Những quan niệm sai lầm về ung thư, hầu hết người Việt đều mắc

Sợ phẫu thuật, nhịn ăn với hi vọng tế bào ung thư không còn gì để ăn và tự chết, không đi đám ma, uống sừng tê giác chữa ung thư … là những quan niệm sai lầm về ung thư mà nhiều người Việt vẫn "tin sái cổ". 

Những quan niệm sai lầm về ung thư, hầu hết người Việt đều mắc

Việt Nam là nước nằm trong nhóm có tỷ lệ người mắc ung thư cao với hơn 300.000 người mắc bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm.

"Nhiệm vụ chống bệnh ung thư của Việt Nam đang rất nặng nề", Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn phát biểu gần đây. Ngoài công tác điều trị, các bác sĩ còn tăng cường hiểu biết cho người dân, tránh truyền tai những quan niệm sai lầm gây nguy hiểm cho người bệnh. 

Theo TS. Nguyễn Diệu Linh - Bệnh viện K Trung ương, tới năm 2020, dự tính có 10 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh ung thư chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển. Điều đáng ngại là còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Dưới đây là những quan niệm sai lầm của người dân về bệnh ung thư mà TS. Nguyễn Diệu Linh khuyến cáo người bệnh không nên mắc phải.Ăn đường, trứng vịt lộn làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh

Đó là những lầm tưởng ở nhiều người bởi một số xét nghiệm tiến bộ sử dụng các đầu vị phóng xạ gắn với phân tử đường và dùng một máy quét ở đầu dò bên ngoài cơ thể phát hiện sớm ung thư di căn bởi tính chất háo đường của các tế bào ung thư.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng được thử nghiệm tại Mỹ đã chỉ ra, việc sử dụng đường tinh luyện cũng như các thực phẩm chứa đường (bánh ngọt, sữa, đường tinh luyện) không làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có mối liên quan chặt chẽ tới việc gia tăng một số bệnh ung thư như: ung thư vú ở phụ nữ bởi sự thừa đường trong cơ thể và quá trình chuyển biến được khi insulin không chuyển hóa được sẽ chuyển thành chất nội tiết gia tăng.

Đó cũng chính là lý do vì sao những người thừa cân, béo phì có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn so với những người có chế độ ăn nhiều chất xơ và cân nặng bình thường.

Chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng, việc ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư. Trong trứng vịt lộn có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Những quan niệm sai lầm về ung thư, hầu hết người Việt đều mắc - ảnh 1
Sừng tê giác thực chất cũng chỉ như móng tay, móng chân và hoàn toàn không thể chữa được ung thư. Sừng tê giác trong Đông y có thể giúp tăng thể lực. Việc tăng thể lực này, một viên C sủi cũng làm được. Ảnh minh họa: Internet.

Ung thư là "bản án tử hình"

Ở các nước có nền y tế phát triển, 50% bệnh nhân ung thư chữa khỏi bệnh nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta, tỷ lệ chữa khỏi thấp bởi 80% người bệnh được phát hiện muộn.

Nhiều người tin vào cách chữa phản khoa học, lang băm, mê tín dị đoan..., đến khi bệnh nặng quá mới tới bệnh viện thì đã chậm.Bệnh ung thư nguy hiểm nhưng nhưng 1/3 có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi ở giai đoạn sớm, 1/3 kéo dài cuộc sống ở giai đoạn muộn.

Bị ung thư không được mổ

Bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết nhiều bệnh nhân cho rằng cứ "đụng dao kéo" sẽ chết sớm. Song, phẫu thuật vẫn là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất trong đa số bệnh ung thư còn chỉ định.

Phẫu thuật chia làm 2 loại là phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng (palliative) và phẫu thuật triệt căn. Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch.

Phẫu thuật giảm nhẹ thường diễn ra khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Khi đó, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật triệt căn mà mục đích chính là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng.

Do đó, phẫu thuật lúc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đau đớn hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh.

Những quan niệm sai lầm về ung thư, hầu hết người Việt đều mắc - ảnh 2
Chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng, việc ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư. Trong trứng vịt lộn có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Internet.

Bệnh ung thư có tính lây lan

Ung thư là bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc... Vì vậy, không có lý do gì để xa lánh hay phải có biện pháp phòng tránh đối với người bệnh ung thư.

Đi dự đám tang làm cho bệnh di căn nhanh hoặc tái phát trở lại

Phải khẳng định rằng, đi dự đám tang sẽ không bao giờ dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh quay trở lại. Vì một trong những đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn.

Khi đã chữa ung thư, phải luôn tuân thủ việc tái khám. Nếu giai đoạn sớm, nguy cơ tái phát ít nhưng không ai dám chắc sẽ diệt được tế bào ung thư cuối cùng.

Cảm giác mệt mỏi mà những người bệnh nhận thấy sau khi dự đám tang là do ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đây cũng là cảm giác xảy ra không chỉ với người bệnh ung thư mà với bất cứ người nào.

Sừng tê giác chữa được ung thư

Sừng tê giác thực chất cũng chỉ như móng tay, móng chân và hoàn toàn không thể chữa được ung thư. Sừng tê giác trong Đông y có thể giúp tăng thể lực. Việc tăng thể lực này, một viên C sủi cũng làm được.

Những quan niệm sai lầm về ung thư, hầu hết người Việt đều mắc - ảnh 3
Không ít người khi biết mình bị ung thư đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, chữa bệnh tuân theo phác đồ của bác sĩ mà nghe theo các lời mách bảo truyền miệng dùng, uống các loại thuốc lá, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Đây là hành động vô tình làm người bệnh tự đánh mất đi thời gian vàng điều trị bệnh. Ảnh minh họa: Internet.

Không bồi dưỡng quá mức

Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau đó chỉ nên ăn gạo lứt, muối vừng để không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần.

Nhiều người còn không uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay... Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.

Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối gồm rau, hoa quả, sữa chua, tránh thực phẩm giàu đạm, đường, lipid, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị. Nhờ vậy người bệnh nâng cao thể lực, đủ sức theo hết liệu trình điều trị và giảm tác dụng phụ không mong muốn.

Nhịn ăn để diệt trừ hoàn toàn tế bào ung thư

Khi nhịn ăn, tế bào ung thư chết thì tất nhiên cũng kéo theo các tế bào khác trong cơ thể chết theo. Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta cũng sẽ tử vong.

Ngược lại, người bệnh khi đang điều trị ung thư sẽ cần phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng, đáp ứng quá trình điều trị của nhiều loại thuốc nặng.

Chữa bệnh theo lời mách bảo

Không ít người khi biết mình bị ung thư đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, chữa bệnh tuân theo phác đồ của bác sĩ mà nghe theo các lời mách bảo truyền miệng dùng, uống các loại thuốc lá, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

Đây là hành động vô tình làm người bệnh tự đánh mất đi thời gian vàng điều trị bệnh. Sau khi điều trị bằng thuốc lá không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn.

Vì vậy, phải luôn tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ. Chỉ sử dụng phương pháp thay thế điều trị khi đã kết thúc liệu trình.

Tuyệt đối không nên bỏ dở liệu trình mà bác sĩ đang điều trị cho bạn để nghe theo những lời đồn thổi, tự ý dùng các biện pháp khác điều trị ung thư như dùng các loại lá, loại thuốc được mách bảo.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ