Những người giàu nhất thế gian

 Theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng hằng ngày về 300 người giàu nhất thế giới), giới tỉ phú năm 2013 đã giàu hơn, tăng thêm 524 tỷ USD vào tài sản ròng của họ.

Tỉ phú Bill Gates
Tỉ phú Bill Gates

Vào thời điểm đóng cửa thị trường ngày 31/12/2013 kết thúc một năm, tổng giá trị tài sản ròng của các nhà tỷ phú hàng đầu thế giới lên tới 3.700 tỷ USD. Trong số 300 tỷ phú này, chỉ có 70 người đăng ký là mình bị sụt giảm tài sản. Nghĩa là đại đa số các nhà tỷ phú đã coi năm 2013 là một năm ăn nên làm ra.

Điều này trái ngược hẳn với những báo cáo về tình hình tăng trưởng kinh tế chung của toàn cầu cho thấy thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài.

Phải chăng người giàu càng giàu thêm, người nghèo càng nghèo thêm? Hay là tiền bạc của người nghèo vẫn tiếp tục bị người giàu hút hết? Dù sao thì kinh tế thị trường là như vậy: sòng phẳng nhưng nghiệt ngã và máu lạnh.

Thu lợi nhiều nhất trong năm 2013 là giới tỷ phú ngành công nghệ có tài sản tăng tới 28%.

Bill Gates: giành lại ngôi đầu bảng

Bill Gates, nhà sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn phần mềm Microsoft, là người phát tài nhất trong năm 2013. Gia tài của nhà tỷ phú 58 tuổi này đã tăng thêm 15,8 tỷ USD thành 78,5 tỷ USD, phần nào nhờ chứng khoán của Microsoft – hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới – tăng 40%.

Vào ngày 16/5, ông Gates đã giành lại được vị trí người giàu nhất hành tinh từ nhà đầu tư Carlos Slim của Mexico. Tài sản của ông “vua phần mềm máy tính” này cũng gia tăng nhờ thu lợi từ cổ phiếu của hai hãng mà ông đầu tư là Công ty đường sắt Canadian National Railway Co (tăng 34%) và Hãng sản phẩm vệ sinh Ecolab Inc. (tăng 45%).

 Hầu hết tài sản của Bill Gates nằm trong Công ty đầu tư Cascade Investment LLC. Chưa tới 1 phần 4 tài sản của ông còn ở Công ty Microsoft. Cho tới nay, hai vợ chồng tỷ phú công nghiệp này đã hiến 28 tỷ USD cho Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation mang tên ông bà.

Sheldon Adelson: làm giàu trên sự sạt nghiệp của người khác

Người thắng lợi lớn thứ nhì là Sheldon Adelson, nhà sáng lập Las Vegas Sands Corp, công ty kinh doanh sòng bạc casino lớn nhất thế giới, năm qua kiếm thêm được 14,4 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu của công ty tăng tới 71%. Năm 2013 công ty này đạt doanh thu 13,2 tỷ đồng, trong đó có hơn 58% là từ thị trường cờ bạc Macau.

Theo nhà phân tích Karen Tang của Ngân hàng Đức Deutsche Bank AG tại Hong Kong, thị trường casino của Macau trong năm qua đã tăng doanh thu được 17%, đạt tới 44,5 tỷ USD (vượt mức kỷ lục 38 tỷ USD của năm 2012).

Carlos Slim: mất ngôi số 1

Trong khi đó, nhà đầu tư Carlos Slim bị mất danh hiệu người giàu nhất hành tinh do bị giảm 1,4 tỷ USD trong năm 2013. Hãng America Movil SAB, nhà mạng di động lớn nhất châu Mỹ của nhà tỷ phú 73 tuổi này, đã bị giảm doanh thu 12% trong quý 1/2013 sau khi Quốc hội Mexico thông qua một đạo luật làm mất vị thế thống lĩnh thị trường của hãng này.

Hết năm 2013, hãng chỉ đạt mức tăng trường 2% là nhờ nhảy vào thị trường châu Âu. Tài sản ròng của ông Slim còn 51 tỷ USD, vẫn là người giàu nhất châu Mỹ Latin.

Người giàu nhất Brazil và giàu thứ nhì của châu Mỹ Latin là Jorge Paulo Lemann. Trong năm qua, Công ty 3G Capital của ông đã hoàn tất được việc mua lại Công ty Mỹ HJ Heinz Co với giá trị 29 tỷ USD.

Hiện nay, nhà tỷ phú vốn là một cựu vận động viên quần vợt nhà nghề này đang nắm trong tay ba thương hiệu là biểu tượng của nước Mỹ: thức ăn nhanh Burger King, bia Budweiser và tương cà (ketchup) Heinz.

Luis Carlos Sarmiento: khi ngân hàng trở gió

Luis Carlos Sarmiento của Colombia là người giàu thứ ba của châu Mỹ Latin. Ông kiểm soát hơn 1 phần 4 ngành công nghiệp tài chính của nước này thông qua bốn ngân hàng thuộc Tập đoàn Grupo Aval ở thành phố Bogota. Tuy nhiên, trong năm 2013 tài sản ròng của ông bị giảm 7,4%, còn 16,7 tỷ USD.

Eike Batista: từ tỉ phú trở thành kẻ phá sản

Thế nhưng, số đen đủi nhất trong năm 2013 là Eike Batista – người mà hồi tháng 3-2012 được xếp hạng người giàu thứ tám của thế giới. Công ty dầu lửa OGX Petroleo & Gas Participacoes SA từng đưa ông Batista trở thành người giàu nhất Brazil đã phải lập hồ sơ xin bảo vệ phá sản hồi tháng 10-2013.

Tài sản của cựu tỷ phú Brazil 56 tuổi này bị mất tới 12 tỷ USD, hiện giờ bị âm, theo Bloomberg.

Eike Batista từ tỷ phú trở thành kẻ phá sản
 Eike Batista từ tỷ phú trở thành kẻ phá sản

Batista bắt đầu làm ăn bằng nghề bán bảo hiểm từ thời còn học cao đẳng ở Đức. Ông thường khoe mình là một người tự lập nghiệp, thực tế là đã mua mỏ vàng đầu tiên vào năm 24 tuổi.

Nhưng Batista rõ ràng đã có lợi thế nhờ cha mình vốn là Bộ trưởng Mỏ và năng lượng của Brazil và tổng giám đốc Tập đoàn mỏ VALE của nhà nước. Chính nhờ uy tín của cha mà ông có thể vay được tiền để khởi nghiệp. Kể từ năm 2007 tới nay, ngân hàng phát triển nhà nước của Brazil đã cho các công ty của Batista vay tới hơn 5 tỷ USD.

Hồi tháng 3/2013, Batista đã nổi đình đám trên tạp chí Business Week của Bloomberg là “người bị mất 25 tỷ USD chỉ trong một năm” (tựa bài báo: Eike Batista, the man who lost $25 billion in one year).

Từ một người nắm giữ cổ phần tới 34,5 tỷ USD trong đại công ty EBX Group, Batista vào thời điểm tháng 3-2013 chỉ còn tài sản ròng 9 tỷ USD, bị văng ra khỏi bảng sắp hạng Top 100 của Bloomberg Billionaires Index và tụt xuống vị trí số 4 trong số những người giàu nhất Brazil.

Tới tháng 7/2013, tài sản của Batista chỉ còn 200 triệu USD vì phải trang trải nợ nần cá nhân và giá cổ phiếu của công ty giảm mạnh.

John "Johnny" Morris: ông vua siêu cửa hàng

John "Johnny" Morris đã trở thành tỷ phú bằng cách kết các cửa hàng nhỏ bán dụng cụ thể thao ngoài trời lại với nhau thành những siêu cửa hàng (superstore) và thêm vào đó chút gia vị mới là ăn uống, giải trí.

Từ Công ty Bass Pro Shops LLC thành lập năm 1972 tại cửa hàng bán rượu của cha mình ở Springfield (bang Missouri, Mỹ), Morris đã phát triển cơ nghiệp thành ít nhất 58 siêu cửa hàng và đang chuẩn bị mở thêm 28 siêu cửa hàng nữa. Bên trong các siêu cửa hàng này còn có những nhà hàng đầy đủ dịch vụ.

Stephen Orenstein: làm giàu nhờ... chiến tranh

Mặc dù kinh doanh trong các môi trường chiến tranh, Stephen Orenstein lại làm giàu không phải bởi buôn bán vũ khí. Tập đoàn Supreme Group BV do nhà tỷ phú 50 tuổi nắm giữ đa số cổ phần chuyên phân phối lương thực và nhiên liệu cho những nơi đang xảy ra chiến tranh, xung đột như Liberia, Mali và Sudan.

Hoạt động kinh doanh lớn nhất của ông là cung cấp nhân sự quân sự cho Mỹ trên chiến trường Afghanistan, bất chấp những làn đạn của phe Hồi giáo cực đoan Taliban và những bom mìn của quân nổi dậy.

Jonathan Oringer: nhà tỉ phú phim ảnh

Tuy trở thành tỷ phú nhờ phim ảnh nhưng Jonathan Oringer, nhà sáng lập Shutterstock Inc, lại chẳng phải là đạo diễn, diễn viên hay nhà sản xuất phim ảnh. Năm 2013, giá cổ phiếu của công ty này tăng vọt tới 222%, đưa Oringer, mới 39 tuổi, trở thành nhà tỷ phú đầu tiên nổi lên từ Silicon Alley, một nhóm các công ty công nghệ mới lập nghiệp ở New York.

Anh thành lập Shutterstock hồi năm 2003 với 30.000 tấm ảnh của riêng mình và nhanh chóng biến nó thành khu chợ online lưu trữ và buôn bán ảnh và video lớn nhất thế giới. Hiện nay tài sản ròng của Oringer là 1,5 tỷ USD và trên chợ online Shutterstock có hơn 30 triệu tấm ảnh, hình vẽ, vector và video.

Lynsi Torres (đứng, thứ ba từ trái), nhà nữ tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ, và các nhân viên một cửa hàng thức ăn nhanh In-N-Out Burger của gia đình
 Lynsi Torres (đứng, thứ ba từ trái), nhà nữ tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ, và các nhân viên một cửa hàng thức ăn nhanh In-N-Out Burger của gia đình

109 nhà tỉ phú mới nổi

Năm 2013, thế giới cũng chứng kiến rất nhiều nhà tỷ phú mới nổi. Hãng truyền thông tài chính Bloomberg News trong năm qua đã công bố 109 nhà tỷ phú chưa từng bao giờ xuất hiện trên một bảng xếp hạng nhà giàu quốc tế nào.

Trong số này có Lynsi Torres, nhà nữ tỷ phú trẻ nhất ở Mỹ. Năm nay 31 tuổi, bà là người thừa kế của hãng thức ăn nhanh In-N-Out Burger. Gia đình bà đã phát triển từ một quầy bán hamburger dạng drive-through (khách hàng ngồi ngay trên xe chạy qua ô cửa sổ để mua hàng) mở năm 1948 tại công viên Baldwin Park (bang California) thành một đế chế thức ăn nhanh hiện nay trị giá hơn 1 tỷ USD.

Theo Tuổi Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ