Những ông Lã Vọng thời hiện đại

GD&TĐ - Khi xã hội phát triển, cùng với những sức ép bộn bề của cuộc sống, nhiều người không kể tuổi tác đổ xô tìm đến thú vui đi câu để xả stress... 

Những ông Lã Vọng thời hiện đại
Cầu kỳ như dân câu
Trước đây, nhắc đến câu cá người ta liên tưởng ngay đến thú vui tao nhã của những người cao tuổi nhiều thời gian rảnh rỗi, hay trò chơi lành mạnh của bọn trẻ con... 
Ngày nay, khi xã hội phát triển, cùng với những sức ép bộn bề của cuộc sống, nhiều người không kể tuổi tác đổ xô tìm đến thú vui đi câu để xả stress...
Những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, người ta lại lũ lượt rủ nhau đi câu cá ở những hồ câu sinh thái ven đô như Đông Anh, Gia Lâm, Đông Mỹ, Sóc Sơn (Hà Nội); nhiều “cần thủ chuyên nghiệp” thích “đánh bắt xa bờ” thì đi Vĩnh Phúc, Bắc Giang hay mãi mạn Hòa Bình để thả hồn với sông nước…
Quan sát “đồ nghề” của các “cần thủ chuyên nghiệp” không chỉ đơn thuần là chiếc cần trúc, sợi cước mỏng, cái phao lông gà, hay cái lưỡi sắt như trước kia. 
Giờ có rất nhiều phụ kiện hiện đại với nhiều mức giá, phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Cần câu Trung Quốc có độ đàn hồi cao, độ dài thay đổi linh hoạt và phổ biến trên thị trường nhưng nó lại hơi nặng so với các loại khác, giá dao động từ 120 – 300 ngàn đồng/chiếc.
Cần Hàn Quốc hay Nhật, rất nhẹ, phụ kiện lại chắc chắn, giá từ 800.000 đồng đến vài triệu đồng là thường. Tiếp đến là máy quay tay, quay trực tiếp, kiểu đơn giản, có bộ phận quấn dây tự động giá từ 200.000 - 350.000 đồng. 
Thông thường những “cần thủ nghiệp dư” khi đi câu chỉ xách đến hồ câu 1 cần gọi là hóng mát hay giải trí nhằm giết thời gian. Thì ngược lại, “dân nghiền câu” luôn sách theo từ 4 – 6 cần đủ loại ngắn dài khác nhau.
Anh Bùi Văn Doanh – Thành viên CLB câu cá Thành Công – vừa chuẩn bị đồ nghề cho chuyến câu sắp tới, vừa giải thích: Trong câu cá, có hai loại hình câu chính là câu lục (câu chạm) và câu tay (móc mồi). 
Câu lục là 6 chiếc lưỡi câu không ngạnh sắc bén được tết lại với một viên chì. Người ta thả mồi thính xuống đáy hồ rồi đặt bộ lưỡi lục ngay tại vị trí thả mồi, chỉnh làm sao cho sợi cước từ chùm lưỡi câu đến phao trên mặt nước luôn thẳng và có một độ căng nhất định. 
Cá đến ăn mồi thường sẽ chạm vào sợi cước, khiến phao lay động, người câu sẽ giật mạnh hay búng đầu cần tùy theo mực nước và khoảng cách câu. Khi đó chùm lưỡi sẽ lao từ đáy nước lên mắc vào con cá. 
Còn câu tay là người ta móc mồi trực tiếp vào lưỡi câu để dụ cá.
Theo anh Doanh, không cứ dân nghiệp dư hay chuyên nghiệp, cần xịn hay cần rởm, đều coi việc câu được cá là cả một nghệ thuật. Không chỉ là cần câu xịn, mồi câu ngon mà người câu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, địa hình, rồi đến cả việc lựa cần, mồi sao cho phù hợp với từng loại cá. 
Mỗi loài cá thích những “khẩu vị” khác nhau, chép thường thích thóc mầm, khoai lang, bột đậu, ngô ủ với mẻ chua; khẩu vị của cá trắm là rau, củ, quả; còn trôi, mè ưa mồi côn trùng, động vật…
Không chỉ là thú vui
Anh Doanh bộc bạch về những trải nghiệm khi đi câu: Cái cần nhất là phải biết tĩnh tâm thư giãn cho quên mọi âu lo, đồng thời phải có sự am hiểu để đưa ra phán đoán chính xác. 
Đây còn là thú vui nhiều may rủi, bởi có hôm giật mỏi tay với những con cá lên tới vài cân, nhưng cũng có hôm ngồi cả ngày chỉ giật được vài ba con cá khờ an ủi. 
Thậm chí có hôm còn về tay trắng nhưng vẫn thấy vui. Cái được là sự thư giãn đầu óc, nạp lại năng lượng cho tinh thần để trở lại với các công việc thường nhật.
“Kỹ năng đầu tiên của người đi câu là phải có phản xạ nhanh. Bởi khi cá đớp mồi, cần rung nhưng người câu không có kỹ năng thì sẽ bị mất mồi. Hoặc khi cá dính mồi, cách giật lên cũng phải rất kỹ thuật, nếu không con cá sẽ bị tuột khỏi lưỡi.
Đặc biệt, người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn tăm cá sủi trên mặt nước là có thể đoán trước được đó là loại cá gì, đặc tính của loài cá đó ra sao để mà thả mồi câu cho phù hợp” - Anh Doanh cho biết thêm về sự phức tạp trong nghề chơi của mình.
Thế nhưng, đó chỉ là những thủ thuật có thể rèn luyện qua thực tế. Điều quan trọng là người câu phải thật sự yêu thích thú vui thư giãn không hề đơn giản này, không ngại vật dụng cồng kềnh, không sợ bẩn và đặc biệt là phải biết kiên trì chờ đợi. 
Đó là lý do tại sao nhiều người chấp nhận lúc đi thì sạch sẽ, lịch sự nhưng lúc về thì lếch thếch. Không ít những “cần thủ chuyên nghiệp” da đen bóng vì nắng. 
Họ bị gọi vui là...“trời đày”, đội nắng, dầm mưa, lê la cả ngày bên hồ câu. Kết quả đôi khi chẳng được là bao, song không ai nản, hôm nay không câu được thì ngày mai lại vác cần đi tiếp…
Có thể nói, câu cá đang là thú vui giải trí, tao nhã và lành mạnh của nhiều người. Mỗi người có kiểu câu riêng của mình. Người thích câu đêm, người thích câu sông, người thích câu ao hồ. Người thích câu lưỡi lục, người thích câu móc mồi... 
Nhưng đặc biệt có một điểm chung, đó là giúp mỗi người thoát khỏi cuộc sống bộn bề, để trở về với những không gian xanh yên tĩnh, nhẹ nhõm, sảng khoái và muốn rèn cho mình sự kiên trì, khéo léo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ