(GD&TĐ) - 5 năm 9 tháng cùng 15 đồng đội của mình lăn lộn tại kho vũ khí Khe Chàm – Mông Dương – Quảng Ninh để bảo vệ từng viên đạn, khẩu súng, đã biết bao lần bác Trần Văn Tụng (ngõ 295 Thụy Khuê, Hà Nội) nhìn theo hướng những đoàn tàu không số rời bến và lại ngóng họ về… Hơn ai hết bác hiểu “Mỗi viên đạn là một quân thù”, mà một viên đạn hỏng là một quân thù được sống. Vì thế những người lính giữ kho vũ khí luôn nêu cao tinh thần “Bảo quản vũ khí an toàn tới tay người sử dụng”.
Khi trở lại thăm chiến trường xưa, giọt nước mắt của những người lính trong chiến dịch tàu không số năm nào đã rơi. Những giọt nước mắt mà ngay khi nghe tin đồng đội mình hi sinh họ cũng phải ghìm chặt trong lòng để lấy đó làm động lực chiến đấu “vì miền Nam ruột thịt”.
Các anh có thể hi sinh nhưng vũ khí phải bảo toàn
5/12/1964, theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng, bác Tụng cùng các thanh niên trai tráng xã Giao An – Giao Thủy – Nam Định, ba lô trên vai tòng quân kháng chiến mặc dù khi đó bác chưa đủ 18 tuổi. Sau thời gian huấn luyện tại trung đoàn 171 với các kĩ thuật bơi, bắn súng, chạy,… bác trở thành 1 trong 50 người của lớp học được chọn vào trung đoàn 125. Với tinh thần “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”, bác đón nhận nhiệm vụ mới với tinh thần hăng say của tuổi trẻ mà không biết rằng mình đã trở thành “tân binh” của đoàn tàu không số. Khi được học những kỉ luật khắt khe, được nghe giới thiệu về cách giữ an toàn, bí mật cho đoàn tàu không số tại K35 (Đồ Sơn, Hải Phòng), anh chàng “tân binh” ấy càng phấn khởi và hăng hái đón nhận nhiệm vụ mới. Tuy chỉ có 7 ngày được xuống tàu nhưng bác cũng hiểu hết những khó khăn, hi sinh mà đồng đội mình đang trải qua. Bác Tụng cùng 15 đồng đội đến từ Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình,… làm nhiệm vụ vận chuyển và cung cấp vũ khí bí mật cho các đoàn tàu.
Phía sau mỗi con đường bác Tụng đi luôn có sự ủng hộ của bác gái |
Chỉ trong vòng hai tháng, kho vũ khí đã phải 3 lần di dời vì nghi ngờ bị địch phát hiện. Từ Mỹ Cụ (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sang Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và dời tới Khe Chàm (Mông Dương, Quảng Ninh) vào tháng 7/1965. Đây được coi là địa điểm bí mật tuyệt đối. 28 kho vũ khí được dựng lên, mỗi kho 9 gian, có mái tôn chắn mưa nắng, hệ thống chống mối mọt,… được bao bọc bởi rừng lim và cách xa khu dân cư 8km. Mỗi kho “án ngữ” tại những vị trí khác nhau để tránh những sơ suất nhỏ có thể khiến cả khu Khe Chàm chìm trong khói thuốc súng. Nhưng trong suốt quá trình làm nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, trên cả phân khu Kha Lâm (Kiến An, Hải Phòng) chưa bao giờ xẩy ra trường hợp nào ảnh hưởng tới sự an toàn của kho vũ khí.
Những khẩu súng AK, bọc liên, TNT, đạn dược, ống nhòm,… cất cẩn thận trong hòm có đánh kí hiệu, hàng tuần vẫn được các chiến sĩ giữ kho đều đặn đảo để chống mối mọt. Họ có thể hi sinh nhưng vũ khí phải được bảo toàn và bí mật tới tận chiến trường. Khi phát hiện có máy bay quanh vùng đóng quân, các chiến sĩ trên chiến trường có thể nổ súng nhưng những người giữ kho vũ khí thì không. Một tiếng súng nổ của họ cũng có thể kéo theo tiếng nổ của cả kho nếu địch phát hiện và ném bom. Nếu trên sân khấu thì các bác được ví như những người đứng sau cánh gà, những người đảm bảo cho vở diễn luôn được thông suốt.
Để tránh bị địch phát hiện, các hoạt động vận chuyển diễn ra chủ yếu trong đêm tối. Có lần 14 tàu cùng cập bến nhận vũ khí, suốt 7 ngày đêm các bác phải “súng đạn nặng vai”, dưới sự che chở của rừng lim, chuyên chở vũ khí xuống tàu để anh em lại “rẽ sóng” mang vào cung ứng cho chiến trường miền Nam. Mệt, thiếu ngủ nhưng không thể để sự hi sinh của biết bao đồng đội mình trở thành vô nghĩa, các bác lại tiếp tục nhiệm vì những người được chọn chốt vị trí giữ kho đều là những người khỏe mạnh, có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt. Khi vác trên vai những kho vũ khí vận chuyển vào kho rồi lại từ kho vận chuyển xuống tàu, trong lòng mỗi người lính như bác Tụng cũng chỉ canh cánh, làm sao giữ được vũ khí luôn trong tình trạng khô ráo. Mưa lũ về, vũ khí đặt ở kho dưới thấp lại phải di dời nhanh chóng lên kho trên cao. 3 – 4 tấn vũ khí đặt lên vai nhưng ai cũng băng băng vượt qua từng con đường trơn, đất dính bệt chân để di dời an toàn vũ khí. Mọi công việc ấy đã trở thành máu thịt của anh em.
Bác Tụng cùng các cháu nội trong ngôi nhà tại Thụy Khuê |
Bí mật là yếu tố quyết định thắng lợi của đoàn tàu
Những ngày nghỉ, họ cũng ca hát, làm thơ, học văn hóa,… Nhưng mọi sự giao lưu ấy chỉ diễn ra giữa 16 anh em trong đội. Vì bí mật chính là yếu tố quyết định thắng lợi của đoàn tàu không số. Bác Tụng nhớ lại: khi các bác chuyển vũ khí, quân trang xuống tàu cũng chỉ gặp được thuyền trưởng, thuyền phó, gặp người quen phải coi như không biết; nhiều khi về tới trung đoàn họp, thấy các nữ giao liên ai đó muốn bắt chuyện với họ, khi về sẽ bị kỉ luật; khi ra ngoài mua quân lương, các bác phải “ngụy trang” với danh nghĩa đội thực địa để tránh sự tò mò của người dân; ngay việc trở thành “người nhà” của đoàn tàu không số, thân quyến cũng không ai biết. Bác gái Đặng Thị Bông mãi tới năm 1996 mới biết chồng mình là anh lính của đoàn 125 trong sự ngạc nhiên và xúc động.
Tinh thần “bí mật” theo đoàn tàu suốt trong chiến dịch “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Từ điếu thuốc lá, gói chè, gói kẹo,… mang theo cũng phải bóc hết nhãn mác. Số của con tàu cũng chỉ là “nặc danh”. Khi sóng to gió cả, con thuyền như chiếc lá bàng dập dềnh giữa trùng khơi mang theo 16 – 18 người lính không giấy tờ tùy thân, chỉ sẵn tinh thần “Cảm tử”. 50 tấn vũ khí cùng 5 tạ thuốc nổ được ém dưới tàu, họ sẵn sàng hi sinh cùng hạm đội chiến đấu của địch khi bị phát hiện để bảo vệ bí mật cho cả chiến dịch. Lúc ra hải phận nước ngoài, những chiến sĩ của đoàn 125 là ngư dân. Tới hải phận nước nào họ treo cờ nước đó và trở thành dân địa phương ở chính nơi tàu mình đi qua.
Mỗi lần xếp xong vũ khí xuống tàu để đồng đội mình lên đường hay nhận lại tư trang của từng người mà họ không được biết tên tuổi là mỗi lần các bác lại dõi theo đầy lo lắng, và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi nhận được tin, tàu chở vũ khí đã cập bến an toàn, 100% súng đạn đều sử dụng được để góp phần làm nên chiến thắng trong các trận đánh ở Lũng Lô, Phú Yên, Gầm Xoài, Cà Mau,… sau này được chở ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 50 tấn vũ khí được chở vào nhưng khi ra chỉ là những quả dừa nước hay đất được dùng thay thế nhằm cân bằng trọng tải khi thuyền lênh đênh trên biển. 14 năm với 15 tấn vũ khí được vận chuyển vào miền Nam, một con số không nhỏ và là minh chứng cho tinh thần lao động “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của những chiến sĩ đoàn tàu không số.
Năm 1969, những tải quân lương được vận chuyển xuống hai con tàu không số cùng vũ khí và thuốc nổ. Cũng như mọi lần các chiễn sĩ trên bờ lại ngóng tin. Nhưng tin báo về khiến các anh chỉ biết cúi đầu cảm thương. Đồng đội đã hi sinh, có người chưa có người yêu, người mới vừa cưới vợ hôm trước, người ở nhà còn mẹ già, con thơ,… Họ đã cho nổ 5 tạ thuốc nổ giữa biển khơi, “quyết tử” cùng kẻ thù. Đời người lính là thế, họ không biết được sự sống hay cái chết đang cận kề mà chỉ nghĩ “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…” như lời Hồ Chí Minh đã kêu gọi.
Tháng 9/1970, bác Tụng được cử về học tại trường sĩ quan hậu cần. Trong thâm tâm bác lúc đó luôn nghĩ, sau khi học xong sẽ lại được sát cánh cùng các chiến sĩ đoàn tàu không số và kho vũ khí cung ứng cho miền Nam ruột thịt. Sau khi biết mình được giữ lại trường, bác đã hẫng hụt và phải mất một thời gian để làm quen với nhiệm vụ mới. 5 năm 9 tháng cùng đồng đội “vào sinh ra tử”, bảo vệ từng tải đạn tới tay người sử dụng không bị ẩm mốc, mối mọt,… mặc dù nhiều vất vả và hi sinh nhưng đó là quãng thời gian đẹp nhất trong đời người lính mà bác Trần Văn Tụng luôn nhớ về với những kỉ niệm sâu lắng, như kí ức về anh hùng Hồ Đức Thắng. Anh là một thuyền trưởng quả cảm. Lúc tàu gần táp vào bờ thì bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu nhanh chóng lên bờ và được giao liên dẫn đường theo đường bộ trở ra bắc. Anh Thắng và thuyền phó chấp nhận sự hi sinh cùng bọc thuốc nổ. Anh điều khiển tàu quay ra hướng khác, tránh vùng kiểm soát của địch để tìm cơ hội. Nhờ sự đa mưu, cả tàu và người đã tránh “giáp lá cà” với địch và an toàn cập bến. Ai cũng thở phảo nhẹ nhõm. Dân quân tự vệ, giao liên,… lại phối hợp cùng các chiến sĩ bốc hàng vận chuyển vào kho.
Trong ngôi nhà trên đường Thụy Khuê, bác Tụng luôn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội vì có một gia đình viên mãn cùng những người con thành đạt và những đứa cháu ngoan. 172 đồng đội của đoàn 125 đã hi sinh, có người mãi mãi ở lại cùng biển khơi và sóng nước, có người sống nhưng suốt đời mang trên mình những “vết sẹo” mà di chứng chiến tranh để lại,… Họ trở thành những biểu tượng bất tử trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại và viết lên cho đời những nốt nhạc vang mãi cùng thời gian.
Nguyễn Huệ