Hội từ thiện chăm sóc và tặng quà cho học sinh ở Thàng Tín (Hà Giang)
Tháng 5/2012, dư luận xôn xao câu chuyện về cậu bé Lê Quang Anh (2 tháng tuổi) bị bố mẹ bỏ rơi hai lần. Cậu bé bị nhiễm HIV, bị chàm da cơ địa và viêm phổi nặng lần lượt bị bố mẹ ruột rồi bố mẹ nuôi bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Khi câu chuyện được chia sẻ trong hội “Những bà mẹ cho con ăn dặm”, Quang Anh đã nhận được tình cảm thương yêu đặc biệt từ hàng ngàn bà mẹ đang nuôi con nhỏ khắp trên mọi miền đất nước.
Ngay lập tức trên facebook, hội “Các bố mẹ nhân ái đồng hành cùng bé Quang Anh” được lập ra, chưa đầy một tuần thu hút hơn 2.000 thành viên. Người đứng đầu hội là chị Nguyễn Hồng Thúy, sinh năm 1975 (Thanh Xuân, Hà Nội). Lúc đó, chị Thúy mới sinh con được hơn 3 tháng.
“Khi đọc được thông tin của Quang Anh, tôi tức tốc vào bệnh viện thăm con luôn. Nhìn con nằm thoi thóp trong nôi, bị hăm, da nổi sần các nốt mẩn ngứa, tôi đã không cầm được nước mắt, lòng đau thắt thương con như chính con mình vậy. Từ hôm đó, trưa nào tôi cũng vào viện với con bế ẵm, cho con uống sữa, tắm rửa cho con”, chị Thúy kể lại.
Hàng trăm bà mẹ trẻ khác trong hội cũng tìm đến chăm sóc Quang Anh, đông đến nỗi phải xếp lịch thay phiên nhau. Trước đó, những người mẹ trẻ chưa một lần gặp mặt nhau, họ chỉ nói chuyện với nhau trên thế giới ảo về kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ.
Cậu bé Quang Anh đã làm nên điều kỳ diệu khi kết nối được hàng ngàn trái tim thương yêu của các bà mẹ trẻ trong nước cũng như nước ngoài. Không chỉ chia sẻ yêu thương, nhiều bà mẹ ở Nhật còn gửi thuốc chữa bệnh về cho cậu bé.
Sau 2 tháng nằm viện điều trị, sống trong sự chăm sóc yêu thương của hàng trăm bà mẹ, cậu bé đã có sự hồi phục kỳ diệu, khi bệnh chàm da, viêm phổi được chữa khỏi. Câu chuyện về bé Quang Anh kết thúc đẹp như truyện cổ tích khi được một người bố trẻ nhận về nuôi tại TPHCM.
“Hiện tại, con đã có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Thi thoảng các mẹ ở ngoài Bắc vào thăm con một vài hôm. Giờ con chững chạc và lém lỉnh lắm”, chị Thúy hào hứng kể.
Chăm sóc, cưu mang trẻ bị bỏ rơi
Sau câu chuyện Quang Anh, chị Thúy và nhiều bà mẹ trẻ khác gọi cậu bé là “thiên sứ đến từ thiên đường” mang tình yêu thương đến với mọi người. “Đến với con tôi không nghĩ là mình đang làm từ thiện.
Con đã gắn kết tình cảm của các ông bố, bà mẹ trên thế giới ảo bước ra đời thật. Vì thế, chúng tôi quyết định phát triển thành “Hội từ thiện Quang Anh” với mong muốn mang yêu thương, sẻ chia đến nhiều hơn với những đứa trẻ đang bị bạo bệnh, bỏ rơi khác”, chị Thúy chia sẻ. Chị Thúy được giao nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động Hội.
Sau hai năm phát triển, hiện tại, Hội có gần 6.000 thành viên, chủ yếu là các bà mẹ trẻ. Ngoài việc kêu gọi quyên góp ủng hộ giúp đỡ những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, các mẹ còn phân công nhau chăm sóc những bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhiều bà mẹ trẻ trong Hội đã dành trái tim yêu thương vô bờ bến, dang rộng vòng tay ôm ấp, chăm sóc cho những đứa trẻ bị bệnh khác.
Mẹ Shin (tên tài khoản facebook, xin được giấu tên) là một trong những bà mẹ như thế. Dù bận công việc ở Cty và đang có con nhỏ 2 tuổi nhưng chị Shin lúc nào cũng nhận chăm sóc từ 2 đến 4 bé đang bị bệnh khác.
“Nhìn các con bị bệnh nặng hay bị bỏ rơi, tôi thương lắm. Biết rồi mà không giúp được tôi cứ bứt rứt không yên” - Mẹ Shin tâm sự. Chị vừa trải qua một cú sốc lớn trước sự ra đi của bé Nguyễn Văn Đ. (2 tuổi). Đ. là đứa bé bị bỏ rơi mang trong mình bệnh ung thư máu. Trong suốt 5 tháng Đ. điều trị tại viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, mẹ Shin tự tay nấu cháo, chăm sóc Đ. như con của mình.
“Hằng ngày, tôi dậy từ 5 giờ sáng đi chợ nấu cháo cho con, nhờ xe ôm mang tới viện. Thời gian đầu, bác xe ôm còn lấy tiền, sau biết được việc làm của tôi, bác chở xe tình nguyện. Buổi trưa, tối, tôi đều tranh thủ đến chơi cùng con, theo dõi sức khỏe của con cho con đỡ đơn độc”, mẹ Shin kể.
“Đ. là cậu bé rất ngoan và kiên cường, đặc biệt là ăn khỏe. Vì thế, dù biết con mang trong mình trọng bệnh nhưng tôi vẫn cứ hy vọng con sẽ chiến thắng được. Không ngờ con lại ra đi đột ngột thế” - Mẹ Shin tâm sự. Các bà mẹ trong Hội tự tay lo an táng cho bé và đã gửi bé đến cửa chùa.
Giống như mẹ Shin, nhiều mẹ khác cùng chung tình cảm như thế. Chị Cao Thị Thơm, sinh năm 1985 ở Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: “Hai tháng vừa rồi, chúng tôi phải chứng kiến sự ra đi của 3 con.
Xót xa lắm”. Chị Thơm thường vào viện chăm những bé bị bệnh ly thượng bì bọng nước. Đây là một trong những căn bệnh hiếm gặp gây ngứa và đau đớn cho người bệnh.
Chị Thơm có con trai 6 tuổi bị viêm da cơ địa, thường xuyên gãi ngứa rất khổ sở. Vì thế, chị có sự đồng cảm đặc biệt với những bệnh nhi mắc căn bệnh này. Chị Thơm cũng vừa từ biệt bé Nguyễn Nhật T. 2 tuổi.
Đây là cậu bé mà chị gắn bó trong 3 tháng liền ở bệnh viện. Ngoài việc hằng ngày vào chăm sóc cho con, chị còn ủng hộ tiền cho con chữa bệnh, mua máy tính bảng cho con chơi để quên bớt nỗi đau bệnh tật.
Chị Thúy cho biết, đối với những bé mồ côi, bị bỏ rơi hay có hoàn cảnh khó khăn, khi mất, các mẹ đứng ra lo lễ an táng chu tất cho các con.Ngoài việc đồng hành với những bé bị bỏ rơi, bạo bệnh, Hội còn tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện hướng về trẻ em miền núi có hoàn cảnh khó khăn khác: Xây trường bán trú ở Vàng On, Yên Sơn (Tuyên Quang) chương trình hướng về học sinh Dào San, Phong Thổ (Lai Châu), Thàng Tín (Hà Giang)…
Sau hai năm phát triển, hiện tại, Hội có gần 6.000 thành viên, chủ yếu là các bà mẹ trẻ. Ngoài việc kêu gọi quyên góp ủng hộ giúp đỡ những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, các mẹ còn phân công nhau chăm sóc những bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt.