1. Đề nghị con làm việc:
Bạn có thể làm việc nhà nhanh hơn, hiệu quả hơn và không phải mất thời gian hướng dẫn ai cả, nhưng giống như câu ngạn ngữ “hãy dạy cách câu cá”, thời gian mà bạn dành ra để giúp con học cách làm việc sẽ giúp ích cho trẻ sau này.
Hãy bắt đầu bằng những công việc phù hợp, ví dụ như bé 2 tuổi có thể cho vật nuôi ăn hoặc lau bụi bằng vớ, 8 tuổi có thể lau sàn, quét nhà và giúp gấp quần áo. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể giao những công việc phức tạp hơn.
2. Đọc sách cho con:
Đọc sách là một việc mà phụ huynh nào cũng có thể làm được và đó là phần thưởng mang lại kết quả dài lâu cho cả phụ huynh và con trẻ. Nó mang lại thời gian gắn kết chất lượng giữa cha mẹ và con cái – khi mà đứa trẻ biết rằng chúng là mối quan tâm duy nhất của cha mẹ. Thói quen này cũng giúp ích khi trẻ học đọc.
3. Giúp con tìm cơ hội làm tình nguyện:
Khi trẻ làm tình nguyện, chúng học cách suy nghĩ bớt ích kỷ hơn. Trẻ không tự nhiên biết cách quan tâm tới người khác ngoài những người thân trong gia đình nếu không có cơ hội thể hiện sự đồng cảm. Hãy tìm hiểu ở các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các trang trại… để tìm công việc tình nguyện phù hợp với trẻ.
4. Dạy con cách tiết kiệm:
Thói quen tiết kiệm nên được dạy khi trẻ còn nhỏ. Thomas C. Corley – kế toán, diễn giả và tác giả – đề nghị các bậc cha mẹ nên đề nghị trẻ tiết kiệm 25% số tiền mà chúng kiếm được.
Khi trẻ đủ lớn để gây dựng một nguồn thu nhập ổn định, hãy đưa trẻ tới ngân hàng để mở tài khoản tiết kiệm và giúp con gửi tiền thường xuyên. Khi trẻ muốn mua một món hàng lớn, hãy giúp trẻ tiết kiệm để học về giá trị của đồng tiền và thời gian đã bỏ ra để kiếm được số tiền đó.
5. Khuyến khích trẻ tập thể dục hằng ngày:
Nếu bạn giúp con học cách yêu các hoạt động thể chất từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ tiếp tục thói quen này ở tuổi vị thành niên và khi trưởng thành. Hãy đăng ký cho trẻ học các môn thể thao, tham gia các câu lạc bộ…
6. Giúp con đặt ra mục tiêu dài hạn và ngắn hạn:
Mục tiêu – cũng giống như trách nhiệm – có thể thay đổi về quy mô và độ phức tạp tùy theo độ tuổi của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, giúp trẻ đặt mục tiêu như ngồi bô đi vệ sinh, học đi xe đạp, kiếm tiền mua món đồ chơi yêu thích. Trẻ lớn hơn thì có thể tiết kiệm tiền mua xe hơi, học đại học hay kiếm tiền đi du lịch.
Những mục tiêu này giúp trẻ nghĩ xa hơn chuyện ăn gì cho bữa trưa hôm nay. Nó dạy trẻ giá trị của việc trì hoãn những thỏa mãn. Ví dụ như nếu con chọn không mua một viên kẹo ngày hôm nay thì sau đó con sẽ có thứ gì đó hay ho hơn là vị ngọt thoáng qua của viên kẹo.
7. Quan sát cuộc sống của con:
Khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu muốn tách khỏi cha mẹ. Đó là một quá trình chuyển đổi tích cực và hợp quy luật, nhưng dù trẻ có tự lập hơn thì chúng vẫn cần sự quan sát và chỉ dẫn của cha mẹ, đặc biệt là trước những tác động tiêu cực của các thiết bị điện tử, mạng xã hội, Internet.