(GD&TĐ)- Kết quả của Điều tra liên trường về thương tích ở Việt Nam, đa số ca tử vong do thương tích ở trẻ là đuối nước, tai nạn giao thông đường bộ, thương tích do vật nhọn sắc và ngộ độc, báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam năm 2010 của Unicef Việt Nam cho biết.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2007 về tử vong do thương tích, có 7.894 trẻ em và vị thành niên 0-19 tuổi tử vong do thương tích, báo cáo cho biết.
|
Đuối nước là nguy cơ tai nạn thương tích lớn thứ ha ở trẻ. Ảnh, gdtd.vn |
Cũng theo nghiên cứu này, nguyên nhân thương tích dẫn đến tử vong có sự khác nhau tuỳ thuộc độ tuổi. Ví dụ, đuối nước là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ độ tuổi 1-15, trong khi thương tích do tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở vị thành niên từ 15-18 tuổi.
Ngộ độc, bỏng, ngã, động vật cắn là những nguyên nhân hàng thứ ba gây tử vong. Ngoài ra, ở những vùng còn tồn dư nhiều bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã có nhiều trường hợp thương tích nghiêm trọng do bom mìn.
Trẻ em trai thường gặp thương tích nhiều hơn trẻ em gái, đặc biệt là thương tích do tai nạn giao thông. Nguyên nhân và độ tuổi của các thương tích không gây tử vong có sự khác biệt với các thương tích gây tử vong.
Theo một điều tra ban đầu về tình hình thương tích tiến hành ở 24 xã năm 2003, có 5 nguyên nhân phổ biến nhất gây thương tích không tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi (tính trên 100.000 trẻ) là: ngã (1.559), tai nạn giao thông đường bộ (822), động vật cắn/tấn công (816), thương tích do vật sắc nhọn (419), và bỏng (324). Bỏng và ngã là các nguyên nhân gây thương tích không tử vong phổ biến nhất ở trẻ dưới năm tuổi, trong khi tai nạn giao thông và ngã là những nguyên nhân gây thương tích không tử vong nhiều nhất ở trẻ em và vị thành niên trong độ tuổi 5-18.
Ngoài ra, thương tích không gây tử vong cũng có sự đa dạng theo địa điểm xảy ra. Đa số các trường hợp xảy ra ở nhà (52%), ngoài ra là các thương tích xảy ra trên các đường liên xã/liên thôn (20%) và trường học (9%).
Gánh nặng về thương tích rất lớn không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn cho toàn xã hội bởi nó dẫn đến những chi phí y tế và xã hội đáng kể, nhất là các trường hợp thương tích gây khuyết tật vĩnh viễn. Theo ước tính của một nghiên cứu, tổng chi phí quốc gia về tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam năm 2004 tương đương với 1,4% GDP.
Thương tích do tai nạn giao thông
|
Quy định về đội mũ bảo hiểm gần đây mới được cưỡng chế với trẻ em dưới 6 tuổi. Ảnh, internet |
Báo cáo năm 2007 về tử vong do thương tích của Bộ y tế cho biết tai nạn giao thông gây ra 28% số ca tử vong ở độ tuổi 0-19. Trong thập kỷ qua, số lượng người chết do tai nạn giao thông đã tăng dần đều do số tai nạn giao thông tăng gấp 4 lần.
Hầu hết tai nạn giao thông đường bộ và tai nạn giao thông nói chung ở Việt Nam đều liên quan đến xe máy. Số lượng phương tiện trong nước cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó xe máy tăng hơn 400% từ năm 1996. Số lượng xe máy tăng từ khoảng 4 triệu năm 1996 lên gần 30 triệu vào năm 2009.
Thanh niên thành thị bị tai nạn giao thông cao hơn nhiều so với thanh niên nông thôn, kể cả nam lẫn nữ ở mọi độ tuổi. Sở dĩ như vậy chủ yếu là do mật độ giao thông cao ở thành thị. Trong số những thanh niên bị tai nạn giao thông ở thành thị, độ tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết thanh niên thành thị biết đi xe máy từ 15 tuổi (bất chấp quy định của luật pháp là 18 tuổi) và có nhiều cơ hội sở hữu xe máy hơn là trẻ cùng lứa ở nông thôn. Các em trai bị chết do tai nạn giao thông nhiều hơn các em gái.
Phần lớn các chấn thương đầu ở thanh niên đều là hậu quả của tai nạn giao thông. Theo số liệu từ 54 tỉnh thành của Bộ Y tế trong năm 2008 có 495.545 vụ chấn thương đầu. Trong số này, tỷ lệ nạn nhân dưới 14 tuổi là 13%. Gần 50% số trẻ em bị chấn thương não không đội mũ bảo hiểm. Nguồn số liệu đó cũng cho biết 21% số ca nhập viện vì tai nạn giao thông là trẻ em và vị thành niên trong độ tuổi 0-19. Từ khi Nghị quyết 32 được ban hành năm 2007, tất cả mọi người đều phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và kể từ 15/12/2007, việc đội mũ bảo hiểm đã được thực thi chặt chẽ trên toàn quốc với hi vọng giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và chấn thương đầu. Kết quả giám sát chấn thương ở bệnh viện Việt Đức cho thấy trong 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 10/2006, tỷ lệ có đội mũ bảo hiểm chỉ chiếm 5% ở tất cả các trường hợp gặp chấn thương do tai nạn giao thông.
Đáng tiếc, quy định về đội mũ bảo hiểm gần đây mới được cưỡng chế với trẻ em dưới 6 tuổi.
Đuối nước ở trẻ em
|
Ảnh, gdtd.vn |
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, đuối nước là nguyên nhân gây ra 3.786 trường hợp tử vong cho trẻ em và vị thành niên từ 0 đến 19 tuổi năm 2007. Trong số các trường hợp tử vong này, khoảng 36% xảy ra ở trẻ em từ 0 đến 4 tuổi, 48% ở trẻ từ 5 đến 14 tuổi và 16% ở trẻ em và vị thành niên từ 15 đến 19 tuổi.
Nguyên nhân, độ tuổi và tình huống tử vong do đuối nước có nhiều khác biệt giữa các vùng. Chẳng hạn, ở khu vực đồng bằng Cửu Long, hầu hết trẻ chết đuối dưới 5 tuổi và thường chết đuối do bị ngã xuống nước, thường là từ trên nhà, trên thuyền hoặc cầu tàu. Ở các tình miền trung như Quảng Trị và Huế, hầu hết trẻ đuối nước trên 6 tuổi bị đuối nước khi đang chơi gần hoặc trong hồ hoặc các con suối sâu hoặc khi đi chăn trâu bò. Ở Hải Phòng, đuối nước ở trẻ 0-4 tuổi xảy ra quanh năm trong khi đuối nước ở trẻ 6-13 tuổi chủ yếu xảy ra vào mùa hè khi trẻ được nghỉ hè và chơi ở các ao, hồ gần nhà.
Đuối nước ở trẻ em xảy ra do thiếu nhận thức, thiếu sự giám sát của người lớn, không biết bơi, môi trường sống và phương tiện giao thông thiếu an toàn. Ở tất cả các địa điểm nghiên cứu, hầu hết trẻ bị đuối nước đều được sơ cứu tại chỗ (83%), 43% được chuyển đến các cơ sở y tế để hồi sức hoặc điều trị. Việc người dân sử dụng các biện pháp cấpcứu truyền thống vẫn rất phổ biến dù không phải lúc nào cũng hiệu quả và thậm chí có thể dẫn đến tử vong cho nạn nhân.
Thương tích do ngộ độc
Nhiều trường hợp bị ngộ độc do các sản phẩm hoá chất, chất độc trong rau quả, cây cảnh, hải sản và do bị động vật và côn trùng có chất độc cắn/đốt. Ngoài ra, thuốc trừ sâu, các loại thuốc và dược phẩm đang ngày càng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam nhưng không được cất trữ cẩn thận trong tủ có khoá ở hộ gia đình cũng thường gây ngộ độc.
|
Trẻ em và hiểm họa bom mìn. Ảnh, internet |
Năm 2007, tỷ lệ chết do ngộ độc ở trẻ em từ 0-19 tuổi là 0.4/100,000 Báo cáo của Bộ Y Tế về tử vong do thương tích giai đoạn 2005-2006 cho thấy ngộ độc là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do thương tích không chủ ý ở độ tuổi 0-10.các trường hợp bỏng ở trẻ em. Ở trẻ nhỏ bị bỏng dù vùng bỏng không sâu hay không rộng nhưng vẫn có nguy cơ tử vong hay ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và nhận thức sau này. Các vết sẹo để lại có thể gây biến dạng, tàn tật cho trẻ và cần can thiệp phẫu thuật nhiều.
Thương tích do bom mìn còn sót lại
Hiện nay ở Việt Nam còn sót lại nhiều bom mìn và các vật liệu nổ là hậu quả để lại sau nhiều năm chiến tranh. Theo Bộ Quốc phòng, ước tính có tới 800.000 tấn bom mìn còn sót lại nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu hecta đất đai.
Trẻ em đặc biệt có nguy cơ cao với bom mìn còn sót lại vì các em thường tưởng nhầm đây là đồ chơi. Một nghiên cứu năm 2009 cho biết trong 5 năm qua, ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã có 437 trường hợp tử vong và 489 trường hợp thương tích do bom mìn. Khoảng 25% các thương tích này là ở trẻ 14 tuổi trở xuống, trong đó chỉ có 18% trẻ em gái.
Cần nâng cao nhận thức của cha mẹ, giáo viên, lãnh đạo cộng đồng v.v, đặc biệt là trẻ em, về mối nguy hiểm và các biện pháp phòng ngừa an toàn khi xử lý bom mìn. Cũng nên lưu ý rằng Việt Nam chưa tham gia Công ước về Cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển và tiêu hủy các loại mìn sát thương.
An Sương/Unicef VN