Những sửa đổi, bổ sung Luật GD thường trực trong tư duy của người cán bộ quản lý

Những sửa đổi, bổ sung Luật GD thường trực trong tư duy của người cán bộ quản lý
Những sửa đổi, bổ sung Luật GD thường trực trong tư duy của người cán bộ quản lý ảnh 1
PGS.TS Lê Mạnh Thạnh

PGS.TS Lê Mạnh Thạnh-PGĐ Đại học Huế: Đối với các dự án về luật, trong quá trình dự thảo của các ban soạn thảo, cũng như thảo luận thông qua của Quốc hội không thể tính hết tất cả các tình huống, và các vấn đề nẩy sinh trong quá trình thực hiện; vì vậy xem xét sửa đổi, bổ sung của một số điều của luật nào đó là cần thiết và việc sửa đổi kịp thời sẽ phát huy hiệu quả của luật và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Trong gần một tháng nay, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được dư luận xã hội quan tâm và trao đổi nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều ý kiến đồng tình với hầu hết các điều khoản sửa đổi bổ sung của Luật, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn ở một số điều. Với cương vị là một người tham gia giảng dạy và quản lý lâu năm trong Ngành Giáo dục và Đào tạo tôi thấy các điểm thay đổi trong soạn thảo là phù hợp vói thực tế tình hình hiện nay và lâu dài.

Điều nhiều người quan tâm nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này là điểm đ, khoản 1, Điều 51 về người quyết định thành lập trường đại học. Từ trước đến nay, kể cả trước và sau Luật Giáo dục Việt Nam 2005 có hiệu lực, Thủ trướng Chính phủ ký quyết định thành lập, giải thể, đổi tên các trường đại học. Để làm điều đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị đòng vai trò chủ yếu, một số bộ ngành khác phối hợp để tham mưu cho Thủ Tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi thì vai trò của các đơn vị phối hợp không lớn mà tham mưu chủ yếu là Bộ Giáo dục và Đào tạo vì vậy trên cơ sở chủ trương, qui hoạch mạng lưới, tiêu chuẩn, qui định về thủ tục của Chính phủ Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể phê duyệt đề án, ra quyết định thành lập trường đại học và chịu trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ với nhân dân về quyết định của mình như vậy nâng cao trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh một số thủ tục hình thức không đáng có.

Về khoản 4, Điều 38. Trong thực tế theo dõi tiến độ thực hiện luận án của các nghiên cứu sinh hầu như rất hiếm, chưa dám nói là không có các nghiên cứu sinh hoàn thành luận án trong thời gian 2 năm sau khi có bằng thạc sỹ, nên việc qui định thời gian đào tạo 3 năm đối với người tốt nghiệp thạc sỹ là phù hợp, trong trường hợp xuất sắc thì có thể rút ngắn không quá 6 tháng như vậy mới bảo đảm được chất lượng luận án. Tuy nhiên, cũng có thể kéo dài với các lý do thích đáng thì vẫn được kéo dài thêm một năm.

Tôi nhất trí cao với sự sửa đổi của điểm b khoản 1 Điều 42 vì các lý do sau đây:

Trên cơ sở năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất, nhu cầu của xã hội mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cho phép các trường đào tạo với các bậc học thích hợp như vậy mới tạo sự chủ động, linh hoạt cho các cơ sở đào tạo trong xây dựng và phát triển. Đối với đào tạo sau đại học, từ trước đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở các đề án của các trường, thực hiện việc thẩm định và cho phép đào tạo các chuyên ngành Thạc sỹ và Tiến sỹ.

Điểm này cũng đã đưa Đại học (Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên và hai Đại học Quốc gia) vào danh mục các cơ sở đào tạo đại học. Có nghĩa là tồn tại trường đại học 4 cấp (Đại học, Trường đại học, Khoa, Bộ môn). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các Đại học xây dựng qui chế tổ chức hoạt động của mình.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Yến-Chánh Thanh tra Đại học Đà Nẵng 

Những sửa đổi, bổ sung Luật GD thường trực trong tư duy của người cán bộ quản lý ảnh 2
 PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Yến

Một số ý kiến tranh luận ở diễn đàn quốc hội cho rằng Dự án Luật chưa nên thông qua ở Kỳ họp này để hoàn chỉnh thêm, tôi cho rằng không nên chờ lâu nữa. Từ năm 2005 đến năm 2009 đã là 4 năm, xã hội và hoạt động giáo dục của chúng ta đã có nhiều thay đổi, cần sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục cho phù hợp với thực tế. Thông thường, sửa đổi, bổ sung Luật có 2 hình thức: Nếu sửa đổi bổ sung ít thì ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, lúc đó 2 Luật cùng có hiệu lực. Nếu phải sửa đổi, bổ sung nhiều, thì ban hành Luật mới, trên cơ sở sửa đổi Luật cũ, gọi là Luật giáo dục (sửa đổi). Luật mới sẽ thay thế Luật cũ, Luật cũ không còn hiệu lực. Vào thời điểm này ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục là phù hợp. Sau đó tiếp tục thảo luận, đề nghị, hoàn chỉnh. Trong thời gian 2 hoặc 3 năm tiếp theo, sau khi tổng hợp đầy đủ các sửa đổi, bổ sung chúng ta sẽ ban hành Luật giáo dục (sửa đổi). Theo tôi, như vậy là rất khoa học. 

Hiện nay có 2 luồng ý kiến về thẩm quyền cho phép thành lập và hoạt động các trường ĐH: Luồng ý kiến, thứ nhất: ủng hộ việc Thủ tướng ra quyết định vì việc thành lập trường ĐH có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục quốc gia. Luồng ý kiến thứ hai: là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định. Tôi đồng tình với ý kiến thứ hai. Theo tôi, cách làm thứ hai khoa học hơn. Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương, quy hoạch tổng thể, tiêu chuẩn cho mở trường, tiêu chuẩn cho hoạt động giáo dục. Còn Bộ trưởng phải xem xét từng trường hợp cụ thể, để ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Thủ tướng. Chúng ta phải làm quen với tư duy: việc gì cũng là việc của Thủ tướng, thủ tướng uỷ quyền cho Bộ trưởng, Bộ trưởng ủy quyền cho Hiệu trưởng các trường, Giám đốc các sở. Việc của Giám đốc sở, Hiệu trưởng cũng là việc của Thủ tướng. Giám đốc sở, Hiệu trưởng làm tốt, thì Bộ trưởng và Thủ tướng cũng có thành tích. Giám đốc sở, Hiệu trưởng làm không tốt, thì Bộ trưởng và Thủ tướng cùng chịu trách nhiệm. Chứ không phải giao cho Bộ trưởng rồi, là Thủ tướng hết trách nhiệm.

Việc tồn tại một số trường đại học, cao đẳng kém chất lượng không phụ thuộc vào việc “Ai ra quyết định thành lập”, mà phụ thuộc vào việc “Bộ phận thẩm định có nghiêm túc hay không”. Nếu việc thẩm định không nghiêm túc, thiếu chính xác, thì dù Thủ tướng ra quyết định như hiện nay, vẫn có những trường kém chất lượng được thành lập và tồn tại. Theo tôi, còn một nguyên nhân nữa là: Chúng ta chỉ có thành lập trường, mà không có đóng cửa trường. Trong 12 năm qua, chúng ta thành lập 250 trường đại học, cao đẳng; nếu trong 12 năm ấy, chúng ta buộc đóng cửa 12 trường yếu kém (khoảng 5%), thì sẽ không có hiện tượng trường kém chất lượng được thành lập và tồn tại. Tôi nghĩ rằng: Một cộng đồng sẽ phát triển không lành mạnh, nếu chỉ có sinh ra mà không có mất đi.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có quy định: Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường. Việc công khai thực hiện theo tôi là không khó khăn. Các số liệu sẵn có trong máy tính của Nhà trường, trường đã có website, chỉ mất vài phút đưa lên là xong. Những cái khó là người ta có muốn đưa lên công khai hay không và số liệu công bố có chính xác không? 

TS Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng-Quảng Ngãi:

Những sửa đổi, bổ sung Luật GD thường trực trong tư duy của người cán bộ quản lý ảnh 3
 TS Phạm Đăng Phước

Giáo dục Việt nam trong những năm qua đã có những thành tích to lớn góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thay đổi để hoàn thiện, nhất là giáo dục đại học. Việc sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục trong thời điểm hiện nay là một yêu cầu cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Trong các sửa đổi của Luật giáo dục, vấn đề về thẩm quyền cho phép thành lập và hoạt động của các trường đại học đang có nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập và hoạt động của trường Đại học là hợp lý. Có ý kiến cho rằng một số trường Đại học mới thành lập không đảm bảo chất lượng, nếu giao quyền quyết định thành lập và quyết định hoạt động cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ làm tình hình thêm trầm trọng. Thực tế, các trường Đại học sau khi thành lập đều chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bộ ngành khác tuy có tham gia thẩm định trong việc thành lập trường nhưng sau đó gần như không có sự quan tâm đáng kể nào về hoạt động của các trường. Như vậy cần tăng tính trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong việc cho ra đời các trường đại học, cao đẳng. Nếu Bộ trưởng được trao quyền ra quyết định, tôi chắc rằng quá trình thẩm định thành lập trường sẽ nghiêm túc hơn, quá trình quản lý đào tạo của Bộ đối với các trường sẽ chặt chẽ hơn, vì điều đó gắn với trách nhiệm của Bộ trưởng.

Không nên dồn các việc tương đối cụ thể lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương, quy hoạch tổng thể, tiêu chuẩn cho mở trường, tiêu chuẩn cho hoạt động giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo là người xem xét cụ thể để ra quyết định theo những chuẩn mực đã có và chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định trước nhân dân và chính phủ.

                                                Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ