đâu”. Bạn cũng có thể kể cho bé nghe câu chuyện “Chú bé chăn cừu” vì chuyện cổ tích sẽ giúp bé có cách nhìn đúng đắn hơn về tác hại của nói dối.