Những "bông hồng" tiêu biểu của giáo dục miền Trung

Những "bông hồng" tiêu biểu của giáo dục miền Trung
Những nữ giáo viên vẫn thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp trồng người
Những nữ giáo viên vẫn thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp trồng người


1. Nữ tướng GD nơi ngã ba biên giới


Mấy năm gần đây, ngành GD-ĐT huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) nổi lên như một đơn vị điển hình về sự sáng tạo trong quản lý và giảng dạy với nhiều sáng kiến, những việc làm có tính đột phá được đồng nghiệp, chính quyền cũng như các cấp quản lý của ngành ghi nhận và đánh giá cao. Một trong những góp phần không nhỏ để tạo ra “hiện tượng” đó là cô giáo Châu Thị Bông, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện. Một nữ cán bộ quản lý xuất sắc của ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum.

Sinh năm 1969, quê Quảng Bình, năm 1990 chị tốt nghiệp Trường TH Sư phạm Kon Tum. Sau 5 năm làm công tác giảng dạy, đồng nghiệp và cấp trên đã tín nhiệm và đề bạt chị làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học 732 (nay là Trường tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Ngọc Hồi). Đến năm 2000 do yêu cầu của ngành, chị được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, ngôi trường mà sau này dưới sự “chèo chống” của chị đã trở thành một trong những “con chim đầu đàn” của ngành GD-ĐT Ngọc Hồi. Làm hiệu trưởng một đơn vị không thuộc chuyên môn khiến mình lo lắng nhưng vì yêu cầu của ngành phải cố gắng, chị Bông tâm sự. Và chỉ sau 2 năm, từ một ngôi trường thiếu thốn trăm bề, cùng với tập thể lãnh đạo nhà trường, chị đã xây dựng ngôi trường trở nên khang trang, chất lượng GD dẫn đầu huyện, tạo tiền đề vững chắc để trường trở thành trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện.

Với bản lĩnh và kinh nghiệm của người lãnh đạo, năm 2006, chị được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hồi và phụ trách hai bậc học gian nan nhất là bậc học Mầm non và Tiểu học. Lại một nhiệm vụ mới, trọng trách mới nặng nề hơn đè lên vai người phụ nữ mảnh khảnh như chị nơi ngã ba biên giới. Nhưng với lòng yêu nghề, bản tính thông minh và cần cù học hỏi chị đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chị cùng tập thể lãnh đạo ngành nhanh chóng đưa GD Ngọc Hồi trở thành một trong ba đơn vị mạnh của toàn tỉnh với những mô hình xã hội hoá GD được cả nước biết đến như Tiếng kẻng học tập, Góc học tập… Đặc biệt hơn nữa, từ một đơn vị “trắng” về trường đạt chuẩn quốc gia nay huyện Ngọc Hồi đã có 5 trường đạt chuẩn ở đều các bậc học từ mầm non đến THCS. Với những thành tích đã đạt được, chị được Đoàn TNCS HCM tặng danh hiệu Đoàn viên quyết thắng năm 1995. Từ năm 1998-2001, được UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen; Năm 2002-2009 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Công đoàn GD VN tặng bằng khen. Ngoài ra chị còn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm…

Không chỉ “giỏi việc nước”, chị cũng là người “đảm việc nhà”. Chồng là bộ đội vắng nhà thường xuyên, một mình vừa lo việc của ngành lại phải đảm đương gần như mọi việc trong gia đình. Nhưng dưới bàn tay của chị, mọi việc đều chu toàn. Hai con của chị khoẻ mạnh, học giỏi. Gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hoá các cấp.

2. Vượt khó cống hiến cho sự nghiệp “trồng người

Đây là câu nói của đồng nghiệp dành cho cô Đàm Thị Kim Hoa, GV Lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên). Cô Hoa cho biết: Một số người cho rằng nữ nhà giáo thì ngoài giờ lên lớp về nhà chăm lo cho gia đình là tốt rồi song bản thân tôi muốn chứng minh rằng mình vẫn có khả năng vừa hoàn thành tốt công tác chuyên môn và tham gia vào công tác đoàn thể trong nhà trường vừa thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ trong gia đình.

Mặc dù bản thân đang mang bệnh hiểm nghèo (Lupus đỏ biến chứng thận), phải thường xuyên đi tái khám và theo dõi điều trị thuốc liên tục ở BV Chợ Rẫy TP. HCM nhưng cô Hoa vẫn cố gắng vượt lên bệnh tật xem việc dạy học, công tác đoàn thể là niềm vui, là sự động viên khích lệ để cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một trong những kinh nghiệm trong giảng dạy của cô Hoa là phải chú trọng đến tính chính xác và có hệ thống khi truyền đạt kiến thức cho HS; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS trong quá trình dạy học. Với các bậc phụ huynh, cô luôn duy trì tốt mối quan hệ này để tạo sự tin tưởng, trao đổi kinh nghiệm trong việc giảng dạy cũng như quản lý con cái. Thực hiện tinh thần “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”, là GV chủ nhiệm, cô Hoa đã vận động các bậc phụ huynh, HS và bản thân quyên góp tiền, sách vở, quần áo… để giúp đỡ phần nào cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực”, năm 2009 cô Hoa đã xây dựng Chuyên đề báo cáo kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm: Giáo viên chủ nhiệm lớp- Chiếc cầu nối giữa gia đình và nhà trường, giữa GV và HS được tập thể GV trong trường triển khai áp dụng mang lại hiệu quả trong quá trình giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm. Chuyên đề này đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen…

3. Không nhầm khi chọn nghề giáo

Về công tác tại khoa Vật lý, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) đã hơn 30 năm, đào tạo nhiều thế hệ SV ra trường nhưng cô Nguyễn Thị Minh Phương vẫn tâm đắc với nghề và tự hào không nhầm khi chọn nghề “gõ đầu trẻ”.

Để giữ được lòng yêu nghề cho đến ngày hôm nay, kinh nghiệm của cô Phương là trong mọi công việc luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu. Phải luôn khiêm tốn học hỏi, giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.  Trong công tác quản lý, cô cùng tập thể cán bộ khoa hoàn thiện chương trình đào tạo của 3 ngành: Sư phạm Vật lý, Sư phạm KTCN và Cử nhân Vật lý. Công tác bồi dưỡng đội ngũ kế cận cũng được thực hiện tốt. Về đội ngũ giảng dạy, lãnh đạo khoa phối hợp chặt với Chi uỷ khoa có định hướng phát triển lâu dài, đúng đắn để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa vừa hồng vừa chuyên; Kiên trì, đều đặn giữ SV giỏi  ở lại và cho đi học tập nâng cao trình độ. Trong công tác chuyên môn, cô luôn tâm niệm đây là nghề mình yêu thích và đã lựa chọn nên luôn phải phấn đấu, vươn lên trong nghề nghiệp. Bên cạnh việc chăm lo bài giảng thật tốt, cập nhật thông tin, hiện đại hoá kiến thức để truyền thụ cho HS, cô Phương còn trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… Mặc dù lớn tuổi nhưng cô vẫn quyết tâm đi làm nghiên cứu sinh. Năm 48 tuổi, cô đã hoàn thành Luận án TS và đồng thời lên chức bà ngoại.

Ngoài công tác giảng dạy, cô Phương không ngừng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 2006, cô tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đã nghiệm thu đạt loại tốt. Năm 2007, cô chủ trì đề tài nghiên cứu cấp trường và nghiệm thu đạt loại tốt. Năm 2009, cùng đồng nghiệp đã có hai bài báo tham dự Hội nghị Vật lý chất rắn và Khoa học Vật liệu toàn quốc lần thứ 6 tại Đà Nẵng. Năm 2010, cô có tham luận tại Hội thảo khoa học toàn quốc về giảng dạy Vật lý tại Hà Nội.

Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của đồng nghiệp cũng như gia đình, cô Phương nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp Bộ, đạt danh hiệu Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Hội LHPN tỉnh và LĐLĐ tỉnh Bình Định. Đặc biệt hơn nữa, trong hai nhiệm kỳ của mình, cô cùng cán bộ trong khoa đã vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

4. Hết mình vì nghề nghiệp và gia đình

Đây là tâm niệm của cô Nguyễn Thị Dung Hạnh, Phó chủ tịch CĐGD tỉnh Quảng Ngãi. Bước vào nghề dạy học, cô đã ý thức “Phải nỗ lực hết mình về nghề nghiệp, chuyên môn có giỏi,  HS mới giỏi”. Bắt đầu giảng dạy từ năm 1976, cô đã tự nghiên cứu, tự học và tích cực đổi mới phương pháp nên năm 1988 được công nhận là GV dạy giỏi cấp tỉnh.

Không chỉ tham gia giảng dạy bộ môn, cô Hạnh còn làm hiệu phó từ năm 1979, làm  hiệu trưởng từ năm 1996-2000. Làm quản lý một trường THCS, cô luôn xác định trách nhiệm của mình là chăm lo xây dựng đội ngũ giỏi về chuyên môn, tạo uy tín trong ngành và trong nhân dân. Những biện pháp tích cực trên đã đem lại hiệu quả. Nhà trường năm nào cũng có GV dạy giỏi cấp trường, huyện hoặc tỉnh, được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền. Từ năm 2000, cô chuyển  về công tác ở Sở GD-ĐT Quảng Ngãi và hiện giữ chức Phó chủ tịch Công đoàn ngành. Công việc mới, đặc biệt làm công đoàn đòi hỏi cô phải sâu sát từng hoạt động, từng phong trào; Thường xuyên nắm bắt, lắng nghe và chia sẻ với đoàn viên ở cơ sở để có những đề xuất đúng, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ vậy, hoạt động công đoàn càng đi vào chiều sâu, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của GV trong ngành. Đặc biệt là năm 2009, Giáo dục Quảng Ngãi trải qua khó khăn do thiên tai, đời sống nhà giáo gặp nhiều khó khăn. Cùng với công đoàn ngành, cô đã kêu gọi tài trợ, quyên góp để phần nào giúp nhà giáo giảm bớt khó khăn.

Không chỉ nhiệt huyết trong công việc, với gia đình cô cũng luôn hết mình. Tuy kinh tế còn khó khăn nhưng trong ấm ngoài êm, cô Hạnh tâm sự. Hiện các con của cô đã trưởng thành. Con lớn có việc làm ổn định, đứa nhỏ đang theo học ĐH. Có được thành quả như ngày hôm nay, cô Hạnh cho rằng trong công việc mình phải giỏi chuyên môn, sống chan hoà với mọi người. Luôn tận tuỵ với công việc, dám nghĩ  dám làm. Với gia đình, phải sống mẫu mực, biết chia sẻ, cảm thông…

Nhóm PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ