(GD&TĐ)-Những tấm gương nhà giáo tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người đã trở thành điểm nhấn đẹp, đáng nhớ trong hơn 1000 gương người tốt tiêu biểu và 10 công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh vừa qua.
PGS.TS.Hà Đình Đức: Cuộc đời khoa học gắn với Rùa thiêng
PGS-TS Hà Đình Đức |
PGS-TS Hà Đình Đức nguyên là giảng viên cao cấp tại Khoa Sinh học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Ở tuổi 72, ông được biết đến nhiều nhất với cái tên “Nhà rùa học” khi có gắn bó, nghiên cứu sớm nhất về rùa Hồ Gươm. Ông được coi là chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về một cá thể rùa đặc biệt hiện đang sống ở hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) - Hà Nội. Sách kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2010 đã thống kê sự nghiệp nghiên cứu rùa của PGS Hà Đình Đức như sau: PGS Hà Đình Đức là người có tới 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về hồ Gươm, đã trả lời 106 cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn nước ngoài những vấn đề liên quan đến rùa và hồ Gươm, có 404 bài báo viết về ông với hồ Gươm. Và ngay bản thân ông cũng đã viết tới 300 bài về rùa hồ Gươm…
Nhiều năm, PGS Hà Đình Đức đã trăn trở, miệt mài gõ cửa các cấp chính quyền để trình lên những giải pháp mà ông dày công nghiên cứu. Để có thể tìm ra những giải pháp tối ưu và bền vững cho việc bảo vệ “Cụ rùa”, PGS Hà Đình Đức cũng đã nhiều lần tìm cách đưa vấn đề nghiên cứu bảo vệ loài rùa quý ở hồ Gươm ra bàn thảo tại các hội thảo quốc gia và quốc tế.
Hiện “Nhà rùa học” là thành viên của nhiều tổ chức: Tổ chức Quốc tế Bảo vệ các loài động vật và thực vật quý hiếm (Species Survival Commission – SSC/IUCN), Tổ chức Jersey Wildlife Preservation Trust, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Uỷ viên Danh dự Uỷ ban Bảo vệ Vườn Quốc gia Fontainebleau Pháp.
Giáo viên Anh văn trường THPT Hoài Đức A – Hà Nội Nguyễn Thị Hằng – Người đi trao yêu thương
12 năm làm giáo viên ở Trường THPT Hoài Đức A, huyện Hoài Đức, chị Nguyễn Thị Hằng không chỉ biết tới là một giáo viên giỏi chuyên môn, năng động, sáng tạo mà còn là người mẹ thứ hai thực sự, người có “biệt tài” cảm hóa học sinh. Từ tình yêu thương của chị Hằng, không ít học sinh cá biệt đã trở thành những con ngoan, trò giỏi. Có lẽ hiếm có giáo viên nào như chị, dũng cảm nhận 10 học sinh nghiện game về ở nhà mình, chăm sóc, dạy dỗ, kèm cặp. Trong thời gian 1-2 năm, chị đã làm được điều mà ngay cả cha mẹ các em cũng bất lực – giúp cả 10 học sinh thoát khỏi game online, trở thành những học trò ngoan ngoãn...
Cùng với cái tâm nhà giáo, chị Hằng đã mở lớp bồi dưỡng tiếng Anh miễn phí cho cả lớp mỗi tuần một buổi trong 4 tháng liền. Nhưng, thấy được điểm yếu của học sinh là sự nhút nhát, thiếu chủ động, dẫn đến hiệu quả học tiếng Anh kém, chị đã quyết tâm đứng ra tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh toàn trường với hàng loạt các hoạt động luyện nói, luyện nghe, trò chơi, thuyết trình, đàm thoại, chương trình ca nhạc bằng các bài hát tiếng Anh phát trong một số giờ ra chơi... Cách làm này thực sự phát huy hiệu quả, các học trò của chị tiến bộ rõ rệt. Năm 2011, câu lạc bộ đã tham gia vòng chung kết English Festival cấp thành phố và đoạt giải nhì.
Thầy Nguyễn Bác Ái – vị “thuyền trưởng” hội đủ “tâm”, “tầm”
Gắn bó với trường THCS Đường Lâm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, hiện thầy Nguyễn Bác Ái đang giữ cương vị hiệu trưởng nhà trường. Trên cương vị này, thầy đã đưa nhà trường trở thành một trong những đơn vị chất lượng giáo dục hàng đầu, từ chỉ xếp thứ 12/15 đến nay đã xếp thứ 4/15 trường THCS trên địa bàn. Năm học 2011- 2012 nhà trường có 65 học sinh giỏi cấp Thị xã, 10 học sinh giỏi cấp Thành phố. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, trường THCS Đường Lâm có 34 em đỗ vào các lớp chuyên của trường THPT Sơn Tây với 4 thủ khoa các môn Toán, Lý , Văn , Sinh.
Thầy Nguyễn Bác Ái họp cùng hội đồng sư phạm trường THCS Đường Lâm |
Cũng nhờ sự nỗ lực của thầy Nguyễn Bác Ái và cán bộ giáo viên, trường THCS Đường Lâm tự hào với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ với hệ thống lớp học, khối phòng học bộ môn, các phòng chức năng, khu hiệu bộ, nhà thư viện, phòng truyền thống và công trình phụ trợ…
Không chỉ là người lãnh đạo nhà trường, thầy Nguyễn Bác Ái còn luôn giành thời gian quan tâm đến cuộc sống của đồng nghiệp, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em vượt lên hoàn cảnh để học tập tốt. Theo gương cha, hai con của thầy cũng đã theo nghề, một là giáo viên tại trường THPT Xuân Khanh, một là giảng viên tại trường Đại học Công nghiệp Việt Hung.
Với 26 năm tuổi nghề, 24 năm tuổi Đảng, thầy Ái đã cống hiến không ngừng cho sự nghiệp giáo dục, liên tục 3 năm liền (từ 2009 – 2011), thầy được công nhận danh hiệu “chiến sỹ thi đua cơ sở”; tháng 3/2012 được Thị ủy tặng giấy khen “ Đảng viên xuất sắc tiêu biểu trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mới đây lại vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu xuất sắc được UBND Thành phố, Thị xã tuyên dương, khen thưởng tại hội nghị biểu dương gương "Người tốt, việc tốt" Thị xã năm 2012.
Giáo viên Trường THCS Đa Tốn Nguyễn Đức Trường: Người thầy tàn nhưng không phế
Bị ảnh hưởng di chứng chiến tranh do người cha để lại, gia đình thầy Nguyễn Đức Trường có 3 anh chị em thì hai người bị tàn tật. Bản thân thầy Trường bị teo cơ hai chân ngay từ nhỏ, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhưng, vượt lên trên hoàn cảnh, trong thời gian học phổ thông, thầy Trường luôn dẫn đầu các môn học tự nhiên trong lớp, rồi sau này trở thành một giáo viên dạy toán.
Với óc sáng tạo, niềm say mê công việc, mỗi tiết học của thầy Trường đều được học sinh say mê đón đợi. Con số toán học khô khan, khó hiểu được thầy lồng ghép vào những câu chuyện, những tính huống thực tế hay gắn với danh nhân toán học, những tấm gương vượt khó trở thành sinh động, dễ tiếp thu. Để có được sự đổi mới trong mỗi tiết dạy như vậy là cả công phu tìm tòi, sáng tạo, bỏ vào rất nhiều tâm, sức mà với một người bình thường cũng đòi hỏi nỗ lực không nhỏ. Cùng với tâm huyết trong mỗi bài giảng, với vai trò Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên của trường, thầy Trường còn có nhiều sáng tạo trong tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chủ động nhận thực hiện các chuyên đề toán cấp huyện và viết hàng chục sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy các môn tự nhiên có giá trị. Nhờ thầy Trường phụ đạo miễn phí tại nhà cho những học sinh yếu Toán cũng như bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi mà năm nào Trường THCS Đa Tốn cũng có học sinh giành giải cao môn Toán tại cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố.
Hải Bình (TH)