Anh Lê Văn Giáp (quê Hà Nam), công nhân công ty TNHH sản xuất đế giầy Thái Tú (Long Biên, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh làm việc ở công ty giầy Thái Tú được được mấy năm nay nhưng hầu như chưa năm nào anh biết đến ngày nghỉ lễ. “Ngày Giỗ tổ chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường. Ngày 30/4, 1/5 chắc chúng tôi cũng được nghỉ, năm ngoái cũng vậy. Những ngày này, chúng tôi được công ty cho khoảng 100.000 đồng/người. Hơn nữa, chúng tôi cũng không muốn nghỉ, vì hiện nay, chúng tôi nhận lương theo ngày công, nghỉ ngày nào là không được nhận lương ngày đó. Nếu 1/5 này, công ty có cho nghỉ, thì chúng tôi cũng chả có ý định đi đâu. Với khoản khoản thu nhập cả hai vợ chồng được khoảng 4 triệu đồng/tháng (làm 30 ngày/tháng), tằn tiện lắm chúng tôi mới trang trải đủ cho cuộc sống của hai vợ chồng và 1 đứa con”, anh Giáp bùi ngùi kể. Hiện, tiền công anh Giáp được nhận trong ngày là 85.000 đồng/ngày, chị Hằng (vợ anh Giáp) là 65.000 đồng/ngày.
Rất nhiều công nhân chỉ muốn làm thêm trong các ngày lễ để có thêm thu nhập. |
Cùng cảnh với anh Giáp, chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân công ty TNHH may Minh Trí (KCN Vĩnh Tuy, Hà Nội) buồn rầu: “Ngày 1/5, trong khi nhiều công ty cho công nhân đi nghỉ mát, tham quan khắp nơi thì chúng tôi vẫn phải quần quật làm việc, tủi thân lắm chứ! Nhưng chúng tôi cũng chẳng xin nghỉ, vì nghỉ mà chẳng có tiền đi chơi, mua sắm thì lại buồn hơn. Nghe đâu, dịp 1/5 này công ty cũng cho tiền, chắc chỉ 50.000 – 100.000 đồng thôi! Giá như thay vì cho tiền, công ty tổ chức cho công nhân có dịp đi chơi ở đâu đó để anh chị em trong công ty gắn bó thì sẽ có động lực làm việc tốt hơn”.
Trường hợp như anh Giáp, chị Thủy cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân lao động. Từ ra tết đến nay, dù nhiều công ty phải chạy hết công suất làm việc, song đời sống của công nhân không hề được cải thiện. Điển hình như Công ty Dệt 10 - 10, từ sau tết đến nay, công nhân liên tục phải tăng ca, tăng giờ, thậm chí làm việc cả ngày nghỉ song thu nhập vẫn rất thấp.
Từ 1/2010, hầu hết doanh nghiệp đều đã tăng lương cho công nhân theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tăng lương tối thiểu nhưng lại giảm lương sản phẩm, do đó thu nhập thực tế của người lao động vẫn không tăng lên. Chính vì nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ các chế độ về lương, thưởng cũng như trợ cấp khó khăn cho công nhân, nên tình trạng công nhân đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm… từ đầu năm đến nay vẫn liên tục diễn ra.
Giám đốc một công ty dệt may phân bua, không phải là chúng tôi không muốn chăm lo đời sống cho công nhân. Ngày 1/5, nhiều công ty tổ chức cho công nhân đi du lịch trị giá tới 1 - 2 triệu đồng/người mà mình chỉ cho công nhân được 100.000 đồng/người, biết là công nhân tủi thân và cũng lo công nhân bỏ đi lắm chứ. Nhưng cái khó bó cái khôn. Giờ nâng giá đơn hàng một chút là mất ngay đối tác, nhưng không tăng giá trong điều kiện nguyên liệu đầu vào tăng vùn vụn thì chúng tôi cũng chẳng còn có cách nào ngoài “ép” công nhân làm thêm, cắt giảm các khoản phúc lợi, nếu không doanh nghiệp khó mà tồn tại được.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, cán bộ chuyên trách Liên đoàn lao động quận Hà Đông (Hà Nội) cũng cho hay, hiện rất ít công ty tổ chức cho công nhân tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí mà chỉ mải sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn không đóng cho công nhân thì lấy đâu ra tiền để tăng lương sản phẩm, cho công nhân đi tham quan. Điều đáng lo nữa là cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều công nhân bị thui chột đòi hỏi chính đáng là được đóng BHXH, BHYT, được hưởng các ngày nghỉ lễ, thậm chí, mù mờ cả các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi "sát sườn" của mình như: tính giờ làm thêm khi phải tăng ca thường xuyên, thời gian nghỉ phép hoặc thời gian và mức lương được hưởng khi nghỉ thai sản...
Quang Anh