Những thầy thuốc tận tâm với nghề

GD&TĐ - Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, cũng là thời điểm bệnh viện tổ chức mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam. 

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu

Là ngày đặc biệt của những người làm công tác y tế, thế nhưng từ điều dưỡng đến y bác sĩ vẫn tất bật khám chữa bệnh. Trong công việc, họ không chút đắn đo khi luôn phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc các căn bệnh dễ lây nhiễm.

Tận tâm với nghề đã chọn

Đã hơn 10 giờ sáng nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân tìm đến khám bệnh tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. Không để bệnh nhân đợi lâu, từ ban giám đốc bệnh viện đến các nhân viên nơi đây luôn “cháy” hết mình với công việc.

Sau khi khám bệnh xong cho các bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ý có thâm niên 10 năm làm việc trong ngành Y, 2 năm nay công tác tại Bệnh viện Phổi mới có thể ngồi trò chuyện với chúng tôi. Những ngày đầu đi làm, nhiều người thân lo lắng cho chị Ý vì bệnh viện phổi thường dễ lây nhiễm, tuy nhiên chị bảo: “Mình làm ở đâu cũng là phục vụ bệnh nhân, nếu bác sĩ nào cũng ngại hết thì lấy ai để điều trị người bệnh lao phổi”.

Tại Khoa Cận lâm sàn, chúng tôi có dịp gặp chị Tô Thị Thủy - Kỹ thuật viên, Trưởng khoa Cận Lâm sàn bộ phận xét nghiệm. Đã 31 năm trong nghề y cũng là ngần ấy năm chị Thuỷ gắn bó với hoạt động xét nghiệm sinh hoá, huyết học, vi sinh… Công việc của chị rất dễ lây nhiễm bởi ngoài việc tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm thì những kỹ thuật viên như chị phải tiếp xúc thường xuyên với các mẫu bệnh phẩm, trong đó có thể có những mẫu bệnh chứa vi khuẩn lao, vi rút HIV...

Gần đến tuổi về hưu nhưng mỗi khi nghĩ về nghề của mình, chị Thuỷ cho biết còn một ngày chị cũng tận tâm với nghề mình đã chọn. Với chị, niềm vui, niềm hạnh phúc đến với mình là khi xét nghiệm cho ra được kết quả chính xác, giúp các bác sĩ lâm sàn chẩn đoán chính xác để điều trị kịp thời, qua đó giúp bệnh nhân có phát đồ điều trị sớm, nhanh khỏi bệnh.

Làm việc trong môi trường bệnh viện đã dễ lây nhiễm thì làm việc tại bệnh viện phổi nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn nhiều lần, bởi nơi đây phải thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân lao. Do đó, nhân viên bệnh viện đôi lúc khó tránh khỏi tình trạng lây nhiễm.

Được biết, thời gian qua tại bộ phận chẩn đoán hình ảnh cũng xảy ra một trường hợp nhân viên mắc bệnh lao, nguyên nhân do bị lây nhiễm từ bệnh nhân. Sau 6 tháng điều trị giờ anh đã khoẻ và vẫn tiếp tục với công việc và nơi làm việc mà mình đã chọn.

Chung sức, chung lòng vì bệnh nhân

Kỹ thuật viên thực hiện thao tác xét nghiệm
Kỹ thuật viên thực hiện thao tác xét nghiệm 

Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Tháp có ngày tiếp nhận và điều trị từ vài bệnh nhân cho đến trên 20 bệnh nhân mắc các chứng bệnh như hen suyễn, lao phổi, ho ra máu, suy hô hấp…

Các bệnh nhân được đưa đến đây đa phần đã trở nên rất nặng, đòi hỏi nhân viên bệnh viện phải tích cực điều trị. Xem tính mạng bệnh nhân là trên hết, do đó dù bệnh nhân đang bị tràn dịch, ra nhiều máu dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cực cao nhưng đội ngũ y bác sĩ nơi này chẳng ngại ngần nhanh chóng tiếp xúc cứu chữa bệnh nhân.

Ngoài y, bác sĩ phải tiếp xúc điều trị bệnh nhân thì các điều dưỡng hằng ngày phải lo việc chăm sóc, đút bệnh nhân ăn, uống, vệ sinh giúp bệnh nhân sau khi bệnh nhân tiêu tiểu tại chỗ… Cũng có không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao màng não dẫn đến những hành động vô thức, nhiều khi đang tiêm thuốc, bệnh nhân giãy giụa dẫn đến nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cao.

Dường như hằng ngày Khoa Hồi sức - Cấp cứu đều có tiếp nhận người bệnh vô gia cư nên ngoài việc chăm lo tất tần tật cho những bệnh nhân này, các y, bác sĩ, điều dưỡng của khoa cũng tự bỏ tiền túi - mỗi người góp một ít để mua các vật dụng thiết yếu cho bệnh nhân.

Nữ bác sĩ Ka Rội - Phó trưởng Khoa Hồi sức, Cấp cứu - chia sẻ: “Bệnh nhân thì đông nhưng do khoa thiếu bác sĩ nên mọi người có khi làm việc gấp đôi so với bình thường. Chúng tôi luôn làm hết mình vì bệnh nhân, hoàn toàn không vụ lợi, xem tính mạng bệnh nhân cũng giống như tính mạng người nhà của mình dù biết trước rằng nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân là rất cao”.  

Bệnh viện Phổi Đồng Tháp hiện có 12 khoa, 6 phòng, tổng biên chế là 120 người, trong đó có 11 bác sĩ và 18 y sĩ. Trong năm 2016, bệnh viện tiếp nhận trên 32 ngàn lượt người khám trị bệnh, số lượt người điều trị nội trú là 3.300 người. Trong 2 tháng đầu năm 2017, bệnh viện tiếp nhận gần 4.500 lượt người đến khám trị bệnh, trong đó có 60% bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, mắc các bệnh như: lao, hen phế quản, viêm phổi, nhóm viêm phế quản - tràn khí - bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi.

Bác sĩ Nguyễn Khoa Thi - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp - cho biết: Tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện đều có tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác. Để hạn chế thấp nhất tình trạng cán bộ bệnh viện bị lây nhiễm từ bệnh nhân, bệnh viện luôn áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đồng thời thực hiện chế độ khám sức khoẻ định kỳ cho tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ