Những nốt nhạc đời

Những nốt nhạc đời

(GD&TĐ) - Ở tuổi 82 nhưng trông ông vẫn mạnh khỏe và minh mẫn, ai gặp và trò chuyện với ông đều bảo rằng ông là người luôn mang đến những bất ngờ thú vị cho người đối diện. Đằng sau sự thông minh, hài hước ấy là một cuộc đời đầy sóng gió. Như cánh én nhỏ không lạc bầy, ông đã làm nên mùa xuân của cuộc đời mình bằng những tác phẩm được chắt lọc từ tình yêu quê hương, đất nước, từ một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. 

Tuổi thơ êm đềm

Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Da, Hà Nội, tuổi thơ của Phạm Tuyên là những ngày êm đềm bên người cha đáng kính, chủ bút báo Nam Phong, Phạm Quỳnh, và người mẹ vốn là cô gái Kinh Bắc không biết chữ nhưng lại thuộc rất nhiều ca dao, hò vè. Gần nhà cậu có rạp hát Olympia (nay là rạp Hồng Hà, thuộc Nhà hát Tuồng Trung ương), nơi mà các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc như Trần Ngọc Quang, Đặng Thế Phong... chọn làm nơi hội họp và giới thiệu các tác phẩm mới. Chiều nào cũng vậy, cậu bé Tuyên lại đu cửa sổ nghe các bậc tiền bối chơi nhạc và bàn luận về âm nhạc. Mọi thứ như dòng suối thiên nhiên chảy vào tâm hồn trẻ thơ trong trẻo, để rồi sau này, ấn tượng của những ngày thơ ấu êm đềm đó theo ông vào âm nhạc, làm nên những tác phẩm được nhiều thế hệ biết đến và yêu thích.

Ông kể rằng, tuy nhà đông anh chị em nhưng ông luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha, mẹ. Mẹ ông vừa đảm việc nhà, vừa khéo nuôi con, đã truyền cho chị em ông tình yêu văn chương, nghệ thuật qua những câu ca dao, những điệu Quan họ cổ. Năm ông lên 6 tuổi, cha ông được triều đình Huế bổ nhiệm làm quan, ông theo gia đình cùng cha khăn gói rời Thăng Long vào Huế. Ở Huế, Phạm Tuyên trải qua những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào bên mái trường Paul Bert gần cổng Thượng Tứ. Ông bảo rằng chiều nào sau buổi tan học, ông cũng lang thang cả tiếng đồng hồ dưới những tán me dọc sông Hương để về nhà. Hình ảnh những người lái đò đội nón lá, tay chèo, miệng cất giọng hò khi hoàng hôn buông xuống đã in đậm trong ông một niềm xúc cảm khó tả. Dưới mái trường tiểu học, Phạm Tuyên được làm quen với âm nhạc cổ truyền Huế qua những giờ học âm nhạc với thầy Phán. Những điệu Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ… qua cây đàn nguyệt, đã gieo vào lòng cậu học trò một tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Thú vui lớn nhất của chị em ông là được cha cho vào phòng sách chơi. Chị em ông gọi phòng sách này là phòng tri thức. Ông bảo rằng: Tôi biết ơn tủ sách của cha tôi. Bởi các ca khúc của tôi phần lời chủ yếu là do những kiến thức mà tôi thu nạp được từ những cuốn sách. Giờ đã ở tuổi tám mươi, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày mấy tiếng là vì thế.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Biến cố cuộc đời và con đường âm nhạc

Tuổi thơ êm đềm và ngập tràn hạnh phúc của cậu bé Phạm Tuyên rồi cũng trôi qua. Năm 15 tuổi, một biến cố lớn xảy ra với gia đình, cha ông, Phạm Quỳnh mất. Sau đó một thời gian không lâu, mẹ ông vì buồn phiền cũng lâm bệnh trọng mà qua đời. Cuộc đời ông bắt đầu thay đổi từ đó. Ông sống cùng người chị và tiếp tục đến trường, nhưng tâm hồn của cậu học trò 15 tuổi có những nỗi buồn luôn ẩn sâu mà không thể thổ lộ cùng ai… Hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép ông được học nơi các thầy giỏi, mà ông chủ yếu tự học, thậm chí đi tản cư ông cũng mang theo sách. Năm 1947, nghe tin ở Ninh Bình có tổ chức thi tú tài, ông khăn gói vào dự thi. Kỳ thi đó, trong mấy trăm thí sinh chỉ có ba người đỗ, trong đó có ông. Đỗ tú tài, ông tiếp tục theo học đại học… Lúc đó, bậc đại học chỉ có hai trường luật và y khoa, ông chọn học luật. Tại trường luật, ông gặp gỡ và thân thiết với một số văn nghệ sĩ như nhà thơ Lê Đạt, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng (bố của pianist Đặng Thái Sơn)… Chính họ là những người thầy đã giúp ông giác ngộ cách mạng. Học được hai năm thì sự kiện Pháp đánh Thái Nguyên nổ ra, trường luật phải giải tán. Lúc đó ông cũng đã 18 tuổi, liền xung phong vào bộ đội. Vì có trình độ học vấn nên ông được cử đi học sĩ quan, trở thành đại đội trưởng trường Thiếu sinh quân Việt Nam, rồi bị thương trong một trận máy bay địch bắn phá… Sau trận đó, hiệu trưởng Lê Chiêu (sau là thiếu tướng quân đội) đề nghị kết nạp ông vào Đảng. Cuộc đời của ông một lần nữa sang một trang mới, từ một cậu ấm con quan, ông quên đi những cay đắng của lịch sử, để rồi rèn luyện trở thành người có những đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc nước nhà. 

Rời quân đội, ông được chuyển sang làm giáo viên phụ trách văn - thể - mỹ ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Cùng ăn cùng ở với những em thiếu sinh quân đến từ khắp các miền của Tổ quốc, không chỉ là thầy mà ông còn giữ vai trò là người anh luôn quan tâm giúp đỡ các em từ dạy đàn, kể chuyện, học hát, để giúp những thiếu sinh quân quên đi nỗi nhớ nhà. Chỉ với cây đàn accordion, vượt qua cái giá lạnh nơi đất khách quê người, ông đã cho ra đời những tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng như Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên, mà lúc đầu ông nghĩ chỉ sáng tác cho các em thiếu sinh quân nơi học xá, vì ngoài âm nhạc các em không còn trò giải trí nào khác. Thời gian rảnh, ông tìm đến thư viện của khu học xá tự học tiếng Trung. Nhờ học tiếng Trung mà ông được tiếp cận với nền văn học xã hội chủ nghĩa. Như nắng hạn gặp mưa rào, ông say sưa đọc, ghi chép lại nhiều câu văn hay, qua đó ông cũng có cái nhìn thoáng hơn về những sự kiện đã xảy ra với gia đình. Ông làm việc rất cẩn thận và chu đáo, cho đến nay, ông vẫn luôn giữ bên mình cuốn sổ tay lưu giữ bản thảo của hầu hết các sáng tác. Trên mỗi bản thảo, đều có ghi rõ thời điểm sáng tác, đơn vị dàn dựng và các giải thưởng... Đó là thói quen cẩn thận, chu đáo được rèn giũa từ nhỏ của một con nhà nền nếp.

Rời khu học xá, ông về công tác tại Ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và được đặt chân lên khắp mọi miền đất nước. Đến đâu ông cũng tìm hiểu đời sống của nhân dân rồi sáng tác những bài hát mà chắc chỉ có ông mới làm được, như bài hát Chú voi con ở Bản Đôn, ông sáng tác trong lần hội nhạc sĩ tổ chức một chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên. Khi đoàn đến nơi thì đàn voi của buôn Đôn đã được các gia đình cho vào rừng hết, chỉ còn có mấy chú voi con ở nhà. Ông mỉm cười bảo “hết voi to thì ta viết voi con vậy”, nói là làm - tối hôm đó ông sáng tác luôn bài hát Chú voi con ở bản Đôn, dựa trên âm hưởng của dân ca Ê- đê. Bài hát được các em thiếu nhi Nhà hát thiếu nhi Đắk Lắk tập ngay khi đoàn còn công tác tại tỉnh. Sau này, đài phát thanh-truyền hình tỉnh Đắk Lắk lấy làm nhạc hiệu.

Đi nhiều, những sáng tác của ông cũng đa dạng. Ngoài mảng thiếu nhi, ông còn viết rất nhiều cho giới công nhân, lao động. Và ít ai biết rằng bên cạnh ông, luôn có một người chuyên “thẩm định” các bài hát trước khi đến với công chúng: đó chính là người vợ đã khuất, PGS- TS Nguyễn Ánh Tuyết.  

PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết luôn là người đầu tiên thưởng thức và thẩm định các tác 3. phẩm mới sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Mối tình vàng

Nhắc đến bà, ông trầm ngâm như đang nhớ về cái ngày của hơn nửa thập kỷ trước, ông và bà gặp nhau ở khu học xá Nam Ninh. Bà sinh tại Đồng Hới, Quảng Bình, trong một gia đình cách mạng. Cha mẹ bà đều thoát ly đi hoạt động cách mạng từ khi bà còn nhỏ. Đến tuổi đi học, bà được gửi vào trường Thiếu sinh quân tỉnh Quảng Bình đóng tại Hà Tĩnh rồi được gửi sang Trung Quốc học tại học xá Nam Ninh. Ông gặp bà khi đang làm giáo viên văn thể mỹ. Họ giúp đỡ nhau trong những tháng ngày xa quê hương. Ngày biết mình đã đem lòng yêu bà, ông không dám thổ lộ, sợ tổ chức biết và ông cũng ngại gia đình bà là gia đình cách mạng. Ông im lặng cho đến mãi khi bà về nước mới dám nói. Họ đã vượt qua định kiến để đến với nhau, ông luôn bảo bà thật dũng cảm, bởi xuất thân hai nhà khác nhau mà bà dám sống hết mình vì tình yêu. Họ cưới nhau năm 1957 và có với nhau hai cô con gái, giờ đều thành đạt.

Những năm tháng tuổi trẻ, ông hay đi công tác vắng nhà, một mình bà ở nhà vừa dạy học vừa lo học thêm rồi chăm sóc hai con nhỏ, mọi việc trong nhà một mình bà lo tất. Ông kể: “ Suốt thời kỳ chống Mỹ, tôi đi vào tuyến lửa có những lúc tưởng đã nằm lại không trở về nữa. Hai lần bà ấy vượt cạn, tôi đều không có nhà, rồi những năm các con còn thơ bé, một mình bà ấy thay tôi vừa làm cha vừa làm mẹ”. Trên những chặng đường hành quân, lòng người nghệ sĩ, chiến sĩ, người chồng, người cha ấy vẫn luôn canh cánh muốn gửi biết bao tình cảm về cho gia đình. Khi miền Nam vừa giải phóng, đất nước thống nhất, ông lại cùng anh em nhạc sĩ xuống tận mũi Cà Mau và ở đó mấy tháng trời. Trong chuyến đi dài ngày ấy, ông bắt gặp một tứ ở trong bài thơ Gửi nắng cho em. Vậy là ông nhớ tới bà cùng hai cô con gái đang ở Hà Nội, giữa lúc Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin gió mùa đông bắc tràn về. Trong tình cảm của đất nước hòa chung với tình cảm riêng tư, từng giai điệu nhạc vang lên như nói hộ ông nỗi niềm của người chồng, người cha, dù xa cách nhưng lòng luôn nhớ về tổ ấm thân yêu của mình.

Bà không chỉ là người vợ đảm của ông mà còn là người bạn song hành cùng ông qua bao sóng gió thăng trầm của cuộc đời. Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông, bà luôn là người được ông cho nghe trước. Là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trên giảng đường đại học cả trong nước và quốc tế, bà nhắc ông quan điểm của ngành giáo dục nói chung, đặt lại vấn đề đối với thế hệ măng non là: Chơi mà học, học mà chơi. Từng bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ tâm lý học tại nước ngoài nên bà hiểu rất rõ: Tâm lý của thiếu nhi ở từng độ tuổi rất khác nhau chứ không phải như quan niệm thường đánh đồng tất cả đều là trẻ con.

Bà ra đi vào một sáng tháng 5 năm 2009, khi cả Hà Nội đang bừng lên trong cái nắng đầu hạ, để lại trong ông một khoảng trống vô hình không sao lấp được.

Mới đây, nhạc sĩ Phạm Tuyên vinh dự được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú. Ông cũng có tên trong danh sách xét duyệt của Hội đồng cấp Nhà nước đợt tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.

Hà An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ