Những nỗi lo trước thềm năm học mới

GD&TĐ -Sau hơn 2 năm dịch Covid-19, các nước trên thế giới đang đồng loạt tựu trường cho năm học 2022 – 2023 trong tâm thế khắc phục tình trạng học tập bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra ở phía trước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trên toàn cầu. Từ thực phẩm, nhiên liệu cho đến đồ dùng học tập, bữa ăn học đường, học phí... đều tăng phi mã, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của các hộ gia đình trung bình và thu nhập thấp.

Tại Mỹ, sau 2 năm học trực tuyến, từ năm học 2022 – 2023 bắt đầu vào tháng 8, học sinh sẽ trở lại trường, kéo theo đó là các nhu cầu về đồng phục, giày dép, đồ dùng học tập... Theo khảo sát của Liên đoàn Bán lẻ Mỹ (NRF), chi tiêu cho việc tựu trường ở nước này lên cao kỷ lục so với năm 2021.

Từ năm 2019 đến năm 2022, các mặt hàng giáo dục có mức tăng giá cao nhất lần lượt là văn phòng phẩm (tăng 21,8%), cơ sở vật chất (tăng 21,1%) và giày dép (tăng 9,9%). Khoảng 38% phụ huynh được hỏi thừa nhận phải cắt giảm chi tiêu trong gia đình để bù đắp chi phí khi con cái tựu trrường.

Tương tự, các trường học Anh phải đối mặt với cuộc khoảng hoảng chi phí nghiêm trọng do lạm phát. Số lượng học sinh được hưởng chế độ ăn miễn phí tại trường học bị thu hẹp do giá thực phẩm tăng cao. Các trường cũng khó có thể tăng lương cho giáo viên với nguồn ngân sách eo hẹp như hiện nay trong khi phải tăng chi trả hoá đơn tiền điện khi giá năng lượng tăng.

Lạm phát cũng thúc đẩy chi phí cho thuê nhà tại Anh khiến nhiều sinh viên rơi vào tình cảnh vô gia cư, phải ngủ nhờ nhà bạn bè. Số khác thậm chí từ bỏ đại học vì gia đình không đủ khả năng chi trả các khoản phí đắt đỏ.

Một thách thức khác của ngành giáo dục nhiều quốc gia trên thế giới là tình trạng thiếu giáo viên. Trước thềm năm học mới, vào tháng 6, Israel ước tính nước này đang thiếu khoảng 6 nghìn giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các môn học như Toán, Xã hội, Khoa học...

Trước tình cảnh trên, Bộ Giáo dục Israel đã kêu gọi sinh viên ngành sư phạm giảng dạy tại các trường thiếu giáo viên trầm trọng nhất. Các em được trau dồi kỹ năng, trả lương như giáo viên chính thức.

Còn tại Mỹ, tình trạng thiếu giáo viên đã tồn tại từ trước dịch Covid-19. Cho đến nay, khi các bang bắt đầu năm học mới, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, gây áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên và ngành giáo dục nước này.

Australia, Canada hay các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Khối lượng công việc khổng lồ được cho là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc tại những quốc gia nêu trên.

Bà Aki Sakuma, giảng viên Trường Đại học Keio, Nhật Bản, nhận định: “Hệ thống giáo dục công lập Nhật Bản không còn sức hấp dẫn đối với người trẻ tuổi. Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt như tăng lương cho giáo viên để khuyến khích thanh thiếu niên theo đuổi công việc này”.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thống nhất tổ chức dạy học trực tiếp, trong đó học sinh, giáo viên có thể lựa chọn đeo khẩu trang và phải tôn trọng quyết định của những người xung quanh.

Riêng tại Philippines, 2022 – 2023 là năm học đầu tiên sau 2 năm dịch, nước này tổ chức học trực tiếp. Các hạn chế Covid-19 vẫn được thực hiện nghiêm ngặt. Dù vậy, hiểm họa từ sự bùng phát dịch Covid-19 vẫn còn đó. Cùng với những khó khăn chung trong nửa đầu năm qua, gánh nặng đặt lên vai của ngành giáo dục và cán bộ quản lý, giáo viên không hề nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ