Những sáng kiến tiền tỉ của người Công dân trẻ tiêu biểu

Tôi gặp Lê Duy Phúc (sinh năm 1991, thạc sĩ Kỹ thuật Điện, hiện là Tổ trưởng tổ Giám sát và điều kiển từ xa (SCADA), Phòng SCADA, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thuộc Tổng Cty Điện lực TPHCM) một ngày sau khi Phúc được tuyên dương là “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2016”. 

Những sáng kiến tiền tỉ của người Công dân trẻ tiêu biểu

Đọc bản tóm tắt thành tích, tôi cứ hình dung sẽ gặp một chàng thanh niên đạo mạo, oai vệ, ăn mặc model, nói năng kiểu cách… Nhưng khác với suy nghĩ của tôi, Phúc trông khá bình dị, nói năng nhỏ nhẹ, nhưng vẫn toát lên vẻ lịch lãm, đúng như nhận xét của một người bạn: “Phúc giản dị, hòa đồng lắm”.

Không khẳng định mình thì sẽ bị đào thải

Câu chuyện của tôi với Phúc không bắt đầu từ những thành tích của anh. Tôi hỏi thật: “Thành tích của Phúc, tôi đã đọc. Nhưng tôi muốn biết về những áp lực tâm lý của một người đang làm việc trong một đơn vị kinh tế trọng điểm như thế nào?”.

Cũng rất thẳng thắn và thật thà, Phúc chia sẻ: “Cha tôi cũng làm trong ngành điện nên tôi cũng có những thuận lợi nhất định, được mọi người quan tâm, hỗ trợ.

Nhưng nếu cứ bám vào cái ưu ái đó, không tự khẳng định được mình bằng công việc chuyên môn, nhất là ở cái ngành kỹ thuật mà cái gì cũng có thể đong, đo, đếm được bằng những số liệu cụ thể, thì sớm muộn gì cũng bị đào thải”.

Phúc kể, sau khi tốt nghiệp kỹ sư Điện Trường Đại học Công nghiệp, anh có khoảng thời gian gần một năm “chờ xin việc làm”. Nhưng đây cũng là thời gian Phúc dồn sức cho việc ôn luyện và thi cao học chuyên ngành Kỹ thuật Điện tại Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH).

Tháng 8/2014, Phúc bắt đầu về công tác tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TPHCM, nơi được coi là “trái tim” của ngành điện. Mọi “dòng chảy” của điện trên địa bàn TPHCM, nơi nào bị mất điện, nơi nào có sự cố, Trung tâm Điều độ đều phải biết trước. Chính vì thế người làm ở đây đòi hỏi phải tập trung cao độ, có trình độ, có khả năng ứng phó nhanh.

Sáng kiến tâm đắc của Phúc là thực hiện thu thập dữ liệu đo lường các ngăn trung thế phục vụ tại trạm 220 kV Bình Tân và Hiệp Bình Phước.

Phúc kể, khi đi khảo sát thực tế tại các trạm 220 kV, thấy chi phí nhà thầu báo giá khoảng 19.000 EUR (một EUR tương đương hơn 24.000 đồng - PV), tức khoảng 456 triệu đồng là không hợp lý nên Phúc đã mạnh dạn đề xuất nhận công việc đó.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi cách khắc phục, Phúc và các đồng nghiệp đã tự thay đổi được cấu hình của hệ thống điều khiển máy tính tại trạm, nhưng chi phí chỉ tốn hơn… 6 triệu đồng, bằng gần 1,31% so với báo giá của nhà thầu.

Ngoài giảm thiểu tối đa chi phí, sáng kiến này còn giúp Tổng Cty Điện lực TPHCM nhận thấy việc phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài sẽ tốn chi phí không nhỏ.

Giải pháp này đã được Hội đồng Khoa học Tổng Cty Điện lực TPHCM chứng nhận tiêu chuẩn sáng kiến loại A. Thành công này đã giúp cho Phúc mạnh dạn, tự tin hơn trong công việc.

Nhung sang kien tien ti cua nguoi

Lê Duy Phúc (người ngồi đeo kính) và các đồng nghiệp tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM.

Góp phần hiện đại hóa ngành điện

Trong mấy năm gần đây, nhiệm vụ xây dựng lưới điện thông minh và hiện đại là một trong 3 mục tiêu hàng đầu mà Tổng Cty Điện lực TPHCM đặt ra trong chiến lược phát triển giai đoạn 2015 – 2020.

Trong đó, các yêu cầu về trạm điều khiển từ xa, trạm không người trực hay các chương trình tự động hóa lưới điện luôn là nhiệm vụ cấp thiết.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ điều khiển tích hợp trạm biến áp truyền tải và phân phối là xu hướng chung của thế giới nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành quy định kỹ thuật của hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp. Tuy nhiên vần đề khó khăn nhất là khả năng tương thích về tiêu chuẩn kết nối giữa các thiết bị của các hãng khác nhau.

Để nâng cao tính cạnh tranh, thuận lợi cho quá trình mở rộng phát triển hệ thống, tiêu chuẩn truyền thông IEC 61850 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam lực chọn.

“Giao thức IEC 61850 là loại giao thức khá phổ biến trong các Relay mới hiện nay vì khả năng kết nối nhanh và việc thi công lắp đặt đơn giản.

Tuy nhiên, việc giao tiếp với các Relay qua chuẩn giao thức này là không đơn giản và tính phức tạp của nó và các kỹ sư vốn quen với những giao thức khác. Nếu làm chủ được việc kết nối và giao tiếp Relay qua chuẩn giao thức IEC 61850 sẽ được rất nhiều lợi ích”.

Phúc hào hứng kể về đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng hệ thống tự động hóa cho trạm ngắt theo giao thức IEC 61850” mà anh là người thực hiện chính.

Và sau hơn một năm thực hiện, đề tài đã được nghiệm thu và mang lại hiệu quả cho Tổng Cty Điện lực TPHCM hàng tỉ đồng, đồng thời giảm thiểu được thời gian thao tác máy cắt, cô lập điện do sự cố, chuyển nguồn, chuyển tải, đóng khép mạch vòng trung thế của nhân viên vận hành trong trạm vì những thao tác đó được được thực hiện hoàn toàn từ xa.

Tôi hỏi: “Thế ba Phúc có giúp đỡ gì cho việc nghiên cứu không?”. Phúc cười: “Nói thật với nhà báo nhé, ba tôi làm công tác quản lý đã lâu, đề tài lại toàn những kiến thức, kỹ thuật mới, nên ba tôi không có ý kiến gì về chuyên môn. Nhưng ba có định hướng cho tôi nếu nghiên cứu đề tài trên phải phân tích đến hiệu quả kinh tế - kỹ thuật; phải liên hệ, phối hợp với những ai; thậm chí, với những hãng cung cấp thiết bị của nước ngoài nào để tìm hiểu”.

Tôi đem chuyện Phúc kể để hỏi những đồng nghiệp của anh. Anh Trần Hồ Đăng Khoa, người làm lâu năm trong Phòng Giám sát và điều kiển từ xa, nói:

“Phúc có khả năng chuyên môn tốt và đức tính đặc trưng của dân kỹ thuật, đó là phải tìm hiểu tận cùng của vấn đề, chừng nào chưa hiểu hết là phải tìm học hỏi.

Nhiều lần, do chênh lệch về múi giờ, Phúc phải thức đêm để trao đổi với các kỹ sư của các hãng cung cấp thiết bị ở nước ngoài. Nhờ có khả năng tiếng Anh tốt nên mọi việc suôn sẻ”.

Còn ông Lê Hoàng Nhân - Trưởng phòng Giám sát và điều kiển từ xa - thì giải thích: “Ở Tổng Cty chúng tôi có một Hội đồng Nghiên cứu khoa học gồm nhiều trưởng, phó ban có chuyên môn trên từng lĩnh vực và Chủ tịch  hội đồng là một Phó Tổng giám đốc.

Mọi đề tài nghiên cứu phải đều phải thực hiện đúng quy trình do Tập đoàn Điện lực đề ra; phải phản biện, chứng minh được tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật trước hội đồng.

Phúc không phải là chủ nhiệm đề tài, nhưng là người thực hiện chính, vì có những kiến thức chuyên môn đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa ngành điện”.

Chia tay Phúc, tôi nhớ tới lời tâm sự với báo chí của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Thành viên Hội đồng bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2016:

“Mỗi bạn là một nhân tố điển hình, rất nỗ lực, không chỉ tiêu biểu cho phong trào tuổi trẻ mà chính là góp phần quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM”. Mỗi công dân trẻ tiêu biểu như một bó hóa góp phần tô đẹp thêm thành phố.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ