Những người thắp lửa làng nghề đất Thăng Long

GD&TĐ - Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất được gọi là “đất trăm nghề”, với 1.260 làng nghề. Sản phẩm của không ít làng nghề Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và còn phục vụ xuất khẩu. Thế nhưng, theo thời gian đã có không ít làng nghề đã bị mai một, nhiều làng nghề có nguy cơ biến mất. 

Những người thắp lửa làng nghề đất Thăng Long

Nhưng phải nói rằng, ở những làng nghề đang phát triển và đang mai một vẫn có những nghệ nhân muốn gìn giữ, phát triển nghề cổ truyền của đất ngàn năm văn hiến.

Ruổi rong tìm cách giữ nghề

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Định Công, dường như nghề đậu bạc đã ngấm sâu vào nghệ nhân Quách Văn Hiểu từ thuở nhỏ. Năm lên 8 tuổi, cậu học trò Quách Văn Hiểu cùng 4 người em của mình đã được cha mẹ truyền lại những ngón “độc chiêu” của thợ đậu bạc Định Công. Đến năm 14 tuổi, Hiểu là thợ cả, cầm tay chỉ việc cho anh em học nghề trong làng. Kinh tế thị trường mở ra, làng đậu bạc Định Công đối mặt với khó khăn khi sản phẩm làm ra đa dạng nhưng tiêu thụ lại rất khó.

Theo thời gian, nhiều gia đình ở làng Định Công đã lần lượt bán đất, xây nhà hoặc chuyển đi sinh sống ở những vùng khác. Số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Say nghề, yêu nghề, gắn bó với nghề đã khiến nghệ nhân Quách Văn Hiểu và Quách Văn Trường vẫn cố níu giữ lại chút gì đó của nghề đậu bạc. Từng ngày, hai nghệ nhân già này vẫn cần mẫn, duy trì nghề đậu bạc bởi dường như nó đã ăn sâu vào máu thịt. Và hơn thế, đó còn là cách để các nghệ nhân lưu giữ lại chút hương xưa của đất kinh kỳ.

Nón làng Chuông rất nổi tiếng, trong làng gia đình nào cũng thạo nghề. Nhưng nổi tiếng nhất là nghệ nhân Phạm Trần Canh với tình yêu và đôi bàn tay tài hoa khéo léo làm sống lại nét đẹp cho những chiếc nón cổ. Cách đây chừng ba thế kỷ, làng Chuông vẫn làm nón, nhưng là nón cổ. Nón cổ dày, cũng làm bằng lá, nhưng nan và vành rộng, chủ yếu dùng để che nắng cho các bà, các chị khi đi làm công việc đồng áng. Không chỉ có che nắng, mà còn có bộ đôi là nón và tơi để che mưa.

Năm 1954, với thương tật 2/4, ông Canh trở về từ chiến trường. Trong làng thấy chẳng còn ai biết làm nón cổ, ông xót xa khi chứng kiến cái nét đẹp của quê hương đang dần mai một, vậy là ý chí không ngại gian khổ của “anh bộ đội Cụ Hồ” đã thôi thúc ông khôi phục tinh hoa làng nghề. Từ đó, ông bắt đầu cuộc hành trình làm “sống lại” chiếc nón cổ quê mình. Chỉ còn một chân vậy mà ông đã gắng rong ruổi khắp chốn, đến các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình... tìm mua những chiếc nón thúng quai thao, nón dân tộc Thái cũ.

Cả tháng lăn lộn khắp các tỉnh để dò hỏi, nghe ngóng hễ ở đâu có nón là ông Canh lại mày mò đến hỏi mua cho bằng được. Sau một thời gian dài kiên trì, ông cũng hoàn thành được chiếc nón quai thao - nón ba tầm. Cuối cùng cái nghề nón cổ xưa của ông cha đã trở lại. Làm ra được một chiếc nón quai thao phải mất 3 ngày, đòi hỏi người thợ bỏ ra nhiều công sức và thời gian gấp mấy lần những chiếc nón bình thường. Một chiếc nón quai thao muốn hoàn thành phải trải qua 6 công đoạn, mỗi công đoạn có những cái khó khác nhau.

Vì sự đa dạng của làng nghề

Ở khu phố cổ, nghề bạc và chạm tam khí vẫn còn khá thịnh hành. Cũng bởi ở phố Hàng Bạc, Hàng Đồng vẫn còn nhiều gia đình cha truyền con nối gắn bó với nghề. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng vốn được mệnh danh “Đệ nhất khảm tam khí” Hà thành là một trong những người muốn gìn giữ nghề cho mai sau. Khảm tam khí là nghệ thuật phối kết 3 loại kim loại quý trên đồ đồng.

Từ những vẽ mẫu phong cảnh, nhân vật, họa tiết trên sản phẩm đồng đúc, người nghệ nhân sẽ khéo léo đục sâu các mẫu đó thành hình khối, đường nét rồi gắn vàng, bạc hoặc kim loại quý khác vào để hoàn thiện một tác phẩm. Từ chiếc bát, đĩa, ấm trà dùng hàng ngày đến những đồ lưu niệm như tranh, trống đồng, đồ trang sức và đồ thờ… tất cả đều được ấp ủ ý tưởng rất lâu. Sự khéo léo, tài hoa của đôi bàn tay vàng đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo và mang phong cách riêng biệt của người nghệ nhân đã có hơn 60 năm tuổi nghề.

Không giống như những nghề cũ còn sót lại ở Hà Nội là làm hàng tiêu dùng, khắc dấu gỗ đã làm nên một thú chơi tao nhã của người Hà Nội và du khách thập phương; một nghề chơi đầy công phu, độc đáo và hết sức riêng biệt. Phố Hàng Quạt, Tô Tịch vẫn còn những nghệ nhân làm nghề này. Trước đây, những nhà nho học thường đặt khắc dấu gỗ tên mình hoặc tên trường để đóng vào sách, vở và thường có hình tròn hoặc hình chữ nhật. Không ai biết nghề khắc dấu gỗ có từ bao giờ, nhưng theo những người nghiên cứu về Hà Nội và cả những người đang làm nghề này, khắc dấu gỗ đã có tuổi đời cả trăm năm.

Nghệ nhân khắc dấu Phạm Ngọc Toàn ở số 6 Hàng Quạt cho biết: “Nhiều người nước ngoài đã trở thành khách “ruột” của cửa hàng, đặc biệt là những người Nhật. Nghề khắc dấu gỗ và những món quà từ dấu gỗ đã được đưa vào “cẩm nang” hướng dẫn du lịch ở Nhật Bản và Hồng Kông nên du khách biết đến nghề truyền thống này ngày một nhiều hơn”.

Ở những làng nghề khác cũng có nhiều nghệ nhân với quyết tâm gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề. Đó là làng cổ Bát Tràng với nghề gốm sứ cũng có hàng chục nghệ nhân hiện đang gìn giữ tinh hoa nghề như: Nghệ nhân Trần Độ, nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng, nghệ nhân Vũ Đức Thắng, nghệ nhân Nguyễn Khang… Làng lụa Vạn Phúc có nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Triệu Văn Mão, làng nem Phùng có ông Bùi Ngọc Thái, làng quạt Chàng Sơn có nghệ nhân Dương Văn Mơ, làng thêu Quất Động có nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự… Tất cả những nghệ nhân này, sẽ là những người gìn giữ, truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ sau, để đất Thủ đô sẽ mãi đặc sắc, đậm nét văn hóa vì sự đa dạng của những làng nghề truyền thống từ nhiều thế kỷ qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ