(GD&TĐ) - Trong các thư gửi ngành Giáo dục, Bác Hồ hầu như không dùng từ “nguyên lý” hay “phương châm”, nhưng nội dung thực tế và ngữ cảnh biểu đạt thì có đầy đủ ý nghĩa của những từ này, song phù hợp và sát nghĩa hơn với từ “nguyên lý”.
>>> Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh từ những tâm thư của người gửi ngành Giáo dục
Tri thức thì phải thường xuyên “ôn cố tri tân”, “những gì cốt lõi và bao trùm “thì phải có điểm nhấn và truyền thông tích cực để không bị lâu ngày mờ nhạt, lãng quên. Sự nghiệp giáo dục toàn diện cũng vậy, cần được nhấn mạnh lại ở đây, trong tiêu đề “nguyên lý giáo dục toàn diện” để khắc sâu hơn trong tâm trí mỗi người.
Muốn vậy, nội dung “cốt lõi” của nguyên lý giáo dục toàn diện ở đây cần được tóm tắt thành 4 “dục”, 5 “yêu”, 3 “ở”, 10 “điều ghi nhớ” của tiểu học và 12 “điều ghi nhớ” của trung học.
Nguyên lý giáo dục toàn diện, nguyên lý cơ bản đầu tiên của Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh cần bổ sung thêm ở đây như sau:
- Một là, trong 4 “dục”, đức (hay đạo đức) luôn luôn là gốc. “Thế nên, điều trước tiên là phải dạy các cháu về đạo đức”. Nếu không có đức thì không có gì cả, thậm chí tài hoa thành tai hoạ. Dân tộc rất trọng tài nhưng chỉ cần hiền tài, vì hiền tài mới thực sự là “nguyên khí quốc gia”.
- Hai là, Bác Hồ nhấn mạnh “đạo đức mới”, “đạo đức cách mạng” của thế hệ Hồ Chí Minh, gột rửa những tư tưởng xấu của xã hội thực dân đế quốc phong kiến cũ.
- Ba là, Bác còn căn dặn học sinh “phải chăm chỉ tiến bộ, luôn luôn ngoan ngoãn, kính trọng, vâng lời cô giáo, thày giáo và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, đồng thời từng bước “nên tập tự lực cánh sinh cho quen. Các cháu bé cũng vậy, không nên làm nũng”.
Đó là những điều cốt lõi của nguyên lý giáo dục toàn diện, vì sự nghiệp trồng người nhằm đào tạo những công dân tốt, “cán bộ tốt, thật thà phụng sự dân tộc”.
Ảnh tư liệu |
Nguyên lý “áp dụng Học với Hành”, lý luận với thực tế
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh chủ trương “áp dụng Học với Hành” thành một nguyên lý cơ bản, không thể khác. Rất nhiều thư gửi ngành giáo dục, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến điều này.
Trong “Thư gửi Ty Giáo dục, các Hiệu trưởng, các giáo viên và các cháu học trò Khu 10” (năm 1948), Bác Hồ, sau khi tóm tắt những thành tích về tăng gia sản xuất, đã vui mừng khen ngợi:
…”Các ông Hiệu trưởng và các anh chị em giáo viên cùng các cháu học trò đã áp dụng Học với Hành, đã thực hiện kháng chiến bằng văn hóa, văn hóa của kháng chiến”.
Một dịp khác, khi nhắc nhở sinh viên trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa (năm 1952), Bác Hồ cũng căn dặn: “Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: thật thà phụng sự nhân dân”.
Dù phải giải quyết hàng “núi” việc của Trung ương Đảng và Chính phủ nhưng năm 1960, trong “Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp Bổ túc văn hóa”, Bác Hồ vẫn ân cần căn dặn: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.
Tuy trăm công ngàn việc, trong khi tuổi cao, sức khỏe giảm nhưng tâm Bác vẫn đau đáu hướng về giáo dục, vẫn rất vui khi nhận được tin học sinh quê nhà áp dụng tốt học với hành và lao động tốt. Trong “Thư gửi các cháu học sinh xã Nam Liên (Nghệ An)” (năm 1967), Bác lại vui như khỏe ra khi viết: “Bác đã nhận được thư của các cháu, Bác rất vui mừng. Các cháu học sinh đã cố gắng thi đua học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương chống Mỹ, cứu nước”.
Nguyên lý giáo dục đoàn kết - thi đua - dân chủ
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh rất chú trọng nguyên lý kết hợp đồng thời ba yếu tố: Đoàn kết - thi đua - dân chủ nhằm kịp thời khơi nguồn trí tuệ, tạo sức chiến đấu, đảm bảo cho toàn ngành tiến bộ không ngừng và phát triển bền vững. Nguyên lý đó được xem là vũ khí bách chiến bách thắng của các chiến sĩ cầm bút trên mặt trận giáo dục.
Nói về đoàn kết, Bác Hồ thường xuyên nhấn mạnh đoàn kết, coi đoàn kết là khởi nguồn sức mạnh. Khẩu hiệu nổi tiếng của Bác “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã thành nguồn cổ võ chung cho cả nước, trong đó có ngành giáo dục. Nói riêng trong ngành giáo dục, thực tế rất nhiều lần Bác Hồ ân cần căn dặn truyền thống đoàn kết. Có thể đơn cử trong “Thư gửi các cháu và cán bộ các trường miền Nam” (1955), Người đã chân tình nhắc nhở:
“Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ.
Đoàn kết giữa các cháu lớn với các cháu bé.
Đoàn kết giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác.
Đoàn kết giữa các cháu miền Nam với các cháu và đồng bào địa phương.
Đoàn kết giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ.
Các cô các chú (giáo viên) phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không nên đứng núi này trông núi nọ, thay đổi công tác, kèn cựa địa vị.”.
Bác Hồ còn căn dặn đoàn kết đối với Trường Sư phạm miền núi năm 1955, đối với lưu học sinh Việt Nam ở Mat-xcơ-va, Trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa (1952), đối với các cụ “phụ lão diệt dốt” Nghệ-Tĩnh (năm 1958), đối với toàn ngành giáo dục, tháng 10/1968 , đối với giáo viên, Bác căn dặn “phải thật thà đoàn kết”.
Về thi đua, Bác Hồ từng nhiều lần căn dặn thi đua cùng với đoàn kết. Đối với học sinh miền Nam, Bác Hồ trìu mến nhắc nhở: “Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc”. Đối với giáo viên, Bác ân cần căn dặn: “Các cô, các chú nên cố gắng thi đua, trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ không ngừng”. Trong “Thiếp chúc mừng năm học mới” (1966), có đoạn: “Bác mong các cháu học sinh thi đua học hành, kính thày yêu bạn và tiến bộ nhiều. Tôi mong các giáo viên thi đua dạy bảo cho các cháu mau tiến bộ”.
- Về dân chủ, Bác Hồ tận tình căn dặn trong “Thư gửi giáo sư và sinh viên trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa” (1952):
“Thày trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ thật thà tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi”. Trong Thư cuối cùng gửi ngành giáo dục (10/1968), Bác Hồ ân cần căn dặn: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt…”.
Sức mạnh tổng hợp của ba yếu tố: Đoàn kết - thi đua - dân chủ trong nguyên lý giáo dục này không phải phép cộng số học đơn thuần mà là tích của phép nhân tăng nhanh gấp bội, tôn tạo vững chắc tầm cao cho Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh. |
PGS.TS. Nguyễn Trung Vãn
(Nguyên Trưởng BM Marketing, ĐH Ngoại Thương)