Những nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

GD&TĐ - Trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của ngành GD Hà Nội đã xuất hiện hàng trăm giáo viên tâm huyết, sáng tạo và không ngừng đổi mới trong dạy học. Họ là những bông hoa đẹp trong “vườn hoa giáo dục” của Thủ đô.

Những nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Cô Trần Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Cát Linh (Đồng Đa):

Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động

Cô Trần Thanh Tú luôn coi HS như con của mình. Ảnh: NVCC
Cô Trần Thanh Tú luôn coi HS như con của mình. Ảnh: NVCC 

18 năm trong nghề, cũng là 18 năm cống hiến không mệt mỏi và không ngừng đổi mới, sáng tạo của cô Trần Thanh Tú. Cô tâm niệm: “Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói, bằng suy nghĩ mà phải bằng chính hành động của mình”. Với cương vị là Phó Hiệu trưởng, cô Tú luôn cùng Ban Giám hiệu xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm.

Ngày hội “Bé với ngày hội trứng” của cô đã trở thành điểm nhấn và thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh cũng như các trường trong và ngoài thành phố. Ngày hội diễn ra thành công trên cả mong đợi. Qua đó, không chỉ mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện trên các phương diện như: GD thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội.

Cô Tú cho biết thêm: Đối với lớp 24 - 36 tháng tuổi, các bé sẽ được trải nghiệm bóc trứng chim cút, trứng gà, trứng vịt. Các bé của lớp 3 - 5 tuổi tự tay làm salat rau củ, trang trí món ăn được làm từ trứng... Ngoài ra, các bé còn tham gia hoạt động tạo hình như: Làm trang phục sử dụng trứng gắn lên, làm trang phục hình quả trứng để trình diễn thời trang, tạo hình các con vật từ trứng… Tất cả các hoạt động mà trẻ được trải

nghiệm trong ngày hội đã giúp các bé có thêm nhiều kỹ năng thực hành trong cuộc sống. Từ đó, các bé tham gia hoạt động tập thể một cách có trách nhiệm và gắn kết giữa các thành viên. Điều đáng nói là, sau khi tham gia ngày hội, các em đã có rất nhiều sản phẩm được làm từ trứng. Với những tâm huyết, sáng tạo của mình, năm 2018 cô Tú đã được nhận danh hiệu “Nhà giáo cống hiến, sáng tạo”.

Cô Nguyễn Thị Thúy Liên - GV Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân):

Tự tay thiết kế phần mềm quản lý HS

Cô Liên luôn hết lòng 
vì học sinh. Ảnh: NVCC 

Luôn tìm tòi, sáng tạo những mô hình GD, quản lý HS hiệu quả, cô Liên đã góp phần mang lại những thành tích đáng tự hào cho Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Năm 2018, cô cùng các đồng nghiệp trong trường tham gia thi thiết kế bài giảng E - Learning để tạo thêm những sản phẩm hữu ích cho HS. Không những thế, cô còn mạnh dạn thiết kế phần mềm quản lí thư viện và phần mềm quản lí HS. Kết quả, sản phẩm phần mềm quản lí thư viện của cô đã giành giải Nhất cuộc thi thiết kế phần mềm cấp quận.

Đặc biệt phần mềm “Giám sát HS bằng công nghệ RFID” của cô và đồng nghiệp được đánh giá cao và đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế phần mềm ứng dụng trong Ngày hội Công nghệ thông tin thành phố lần thứ IV năm 2018. Cô Liên chia sẻ: Đây là phần mềm được xây dựng trên mã nguồn mở (Apache, PHP và MySQL), sử dụng môi trường web hoặc cài đặt chạy trên server ảo bằng phần mềm xampp. Phần mềm “Giám sát HS bằng công nghệ RFID” giúp tự động hóa rất nhiều hoạt động trong môi trường học đường và bảo đảm an ninh tốt nhất cho HS.

Không chỉ tâm huyết, sáng tạo trong giảng dạy, cô Liên còn là một nhà giáo tận tâm, luôn hết lòng vì HS. Cô nhớ lại: Năm học 2017 - 2018, lớp cô chủ nhiệm có một HS thuộc diện hoàn cảnh éo le. Em đó lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nên tâm sinh lý đôi khi bất ổn. Biết được hoàn cảnh của HS, cô Liên đã theo sát bảo ban, giúp đỡ em vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình. “Kết thúc năm học, em đã trở thành một HS ngoan ngoãn, vui vẻ, hòa đồng. Em còn vinh dự được nhận thưởng trong “Lễ trao quà cho HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập” của UBND quận và Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân phối hợp tổ chức” - cô Liên chia vui.

Cô Phạm Thúy Nhung - GV Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì):

Luôn sáng tạo trong dạy học

Cô Phạm Thúy Nhung. Ảnh: NVCC

Ngay từ khi ra trường, cô Nhung luôn chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức để trở thành một GV giỏi và gương mẫu. Có khả năng sử dụng công nghệ thông tin nên cô Nhung đã tự mình xây dựng kho tư liệu bài giảng điện tử ở cả 2 bộ môn Ngữ Văn và Lịch sử. Cô Nhung đã tự thiết kế những đoạn tư liệu dưới các hình thức phong phú như: Phim tư liệu, bản tin, phóng sự, cầu truyền hình… Do đó, mỗi bài giảng môn Lịch của cô luôn sinh động, hấp dẫn và cập nhật được thông tin thiết thực cho HS.

Cô thường xuyên làm đồ dùng dạy học như: Bản đồ động cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai bằng xốp và được giải Nhì trong Hội thi “Thiết bị dạy học và đồ dùng tự làm”. Đặc biệt, trong giờ học Lịch sử cô thường hướng dẫn HS các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như thi viết kịch bản kể chuyện về các nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung… Ngoài ra, cô còn tổ chức cho HS thi vẽ tranh, sáng tác thơ, vè về một giai đoạn lịch sử. Để môn Lịch sử gần gũi với HS, cô đã xây dựng kế hoạch dạy học gắn với các di sản văn hóa, xây dựng và tổ chức học tập ngoại khóa cho các em khối 6 tại di tích Đền Cổ Loa và Đền Gióng. Nhờ sự tâm huyết, sáng tạo của mình mà các giờ học Lịch sử của cô Nhung luôn được HS thích thú, lớp học sôi nổi.

Năm học 2017 - 2018, cô Nhung đạt giải Xuất sắc cấp huyện và giải Nhất cấp thành phố trong Hội thi GV dạy giỏi bộ môn Lịch sử. Các hình thức và phương pháp dạy học Lịch sử được cô chia sẻ với đồng nghiệp và nhóm chuyên môn trong trường và trong huyện. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử.

Không chỉ tâm huyết, sáng tạo trong bộ môn Lịch sử, cô Nhung còn nỗ lực học hỏi, trau dồi tri thức ở bộ môn Ngữ văn. Trong những năm qua, cô dành nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp dạy học, giúp đỡ HS yếu kém. Theo đó, cô lập hồ sơ cá nhân những HS này, đồng thời gặp gỡ phụ huynh để phối hợp với gia đình rèn luyện các em. Hàng tuần, cô dành 2 buổi đến nhà HS yếu kém để hướng dẫn riêng cho các em và trao đổi cùng phụ huynh để tháo gỡ những khó khăn mà các em đang gặp phải. Nhờ đó mà các em đã có tiến bộ rõ rệt và thay đổi suy nghĩa, cách sống tích cực.

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa):

Sáng tạo được bắt nguồn từ tâm huyết

Nhà giáo Lưu Thị Lập. Ảnh: NVCC 

Trường THPT Hoàng Cầu là mô hì̀nh trường công lập tự chủ toàn phần tài chính, điểm đầu vào của học sinh còn hạn chế, lực lượng giáo viên đa thành phần, cơ sở vật chất xuống cấp… Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, cô Lưu Thị Lập đã đưa ra nhiều biện pháp đổi mới trong công tác quản lý, nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện của nhà trường. Từ đó khẳng định hiệu quả của mô hì̀nh GD đổi mới – “Trường công lập tự chủ tài chính”.

Cô Lưu Thị Lập quan niệm: “Sáng tạo được bắt nguồn từ tâm huyết, có tâm huyết thì̀ mới có sáng tạo và càng tâm huyết thì̀ càng nhiều sáng tạo”. Chính vì vậy, tâm huyết và sáng tạo là việc làm thường xuyên của tập thể sư phạm Trường THPT Hoàng Cầu và cũng chính là chìa khóa phát triển thành công của nhà trường. Cô Lập có nhiều đổi mới trong công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và công tác quản lý cơ sở vật chất của nhà trường. Trước hết, đội ngũ nhà giáo phải đủ về số lượng và được nâng cao về chất lượng. Cụ thể, cô luôn chủ động phát huy quyền tự chủ trong việc thu gọn bộ máy tổ chức và các tổ nhóm chuyên môn.

Hiện nhà trường đã sắp xếp tinh gọn lại còn 3 tổ chuyên môn gồm: Tự nhiên; Xã hội và Tổng hợp. Ngoài ra, cô đã tổ chức xây dựng các tiêu chí cụ thể để lựa chọn những GV nhiệt tì̀nh, tâm huyết, năng động và sáng tạo. Cô kiên quyết dừng hợp đồng làm việc với những GV không đủ phẩm chất và năng lực. Cụ thể, từ 158 cán bộ GV, nhân viên năm học 2014 - 2015, đến năm học 2017 - 2018 nhà trường đã tinh giản còn 83 người.

Cô Lưu Thị Lập cũng đặc biệt chú trọng phân công, phân nhiệm đúng người, đúng việc và phát huy được năng lực của từng GV. Bên cạnh đó, cô luôn phối hợp chặt chẽ với Công đoàn nhà trường, thực hiện nhiều biện pháp chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. “Đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển nhà trường nhằm huy động được sức mạnh tập thể, duy trì khối đoàn kết nội bộ” - cô Lập cho biết thêm. Cô Lập luôn nhận thức sâu sắc rằng, muốn nâng cao chất lượng GD nhà trường thì trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cô luôn chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Cô đã cùng với tập thể sư phạm nhà trường đầu tư tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề và mời các chuyên gia có uy tín tham dự hội thảo.

Với mong muốn từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành GD, nhà giáo Lưu Thị Lập luôn trăn trở: Làm thế nào để có nguồn kinh phí đầu tư, sửa chữa và cải tạo tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất của nhà trường. Theo đó, cô đã chủ động đề xuất với cấp trên để xin nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Kết quả, năm 2015 trường đã được sửa chữa khu nhà A để có điều kiện tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ dạy - học. Đến nay, nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang với 20 phòng học, được trang bị đầy đủ; các phòng chức năng hiện đại. Nhà trường còn có thư viện với hơn 15.000 đầu sách và đạt danh hiệu “Thư viện Tiên tiến”...

Bằng tâm huyết, sáng tạo và không ngừng đổi mới trong công tác quản lý, năm 2018 cô giáo Lưu Thị Lập đã được nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” và là một trong những nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô được vinh danh trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.