Nâng cao kỹ năng dạy môn toán cho SV trong quá trình thực tập tại trường phổ thông
Theo Th.S Vũ Anh Hoa - Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An: Để SV có kỹ năng dạy tốt môn Toán ở trường phổ thông trước hết cần giúp cho SV hiểu rõ và hiểu đúng bản chất Toán học thể hiện trong trình bày ở sách giáo khoa Toán tiểu học.
Ví dụ: Đối với các bài hình thành khái niệm các số tự nhiên trong phạm vi 10 trong chương trình toán lớp 1, GV cẩn đặt vấn đề với SV: Tại sao các hoạt động đếm các đồ vật hình ảnh có số lượng bằng số đang được hình thành. Chẳng hạn để hình thành số 5 cần tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động đếm các đồ vật, hình ảnh trong các bức tranh mà chúng đều có số lượng là 5. Từ đó buộc họ phải nhớ lại, trong toán học hiện đại, mỗi số tự nhiên là bản số của một tập hợp hữu hạn. Do đó hoạt động đếm để khẳng định bản số của các tập hợp có số lượng bằng nhau và bằng số tự nhiên 5 đang được học.
Giúp SV biết cách xác định trọng tâm bài dạy. Trọng tâm của bài dạy là toàn bộ hoạt động dạy học phải xoáy sâu, phải làm nổi bật và là điểm quan trọng giúp người học nắm được toàn bộ nội dung bài học. Vì vậy GV cần giúp SV xác định đúng trọng tâm bài học.
Ví dụ phép cộng trong phạm vi 3 (toán lớp 1). Mục tiêu cần đạt: 1. Khái niệm ban đầu về phép cộng; 2. thành lập và ghi nhớ bảng cộng trong phạm vi 3; 3. Biết làm tính cộng trong phạm vi 3. Trong 3 nội dung trên, hai nội dung sau hoàn toàn có thể đạt được nếu nội dung đầu được hoàn thành. Đồng thời quá trình tiến hành công việc để đạt được nội dung sẽ có tác dụng đạt được nội dung 2 và 3. Như vậy bước đầu chúng ta quan tâm đến nội dung 1 của mục tiêu.
Cùng với đó, chúng ta cần: Giúp SV biết cách hình thành hoạt động dạy học trên cơ sở xây dựng logic tri thức bài học. Logic tri thức bài học được hiểu là một cấu trúc các thành tố của hệ thống kiến thức, để từ cái đã biết thiết kế nên cái cần biết.
Để giúp SV xây dựng được logic tri thức bài học, GV cần chỉ ra cho SV thấy được, bắt đầu từ cái đã biết nào đã có (kiến thức cũ đã học, đã biết) để thiết kế nên cái mới: nội dung bài học. Đồng thời, cần làm cho SV nắm rõ cấu trúc chung đó, cùng với logic tri thức bài học, họ sẽ tìm phương án thiết kế nên các hoạt động dạy học cụ thể.
Giúp SV viết giáo án và thực hành tập dạy. Trên cơ sở logic tri thức bài học, SV thiết kế các hoạt động dạy học đảm bảo phù hợp với đối tượng và viết thành giáo án. Sau đó để hoàn thiện được kỹ năng, SV phải tập dạy trước các đối tượng khác nhau, dưới sự tư vấn, cố vấn của GV và các bạn bè SV rồi mới chính thức lên lớp dạy để được đánh giá. Trong hoạt động này GV và SV sẽ được cùng nhau chia sẻ các nhận xét, cảm nhận và cùng phân tích những thao tác của người dạy để rút kinh nghiệm.
Rèn luyện năng lực, NVSP cho SV sư phạm Vật lí
Theo TS. Trần Quốc Duyệt – Bộ môn Vật lí – Trường Đại học An Giang: Để giúp SV chuyên ngành Vật lí của Trường Đại học An Giang có được năng lực và những kỹ năng NVSP phải được rèn luyện qua các hoạt động chính khóa trong chương trình đào tạo như thông qua các học phần phương pháp trong chương trình: lí luận dạy học vật lí, phân tích chương trình Vật lí phổ thông, rèn luyện NVSP… Đồng thời thông qua các chuyên đề; thông qua công tác nghiên cứu khoa học; Hoạt động tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất.
Thông qua hoạt động thực tế ở các trường phổ thông, chẳng hạn như hoạt động kiến tập và thực tập sư phạm. Đây là hoạt động thường xuyên và được nhà trường chú trọng nhằm giúp SV có cơ hội tiếp cận với hoạt động giảng dạy ở các trường phổ thông, từ đó rèn các kĩ năng nghiêp vụ sư pham cho SV.
Thông qua các hoạt động phong trào liên quan đế chuyên môn nghiệp vụ như các hội nghị, hội thảo về chuyên môn; thông qua câu lạc bộ; thông qua các hội thi Olympic Vật lí; thông qua hội thi thiết kế bài giảng điện tử cấp khoa, trường…
Các hoạt động trên được Nhà trường duy trì triển khai các hoạt động nhằm rèn luyện NVSP cho SV sư phạm Vật lí. Ngoài ra Nhà trường còn tăng cường một số hoạt động bổ sung chuyên đề tự chon và triển khai giảng dạy: Rèn luyện NVSP; tổ chức hoạt động nhận thức trong dạy học Vật lí; chiến lược dạy học Vật lí; phương pháp nghiên cứu khoa học trong dạy học Vật lí; sử dụng thiết kế thí nghiệm trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông… Đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong SV đặc biệt là phương pháp dạy học.
Phát triển năng lực dạy học cho SV môn Lịch sử
Theo TS Nguyễn Văn Ninh – Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Để đảm bảo hiệu quả việc rèn luyện NVSP cho SV, khoa Lịch sử đã thành lập Câu lạc bộ kỹ năng sư phạm để SV có môi trường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; trao đổi những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình học nghề với thầy cô, bạn bè. Câu lạc bộ hoạt động dưới sự cố vấn, hướng dẫn của GV, dành cho SV tất cả các khóa và đánh giá kết quả hoạt động bằng việc tổ chức thi nghiệp vụ cho SV vào cuối kì.
Ngoài ra Khoa còn mời những giáo viên dạy giỏi ở trường phổ thông cùng thiết kế giáo án, xây dựng, thực hiện những giờ lên lớp theo chương trình Lịch sử phổ thông ngay tại giảng đường đại học để làm mẫu cho SV. Việc tổ chức các hoạt động rèn luyện NVSP nói trên tạo điều kiện cho SV có thể biến hệ thống tri thức đã học thành kĩ năng sư phạm, kết hợp thường xuyên, kịp thời giữa lí luận với thực tế, giữa học với hành trong quá trình đào tạo. Qua đó SV được tập dượt những thao tác, kỹ năng cơ bản của hoạt động học và giáo dục ở trường phổ thông.
Có thể nói, đây là giai đoạn đầu, là bước đệm rất quan trọng cho quá trình kiến tập sư phạm ở trường phổ thông và sau này bước vào nghề dạy học của SV. Mọi công việc thực hành rèn luyện trong giai đoạn này đều là bước đi ban đầu, đặt cơ sở cho việc thực hành, luyện tập những kỹ năng tổng hợp cho các giai đoạn sau.
Năng lực dạy học của GV được hình thành trong suốt quá trình hoạt động nghề. Việc hình thành và phát triển kỹ năng dạy học không chỉ thông qua những bài giảng tâm lí, giáo dục hay phương pháp dạy học mà còn được rèn luyện trong môi trường thực hành nghề mang tính hệ thống theo chương trình đào tạo với các chuẩn mực nhất định dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Do đó giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực và NVSP cho SV.