“Khẩu súng vô hình”
ThS Trần Thị Huê - Trưởng bộ môn Toán Lý (Giảng dạy bằng tiếng Anh - Khoa Quốc tế), Toefl-ITP 543 cho biết: Khơi gợi ý thức và rèn luyện khả năng sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn trường là một chiến lược mang tầm nhìn sâu rộng của đội ngũ lãnh đạo nhà trường.
Hàng năm, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên có hàng trăm lượt giảng viên được đào tạo tại nước ngoài, tham dự hội thảo quốc tế, hàng chục giảng viên tham gia đào tạo cho người nước ngoài, rất nhiều công trình khoa học viết bằng tiếng Anh được đăng trên tập chí lớn. Để làm được điều đó, bản thân chủ thể phải đủ năng lực ngoại ngữ.
Đối với giảng viên, học ngoại ngữ không chỉ là cuộc vận động đơn thuần mà còn là tiền đồ, số phận, là “cơm áo gạo tiền”, là danh dự nghề nghiệp.
ThS Trần Thị Huê
“Đã không ít lần chúng tôi được nghe lời ví von: Hãy coi việc học ngoại ngữ như là có ai đó đặt khẩu súng ở trên đầu bạn. Xuất phát từ quyết tâm làm một cuộc cách mạng ngoại ngữ, bằng rất nhiều hình thức, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên “đặt khẩu súng” vô hình lên các thành viên” - ThS Trần Thị Huê chia sẻ.
Giảng viên này cho hay, đối với người học, chuẩn đầu ra ngoại ngữ là tiêu chí bắt buộc, thậm chí, trong chương trình đào tạo, Nhà trường bố trí cả một kì học dành trọn cho việc học Tiếng Anh.
Bên cạnh những chương trình du học hấp dẫn, những đãi ngộ xứng đáng cho các cán bộ đạt thành tích học tập, nhà trường cứng rắn thực hiện chính sách phân loại và tiến tới đào thải đối với những trường hợp không đáp ứng được năng lực ngoại ngữ tối thiểu.
Trải qua những khó khăn ban đầu, cả cán bộ, giáng viên và sinh viên trong trường đã dần thích nghi với yêu cầu mới. Việc học ngoại ngữ dần trở thành thói quen, đòi hỏi cấp thiết, không phải vì áp lực cấp trên mà bởi chính nhu cầu và sở thích của bản thân mình.
Những nỗ lực riêng trong cuộc cách mạng chung
Cũng với cương vị là cán bộ Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, ThS Hàn Thị Thúy Hằng - Phó trưởng khoa Xây dựng và Môi trường, Toefl-ITP 517 tâm sự rất thật: Chúng tôi trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng ấy với những bước đầu tiên thực sự gian nan, vất vả.
Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, chúng tôi khởi đầu hành trình với một vốn liếng ít ỏi về từ vựng và những lúng túng trong ngữ pháp, phát âm, khả năng nghe thì thực sự tồi tệ.
Đó là hậu quả của một thời gian dài chỉ đầu tư cho chuyên môn mà không sử dụng tiếng Anh cùng với thói quen chỉ dùng tài liệu bản ngữ.
Khi tham gia vào cuộc cách mạng “Học và dạy ngoại ngữ” chúng tôi rất lo lắng, thậm chí có giai đoạn bị stress. Nhưng cuộc chạy đua chung không cho phép người trong cuộc dừng lại hay buông tay đầu hàng nếu còn muốn dạy học tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của bản thân, ngoài giờ học trên lớp, chúng tôi cố gắng trau dồi vốn tiếng Anh ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu có thể.
Một tiếng thở phào rất khẽ, chúng tôi đã vượt qua được rào cản thứ nhất với điểm Toefl trên 450 điểm. Với kiến thức tích lũy được, chúng tôi bắt đầu nhận ra sự thú vị và hữu ích khi có thể đọc được sách báo tiếng Anh, thậm chí đơn giản chỉ là hiểu những thông tin hướng dẫn khi sử dụng máy tính hay tại nơi công cộng.
Tạo cho bản thân hứng thú học tập chính là thành công ban đầu trên con đường chinh phục ngoại ngữ.
Học tiếng Anh để sử dụng tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh để học tiếng Anh, đó thực sự là mũi tên hai chiều với sự tương tác, tương hỗ cực kì hiệu quả.
Để duy trì và nâng cao trình độ hơn nữa, chúng tôi tham dự một khóa học tiếng Anh với giảng viên nước ngoài của Đại học RMIT.
Giảng viên của lớp học này đã thực sự khiến chúng tôi thích ngôn ngữ của họ, thích đọc truyện bằng tiếng Anh và nghe tiếng Anh hằng ngày.
Kết thúc khóa học, chúng tôi nâng mức điểm của mình lên trên 500. Sự tự tin lớn dần lên cùng những nấc điểm.
Từ chỗ chỉ quen sử dụng tài liệu dịch, chúng tôi tiếp xúc, thích nghi và dường như say sưa với một kho tàng kiến thức viết bằng tiếng Anh mà bất kì ai cũng có thể download miễn phí từ trên mạng internet.
Cho đến lúc này, chúng tôi mới nhận ra sức mạnh của người có trong tay công cụ ngôn ngữ. Tài liệu tiếng Anh đa dạng là sự bổ trợ vô cùng hữu ích cho chúng tôi trong những hoạt động chuyên môn.
Từ việc giao tiếp, đọc tài liệu, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị bài giảng bằng tiếng Anh để giảng dạy cho chương trình đào tạo liên kết ngoài nước, đồng thời soạn bài giảng từ sách tiếng Anh và hệ thống bài tập bằng tiếng Anh cho sinh viên đại trà.
Một vài chia sẻ
Chia sẻ về kinh nghiệm trau dồi vốn tiếng Anh, hai giảng viên cho hay: Bốn kĩ năng cơ bản trong học tiếng là nghe - nói - đọc - viết. So với đọc - viết thì nghe - nói được cho là khó hơn đối với phần đa người học Việt Nam.
Tính đến nay, tại trường ĐHKTCN, 93% giảng viên giảng dạy lý thuyết đã hoàn thành chuẩn đề án NNQG 2020: Toefl - ITP từ 450 điểm và hơn một nửa trong số đó đã vượt chuẩn với điểm Toefl - ITP từ 500 trở lên.
Nhưng dù là kĩ năng nào thì cũng phải bắt đầu từ chất liệu cơ sở, đó là từ vựng. Mỗi ngày, dù bận rộn đến mấy, chúng tôi cũng dành thời gian đọc một vài mẩu tin hoặc truyện yêu thích để tích lũy từ vựng, học cách sử dụng từ trong văn cảnh và cú pháp của câu.
Những từ vừa học được chúng tôi nhớ bằng cách hoặc nói chuyện với chính mình, nói với người xung quanh hoặc chat với bạn bè.
Để nhớ từ vựng một cách hiệu quả, chúng tôi thường học theo chủ đề và làm một quyển sổ để ghi chép lại những từ theo chủ đề đó. Bạn có thể nhận được sự hộ trợ đáng kể trong quá trình học từ vựng thông qua một trang web phù hợp như memrise.com, hello chào, BBC student.
Một điều lưu ý là, để đạt hiệu quả kép, bạn không nên học từng từ một (word by word) mà phải học cả cụm từ để biết những từ nào hay đi kèm với nhau (collocation), học từ cũng phải đặt câu để nhớ lâu hơn.
Kết hợp với việc ghi chép và học thuộc, tôi thường tìm đọc những bài báo, xem những đoạn video có liên quan cũng như tìm bài luận về chủ đề đó để học.
Điều này không những giúp ta có thể sử dụng ngay các từ đã học mà còn giúp bổ sung một lượng kiến thức lớn về văn hóa, xã hội.
Văn hóa và ngôn ngữ có liên quan mật thiết với nhau, chính vì thế, không nên áp dụng tư duy ngôn ngữ của người Việt để ghép từ tiếng Anh mà phải để ý đến tập quán nói năng của quốc gia bản ngữ.
Giả sử, người Việt nói: Tôi nghĩ em sẽ không vượt qua kì thi này nhưng khi chuyển ngữ, ta không nên khẳng định chủ quan: I think you can’t pass the exam, mà phải diễn đạt theo kiểu người Anh: I don’t think you pass the exam (Tôi không nghĩ em có thể vượt qua kì thi này).
Người thiếu kinh nghiệm thường tự làm khó mình khi dịch trung thành từng từ ngữ, hình ảnh trong câu gốc sang ngôn ngữ thứ 2 còn người kinh nghiệm sẽ biết chuyển sang câu đơn giản nhất mà không đánh mất ý nghĩa lời nói ban đầu.
Về kỹ năng nghe, cần tạo cho mình thói quen nghe mọi lúc, mọi nơi như khi đi xe, lướt web, xem truyền hình...
Người ta thường gọi cách này là “tắm ngôn ngữ”, không cần quan tâm đến nội dung mà chỉ đơn giản là giúp cho đôi tai quen dần với tiếng Anh.
Bên cạnh đó, tôi thường tìm nội dung nghe phù hợp với sở thích của mình để tạo cho bản thân sự hứng thú, giúp cho việc nghe hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tôi cũng học tiếng Anh qua phim, thường là các phim hài của Mỹ như: Friends, How I met your mother,...
Đây là những bộ phim nhiều tập hài hước rất nổi tiếng, không những giúp tôi học nghe tốt mà còn bổ sung một lượng lớn từ mới, thành ngữ, tiếng lóng cũng như cách biểu đạt cảm xúc trong tiếng Anh.
Đầu tiên, hãy nghe không có phụ đề để xem mình hiểu được đến đâu, sau đó nghe lại với phụ đề để kiểm tra xem những chỗ nào mình sai và cuối cùng là tập nói theo để luyện phát âm, trọng âm, giọng điệu
Về kỹ năng nói, chat voice qua mạng với những người bạn từ nhiều quốc gia khác nhau là lựa chọn của tôi. Tôi học nói qua việc đọc to. Bằng cách này, chúng ta không chỉ nói đúng ngữ pháp mà còn áp dụng được rất nhiều từ mới.
Trong học nói quan trọng là học phát âm và ngữ điệu. Điều đầu tiên cần làm là phải có một cái gương để làm theo, sau đó là ghi âm lại đoạn của mình nói để so sánh với bài nói gốc mới chỉnh sửa được.
Khi vốn liêng từ vựng và ngữ pháp của bạn đã tương đối, thay vì việc nghĩ bằng tiếng Việt rồi nói tiếng Anh, hãy tạo thói quen nghĩ bằng tiếng Anh như một phản xạ có điều kiện.
Đây là cách giúp chúng ta phản ứng nhanh trong giao tiếp. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc cơ bản trong quá trình nói và viết, chính là cố gắng đơn giản hóa những điều bạn diễn đạt.