Để sử dụng thuần thục số tự động trên xe ô tô, mang lại tuổi thọ cho động cơ, hạn chế những hư hỏng có thể xảy ra, các lái xe cần phải tham khảo và tìm hiểu những tính năng hoạt động của nó.
Hoạt động của hộp số tự động trên xe ô tô
Cần số trên xe ô tô có hộp số tự động có những ký hiệu cơ bản như: P (đỗ xe), R (số lùi), N (số 0) và D (số khởi động). Khi lái xe điều khiển cần số từ vị trí P xuống bất cứ vị trí nào trên cần số thì động cơ trên xe của bạn bắt đầu tác động tới những bánh xe để cho xe chuyển động.
Khi cần số không ở vị trí P, chiếc xe sẽ chuyển động cho dù lái xe không tác động tới bàn đạp chân ga. Việc điều khiển xe số tự động rất đơn giản, lái xe di chuyển cần số xuống vị trí D là chiếc xe có thể khởi động, khi ở vị trí D, tốc độ xe nhanh hay chậm phụ thuộc lái xe điều chỉnh chân ga. Khi muốn xe ở tốc độ cao, lái xe chỉ cần đạp hết chân ga, lúc này hộp số tự động trên xe sẽ chuyển sang chế độ lực kéo cực đại phù hợp để tăng tốc, chế độ này được gọi là kick down.
Những nguyên tắc cơ bản khi điều khiển xe ô tô số tự động
Lái xe chỉ được sử dụng chân phải để điều khiển chân ga và chân phanh, nếu dùng chân trái để điều khiển chân phanh sẽ dẫn tới hiệu quả lái xe không cao và thường bị nhầm lẫn và gây ra tai nạn. Khi bước lên xe số tự động, lái xe cần phải phân biệt được chân ga và chân phanh để tránh nhầm lẫn khi khởi động. Trước khi khởi động động cơ, lái xe cần phải đạp chân phanh, lúc đó mới đề nổ xe. Khi đề nổ xe, luôn để cần số ở vị trí P thì mới khởi động động cơ.
Trước khi cho xe khởi hành, lái xe cần nắm rõ các vị trí số để tránh nhầm lẫn khi chuyển số, chuẩn bị khởi hành cần phải đạp chân phanh khi chuyển số xe, xe của bạn sẽ di chuyển về phía trước khi cần số từ vị trí N sang các vị trí khác.
Trong quá trình vận hành, lái xe cần chú ý không chuyển cần số về vị trí N khi chiếc xe vẫn đang chạy, khi cần số ở vị trí N, lực cản từ động cơ sẽ không còn nữa và việc chuyển số lúc này có thể gây ra các tai nạn ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, khi xuống dốc ở quãng đường dài hoặc đổ đèo, lái xe cần phải di chuyển cần số xuống vị trí số thấp như D3, D2, D1 một cách phù hợp tránh tình trạng đạp chân phanh quá dài sẽ dẫn tới hiệu quả phanh giảm do quá nhiệt.
Khi dừng xe, lái xe cần chú ý đạp chân phanh cho đến khi chiếc xe dừng hẳn và không nên đạp ga trong lúc xe dừng vì xe có thể chuyển động nếu cần số không ở vị trí P hoặc N. Ngoài ra, khi đỗ xe, lái xe cần phải đạp chân phanh cho xe dừng hẳn, chuyển cần số về vị trí P ban đẩu rồi sau đó kép phanh tay và tắt máy, trong quá trình đỗ xe, xe có thể tự chuyển động nếu cần số chưa về vị trí P dù chiếc xe đã dừng hẳn.
Ngoài ra, khi đi xe số tự động, lái xe cần lưu ý chỉ có thể tắt nguồn điện của xe khi cần số đang ở vị trí P, đôi khi lái xe quên không đưa cần số từ vị trí D hoặc R về P mà lái xe đã tắt máy. Một trường hợp khác xảy ra, khi xe đang xuống dốc mà lái xe lại chuyển cần số sang vị trí R để hãm tốc độ của xe, lái xe đặc biệt lưu ý không để xảy ra trường hợp này.
Bên cạnh đó, chỉ được chuyển số từ vị trí R sang N khi xe đã hoàn toàn dừng hẳn, chỉ được điều khiển xe chuyển động tiến hoặc lùi khi ô tô của bạn đã dừng hẳn, lái xe không được chuyển cần số sang vị trí P khi xe chưa dừng hoàn toàn, nếu không thực hiện, chiếc xe của bạn sẽ bị dừng đột ngột và nhanh hư hại hộp số.
Một số trường hợp các xe được trang bị hệ thống chuyển vị trí các số P, R, N và D thẳng hàng như Kia Morning, Honda Civic (đời cũ), Honda CR-R (đời cũ)... lái xe cần chú ý khi cho xe chuyển động để khi di chuyển cần số từ số P xuống số R, N và D hợp lý tránh tình trạng vào số nhầm.