1. Người bệnh tiểu đường: Vì phải tiểu nhiều nên không ít người bệnh nghĩ ngược lại theo kiểu nếu uống ít chắc ít đi tiểu. Trái lại mới đúng.
Người bệnh tiểu đường cần uống nước để vừa pha loãng độc chất trong máu, trợ lực cho cơ quan giải độc như gan, thận vừa bảo vệ hệ thần kinh ngoại biên vốn là yếu điểm trong căn bệnh này.
2. Người bệnh viêm loét dạ dày: Người bị bệnh này nếu tìm được nước khoáng càng hay. Trong trường hợp ợ chua vì thừa chất toan (dịch vị) trong dạ dày, nên uống nước khoáng để lạnh dưới hình thức nhiều ngụm nhỏ trước bữa ăn khoảng 15 phút.
Ngược lại, nếu ợ hơi khó tiêu do thiếu men tiêu hóa thì nên uống nước khoáng, cũng với nhiều ngụm nhỏ nhưng hâm nóng và uống ngay sau bữa ăn.
3. Trẻ con bội nhiễm: Rối loạn nước và chất điện giải là nguy cơ thường gặp ở trẻ bị bội nhiễm kéo dài vì tiêu chảy, sốt cao... Thiếu nước sớm muộn cũng kéo theo rối loạn chất điện giải khiến trẻ dễ động kinh, tắc ruột... Bên cạnh liệu pháp đặc hiệu, bổ sung nước với men vi sinh là biện pháp cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
4. Người bệnh tiết niệu: Thận mà thiếu nước còn tệ hơn cá thiếu nước vì lấy gì để đào thải độc chất.
Uống nhiều nước vì thế là nhân tố cơ bản trong phác đồ điều trị bệnh dễ tái phát trên đường tiết niệu như viêm bàng quang, phì đại tiền liệt tuyến.
5. Người lao động nặng: Tương tự với vận động viên, thất thoát nước và chất điện giải qua mồ hôi là điều cần được lưu ý hàng đầu cho người phải lao động nặng dưới trời nắng gắt.
6. Người có nhu cầu phục hồi: Với người suy dinh dưỡng cũng như bệnh nhân sau chấn thương, sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị..., 300 - 500 ml nước sau mỗi bữa ăn nhiều chất đạm là cơ sở để gia tốc tiến trình tổng hợp dưỡng chất cho tế bào.
7. Béo phì: Nếu tưởng uống nhiều nên mập thì sai. Chính vì uống không đủ trong lúc ăn kiêng nên gia chủ tự gây rối loạn biến dưỡng chất béo, nghĩa là có nhịn bao nhiêu vẫn... mập!
8. Người cần bảo vệ thị giác: Với người phải sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng thiên nhiên cũng như đối tượng phải làm việc nhiều giờ trước máy vi tính, thói quen uống nước mỗi lần không nhiều nhưng nhiều lần trong ngày là biện pháp để ổn định thị lực và phòng tránh tình trạng tăng nhãn áp.
Nếu nước là thành phần chiếm đến 3/4 trọng lượng của cơ thể thì không có gì khó hiểu nếu 2-3 lít nước uống mỗi ngày là điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Đừng quên cơ thể chỉ cần thiếu 3% nước đã đủ khiến nhiều chức năng bị rối loạn.