Những ngày xưa yêu dấu

Những ngày xưa yêu dấu

(GD&TĐ) - Cuối tháng 11 năm 1972, sau 3-4 tháng chờ đợi giấy gọi vào ĐH, đến lúc đã oải lắm rồi, tôi lại nhận được giấy vào khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Khỏi phải nói là gia đình tôi và tôi mừng đến mức nào.

Buổi đầu bỡ ngỡ

Hà Nội lúc đó đã khá lạnh, tôi mặc áo khoác bộ đội (lúc đó là mốt), áo len và khăn choàng sù sụ... Tôi tả tôi kỹ như vậy để nói đến sự tương phản: Sau gần 1 tháng, tôi gặp bạn bè cùng khóa đến từ các tỉnh, họ chỉ mặc áo sơmi và sơ sài quần lụa mỏng manh.

Hà Nội đang đi sơ tán vì Mỹ đe dọa rải thảm bom B52 (đúng là sau khi vào trường 1 tháng thì thảm kịch này đã xảy ra). Tôi hỏi đường tới khoa Ngữ Văn ở thôn Sát Thượng (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) không dễ vì theo chỉ dẫn của giấy gọi ĐH chỉ ghi ngắn gọn tên địa danh. Một người bạn của chị tôi đã vẽ đường cho tôi đi. Thế là lên đường.

Anh trai tôi đèo tôi, còn Huỳnh Dũng Nhân, bạn tôi, đèo balô, chăn bông cho tôi. Chả hiểu sao Nhân lại được nghỉ học vào lúc đó. Nó học kém tôi 1 lớp, nhưng cùng sinh hoạt trong nhóm viết văn trẻ của NXB Kim Đồng lúc đó do chị Nhâm khởi xướng. Nhỏ bé, đen nhẻm và linh hoạt, Nhân thạo đường Bắc Ninh nên 3 anh em đi khá nhanh.

Tới nơi, người đón tiếp chúng tôi là thầy Bùi Thanh Quất. Thầy nói rất nhanh, cử chỉ linh hoạt, sau này tôi biết là thầy lúc đó chưa có vợ và còn làm Bí thư Đoàn trường nữa.

Khá đông bạn bè đến cùng lúc tôi đến, phần lớn là ở các tỉnh. Thói quen trẻ con của đứa mới xa nhà, tôi luôn có ý tìm kiếm xem có ai là người Hà Nội, mà không thấy. Nhưng rồi may quá, có Bình là người Hà Nội  với mái tóc bông xù buộc kỹ. Nó khá lãnh đạm nhìn tôi và bình thản chẳng hỏi han gì hơn. Rồi Phương cao lộc ngộc, Thọ cứ đủng đỉnh như ông già vậy. Đấy là 3 người Hà Nội  mà sau này đều học ở lớp Ngữ.

Sau hơn 1 tuần, sinh viên K17 đến gần đủ. Tôi nhớ khóa tôi có khoảng gần 100 người. Những hôm học nội quy trong kho thóc, tôi đếm mãi vẫn không hết vì có ai ngồi theo hàng lối gì đâu. Thỉnh thoảng ai đó lại chạy ngồi gần đống thóc giữa nhà, rồi lại chui đi đâu, chịu không tìm ra được.

Và bây giờ là đến đoạn chia lớp, sẽ có 3 lớp: lớp Văn, lớp Ngữ, lớp Hán Nôm...Tất cả chúng tôi rất hoang mang. Tôi không hiểu lớp Ngữ sẽ học gì, chứ Văn và Hán Nôm đã rõ mục tiêu như tên gọi của nó rồi. Các thầy cô dạy Văn, dạy Ngữ, dạy Hán Nôm đã có buổi tiếp xúc với sinh viên ngay tại lớp học.

Chúng tôi được thầy Nguyễn Hàm Dương và cô Hoàng Thị Châu dạy Ngữ cho biết sẽ học gì ở lớp Ngữ. Thầy Dương phong thái như tài tử Chánh Tín vậy, thầy nói rất tự nhiên, nào là chúng ta sẽ học Toán thống kê, Toán logic... nói chung khoa học Ngữ sẽ là ngành học chính xác, không mơ mộng như học Văn.

Với áo bu-dông len đen, quần len màu xanh tím, cùng với chiếc khăn len ghi xám trễ trên cổ, thầy Dương có sức quyến rũ khó tả đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi học Toán không dốt, ừ, thế thì mình vào học lớp này cho biết tay. Bình, Phương và cả Thọ nữa cũng xin vào lớp Ngữ. Chẳng hiểu là có đứa nào lôi kéo đứa nào không mà cả 4 dân Hà Nội cùng chui vào chỗ này.

Chúng tôi – lớp Ngữ - có 20 người, 6 nữ. Trong khi đó lớp Văn hơn 60 người mà 2/3 là nữ, lớp Hán Nôm 13 người, hình như có khoảng một nửa là nữ.

Chúng tôi học chung các môn cơ bản trong 2 năm đầu tiên. Vì học chung như vậy, tôi nghiệm ra một điều là tôi được lợi hơn bọn học Văn nhiều. Những điểm lợi tôi sẽ kể kỹ ở phần sau này.

Đêm Noel 1972 là một đêm dữ dội, suốt đời tôi không thể nào quên. Tôi và Bình mò ra cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, ngồi đấy mà nhìn về phía Hà Nội, nơi chớp bom B52, lửa đạn loằng ngoằng dồn dập đến gần nửa đêm. Tôi đã khóc và nói với Bình rằng Hà Nội sẽ chẳng còn gì nữa rồi... Tuy cả nhà tôi đã đi sơ tán hết, nhưng còn phố phường, và bao người còn ở lại sống chết với Thủ đô?

Bốn ngày, sau khi Mỹ ngừng ném bom Hà Nội, tôi và Huỳnh Ân Thạnh (bạn tôi học ở khoa Kinh tế, sơ tán gần Sát Thượng) chung một xe đạp phượng hoàng lao về Hà Nội. Chúng tôi phải dắt bộ qua ga Yên Viên mất hơn 2 tiếng, sau đi tiếp hơn 2 tiếng nữa mới về được đến nhà. May quá, nhà tôi (ở phố Huế) và nhà Thạnh (ở phố Trần Hưng Đạo) không sao...

Chúng tôi đi đến phố Khâm Thiên nhưng bị chặn lại từ nơi chắn tàu, chỉ nhìn thấy khói vẫn đang nghi ngút ở giữa phố, gạch vỡ ngổn ngang, mọi người đều vội vã thu dọn... Sau chuyến đi chớp nhoáng này, tôi bị thầy Quất phê bình rát cả mặt.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 

Một trang mới của đời sinh viên

Khoảng tháng 2 dương lịch năm 1973, toàn bộ các khoa sơ tán ở Yên Phong đã trở về Hà Nội. Khoa Ngữ Văn ở tại khu Mễ Trì cho đến khi chúng tôi ra trường. Một trang mới của đời sinh viên ngoại trú bắt đầu.

Ở trong khu KTX của khoa, tôi có 1 chỗ (giường sắt) tầng 2, trên đầu cái Sân. Tôi đã ở thử 3 tuần trong đó, nhưng mà nước khan hiếm, khu vệ sinh công cộng thật kinh hãi, tôi đành “bỏ của chạy lấy người”. Trong khi mình có nhà ở Hà Nội sao mà lại vào đây ở? Thế tôi mới khâm phục cái Phương đã ở mãi KTX cho đến năm cuối nó mới về nhà mình ở phố Thái Phiên.

Có những điều mà sinh viên nội trú không bao giờ có được. Ví dụ, dù nhỏ thôi: Thỉnh thoảng phải chạy đến nghẹt thở để kịp chuyến xe buýt lúc 6.30 phút. Chỉ  chậm 1 giây là phải đợi đến 15 phút nữa, thế là vào lớp muộn và có thể bị bêu gương ngay.

Có lần tôi vào chậm 15 phút, khi cả lớp đang chăm chú nghe thầy Hà Minh Đức nói. Tôi len lén chui vào cuối lớp. Nửa tiếng trôi qua rất yên tĩnh... nhưng tự dưng tôi thấy thầy Đức đứng lù lù cạnh đầu bàn tôi ngồi. Thầy nghiêm giọng hỏi: “Cô viết bài giảng của tôi thế nào?” Vừa hỏi, thầy vớ ngay quyển vở của tôi, thầy đọc to “Tóc em dài như một ngày mệt mỏi, tóc chị Hoài giống tóc cái Lan...”. Cô viết cái gì vậy? Tôi nói về bài “Tóc chị Hoài “có phải vậy đâu?”. Cả lớp cười ầm lên.

Tôi cũng không giải thích được vì sao tôi viết như thế. Tôi nói với thầy là tôi mệt quá vì vừa chạy nhanh từ bến xe vào lớp bị hoa mắt nên viết lăng nhăng. Thầy cười tủm tỉm. “Tôi coi đây là một liên tưởng sáng tạo”. Thế là cả lớp lại cười ầm ĩ.

Lại phải nói nhiều đến xe buýt. Là sinh viên mà không đi xe buýt là một thiệt thòi lớn. Tôi đã từng trốn vé, tôi đã từng quên mua vé tháng nên cả tháng khốn khổ vì phải kiếm tiền lẻ mua vé hàng ngày. Rồi một lần, tôi đang đứng ở cuối xe, móc cặp để lấy tiền mua vé thì thấy tiếng người đứng trước nói “Anh bán cho 2 vé, cho cả em này nữa”. Cô ấy mặc áo sơmi đen, ôi, cô Hoàng “phương Tây”. Chả là cô đang dạy khóa tôi về văn học Hy Lạp, mặc dù cô là giảng viên của ĐH Sư phạm HN. Tôi lí nhí cảm ơn cô. “Sao hôm nay cô lại đi xe buýt, mọi khi em thấy cô đi xe đạp cơ mà? “Ừ, con bé nhà cô đi mất xe, cô đi xe này có sao đâu? Cô dạy bên ĐH Sư phạm vẫn đi buýt mà”.

Tôi không dám nhận là cô Hoàng có yêu quý mình hơn các bạn khác không, nhưng, vài lần đi xe cùng như thế này, cô đã cho tôi địa chỉ nhà riêng và mời đến nhà chơi “Vì em hứng thú với văn học phương Tây, tôi có rất nhiều sách, em có thể đến mượn”. Từ bé đến giờ, tôi chả thấy thầy cô nào lại nhiệt tình với học trò như vậy, lại còn hứa cho mượn sách nữa chứ.

 Những buổi học của cô Hoàng, chẳng cần giáo trình, hay vở ghi gì cả, cô nói giọng trầm ấm áp, rất biểu cảm, thường nói liền 2 tiết học. Cả lớp im phăng phắc. Tôi đoán là có nhiều nam sinh mê cô Hoàng. Cô luôn mặc áo màu đen, cao lớn và trắng trẻo, phong cách khoáng đạt kiểu phớt đời. Sau này tôi có đọc nhiều tác phẩm của một Nguyễn Thị Hoàng khác, viết văn trước năm 1975, chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng đến cô Hoàng dạy chúng tôi có 1 học kỳ năm 1973. Tôi nghe nói là cô đã lấy Luật sư Lê Văn Hảo, đã đi Pháp ở, và giờ ở thành phố nữa thì tôi không biết. Nhưng dù cô ở đâu đi nữa, tôi luôn cầu mong cho cô hạnh phúc.

 (Còn nữa)

Lan Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ