Những nhân vật trẻ khiến cả thế giới chao đảo

Trong vòng 1 tháng qua, những nhân vật rất trẻ tuổi, chỉ từ 17 đến 30 tuổi đã làm báo chí toàn cầu tốn không ít giấy mực. Không những thế, họ thực sự đã gây những ảnh hưởng nhất định đến nền chính trị của nhiều quốc gia, thậm chí là chính trị toàn cầu.

Những nhân vật trẻ khiến cả thế giới chao đảo

Kim Jong - un: Lực hấp dẫn hút thế giới truyền thông

Chỉ với việc không xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng Triều Tiên kể từ 3/9 vừa qua và đến nay đã ‘tái xuất’ trở lại với cây gậy ba toong, nhà lãnh đạo rất trẻ tuổi này đã khiến cả thế giới phải ngóng chờ, đồn đoán. 40 ngày ‘vắng bóng’ của Kim Jong - un là 40 ngày truyền thông toàn cầu phân tích, mổ xẻ và thậm chí là xoi mói. Nhiều trang thông tin lá cải còn độc địa cho rằng Kim Jong Un đã ‘ra đi’ vì nghiện pho mát Thụy Sĩ!

Lên nắm quyền chính thức từ cuối năm 2011, dù không có các hoạt động chính trị quốc tế nào đáng kể (không hề gặp và bắt tay một nguyên thủ quốc gia nào, không đi thăm chính thức một quốc gia nào), nhưng vị nguyên thủ 31 tuổi này vẫn được đánh giá là đã tạo được một số sự thay đổi tích cực cho Triều Tiên.

Chưa đến 30 tuổi đã trở thành một nguyên thủ quốc gia, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước Triều Tiên gắn với nhiều sự kiện chính trị, chỉ riêng lý do này cũng đã khiến truyền thông thế giới tập trung khai thác. Nhất cử nhất động của Kim Jong – un đều được theo dõi chặt chẽ và đưa tin, xuất hiện ở đâu và tại sao không xuất hiện ở những nơi, những dịp được cho là quan trọng của đất nước Triều Tiên, hàng chục giả thiết được đưa ra từ hoang đường, độc địa đến bất ngờ đều có cả.

Ảnh minh họa

Kim Jong – un vừa xuất hiện trở lại

Đến nay, khi xuất hiện trở lại với những hình ảnh đầy tương phản: Tuổi chưa hề cao nhưng phải dùng gậy và vẫn rất đồ sộ bên cạnh cây ba toong mảnh mai, chắc chắn sức hút của Kim Jong – un đối với truyền thông thế giới không những khó lòng ‘thuyên giảm’ trong tương lai mà còn có chiều hướng ‘hấp dẫn’ thêm.

Malala Yousafzai – Thiên thần cao cả

Với sự đấu tranh bền bỉ, ngoan cường và đầy trách nhiệm, cô gái Pakistan mới 17 tuổi này đã nhận được sự tôn vinh của thế giới với giải Nobel Hòa bình ngày 10/10/2014. 

Được đề cử cho giải này từ năm 2013, cô đã thu hút sự chú ý của cả thế giới bằng những hoạt động không ngừng nghỉ của cô cho một thế giới nam nữ bình quyền. Các hoạt động của cô đã lan tỏa thông qua các hãng thông tấn hàng đầu thế giới từ khi cô mới 13 tuổi.
Ảnh minh họa

Malala Yousafzai


Cô liên tục hoạt động để đấu tranh cho quyền được đi học, quyền được bình đẳng của nữ giới dưới chế độ hà khắc của Taliban. Quê hương Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của cô từng bị chế độ Taliban kiểm soát và nghiêm cấm trẻ em nữ đi học. 
Taliban đã từng thực hiện sắp xếp tổ chức hành động để giết Malala và trắng trợn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi âm mưu này. Những phát đạn vào đầu và vào cổ đã không thể giết chết được cô bé mạnh mẽ như thiên thần. Nó lại càng làm hình ảnh cô trở nên lấp lánh diệu kỳ hơn và khiến những thông điệp đanh thép của cô được lan truyền rộng khắp toàn cầu. 
Mục tiêu cuối cùng của Malala không phải đoạt giải Nobel, cũng không phải là trở thành Thủ tướng Pakistan mặc dù cô từng nói rằng cô sẽ cố gắng để trở thành thủ tướng. 
Tất cả những danh hiệu hay vị trí mà cô phấn đấu chỉ vì mục đích để được nhìn thấy trẻ em nói chung và trẻ em nữ nói riêng được tới trường. Cái tên Malala và thông điệp của cô gái 17 tuổi sẽ còn tiếp tục ngân dài để đấu tranh cho một sứ mệnh cao cả mà không phải người trẻ nào cũng có thể nhận thức được và dám đương đầu.

Joshua Wong – Thủ lĩnh chưa có bằng lái xe

Sinh tháng 10 năm 1996, trước thời điểm Hong Kong trở về đại lục Trung Quốc 1 năm, Joshua Wong chỉ hơn Malala 1 tuổi. Nhân vật này đã trở thành thủ lĩnh phong trào sinh viên tại Hong Kong khi chưa đủ tuổi để có thể có bằng lái xe ô tô. 

Từ khi 15 tuổi, Joshua Wong đã xây dựng và đứng đầu phong trào sinh viên, gây áp lực đối với chính quyền Trung Quốc nhằm yêu cầu để người dân tại Hong Kong tự bầu chọn Đặc khu Trưởng.

Ảnh minh họa

Joshua Wong bị cảnh sát Hong Kong bắt

Cao điểm của phong trào biểu tình tại Hong Kong bắt đầu từ hôm 26/9 và đến nay vẫn đang tiếp tục diễn ra. Báo chí trên thế giới cũng đã dồn dập đăng tải về sự kiện này nói chung và về bản thân Joshua Wong nói riêng. 

Mặc dù bị chính quyền Trung Quốc coi là phần tử quá khích và bị bắt hôm 26/9 vừa qua (sau đó được thả vào ngày 28/9) nhưng nhân vật trẻ tuổi này cũng đã nhận được sự quan tâm đặc của biệt giới truyền thông, nhất là báo chí Phương Tây. 

Theo Vnmedia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ