Những mục tiêu lớn xây dựng XHHT tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020

Những mục tiêu lớn xây dựng XHHT tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020

(GD&TĐ) - Xây dựng XHHT nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc phù hợp với điều kiện, nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi cá nhân nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020... đó là mục tiêu của đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2011- 2020 do Vụ GDTX- Bộ GD-ĐT xây dựng.

Các mục tiêu cụ thể

Theo đề án thì tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-35 đạt 98% năm 2015, đạt trên 99% vào năm 2020; trong đó độ tuổi 15 trở lên đạt 96% vào năm 2015, 98% năm 2020. Số người biết chữ tiếp tục theo học các chương trình sau khi biết chữ đạt 80% vào năm 2015, và 90% năm 2020. Huy động 95% số người trong độ tuổi 15-18 đã bỏ học theo học chương trình bổ túc văn hóa.

Đạt tỷ lệ 95% năm 2015 và 100% năm 2020 số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các chương trình bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chính trị.

Đạt tỷ lệ 70% năm 2015, 85% năm 2020 số lao động nông thôn được học tập bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ.Hầu hết người ngoài độ tuổi lao động được tham gia các chương trình học tập. Mỗi năm tăng thêm 3-5% số công nhân có tay nghề cao.

100% số xã, phường có trung tâm HTCĐ vào năm 2015, trong đó 55% hoạt động có hiệu quả vào năm 2015, 80% vào năm 2020. 100% huyện, thị xã có trung tâm GDTX cấp huyện vào năm 2015. 100% tỉnh/thành phố có trung tâm GDTX cấp tỉnh vào năm 2015. 70% vào năm 2015, 90% năm 2020 các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm.

Vào năm 2015, phấn đấu đạt tỉ lệ 30% số xã, phường, thị trấn; 10% số huyện, thị xã; 5% số tỉnh, thành phố được công nhận danh hiệu “Đơn vị HTSĐ” và tăng gấp 2 lần vào năm 2020.

 

Thực hiện đồng loạt các giải pháp

Để những mục tiêu đưa ra đạt kết quả như mong muốn, đề án xây dựng XHHT giai đoạn 1011- 2020 đã đưa ra các giải pháp để thực hiện đồng loạt.

Trước tiên, công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của HTSĐ- xây dựng XHHT cần được đẩy mạnh. Cùng đó những cơ chế chính sách đối với HTSĐ – xây dựng XHHT cần được hoàn thiện. Đẩy mạnh hoạt động HTSĐ trong các thiết chế ngoài nhà trường như thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, các phương tiện thông tin đại chúng.

Mạng lưới các cở giáo dục thường xuyên cần được củng cố và phát triển. Đẩy mạnh các hình thức tự học, học từ xa, học tại nơi làm việc phục vụ HTSĐ- xây dựng XHHT. Xây dựng tiểu đề án về đào tạo từ xa. Các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả HTSĐ được tăng cường. Đồng thời xây dựng các tiểu đề án hỗ trợ HTSĐ cho các nhóm đối tượng như: cán bộ, công chức, viên chức; Lao động trong các doanh nghiệp; Lao động nông thôn; Những người hết tuổi lao động, đối tượng thiệt thòi. Tăng cường trách nhiệm của các cấp các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp đối với HTSĐ- xây dựng XHHT đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế...

Xây dựng XHHT- Huy động trách nhiệm toàn xã hội.

Xây dựng XHHT không những tạo điều kiện để mọi người được học tập mà còn là chìa khóa của phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy việc xây dựng XHHT là trách nhiệm chung của các cấp, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân. Tất cả các tổ chức đều có trách nhiệm xây dựng XHHT và vận động, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia HTSĐ.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến HTSĐ- xây dựng XHHT; Xây dựng Đề án xóa mù chữ, Đề án phát triển đào tạo từ xa. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan, các cơ quan thông tin để triển khai các hoạt động tuyên truyền về HTSĐ- xây dựng XHHT. Bên cạnh đó, thường trực triển khai kiểm tra, tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn học liệu HTSĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Xây dựng tiểu đề án hỗ trợ cho đối tượng lao động nông thôn được HTSĐ.

Với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách, chế độ và biên soạn học liệu HTSĐ cho đối tượng công nhân. Xây dựng tiểu đề án hỗ trợ cho đối tượng công nhân được HTSĐ.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề, mở rộng các hình thức dạy nghề trong các doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở nông thôn. Xây dựng tiểu đề án hỗ trợ cho đối tượng những người hết tuổi lao động, đối tượng thiệt thòi, khuyết tật... được HTSĐ.

Với Bộ Nội vụ, cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách, chế độ và chương trình và học liệu HTSĐ cho công chức, viên chức. Xây dựng tiểu đề án hỗ trợ cho đối tượng công chức, viên chức được HTSĐ. Chỉ đạo các ngành và địa phương đưa kế hoạch xây dựng XHHT vào kế hoạch định kỳ của ngành và địa phương; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí ngân sách của Nhà nước và huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để triển khai Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2011- 2020.

Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phân bổ ngân sách, hướng dẫn chi tiêu ngân sách để triển khai đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2011- 2015. Xây dựng các chế độ, chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp cho HTSĐ và xây dựng XHHT. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn các học liệu đáp ứng nhu cầu HTSĐ về khoa học, công nghệ và môi trường.

Bộ VHTT&DL với nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn học liệu HTSĐ về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Xây dựng cơ chế,chính sách để các thiết chế ngoài nhà trường như thư viện, bảo tàng, văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng... tham gia tích cực vào việc cung ứng các chương trình HTSĐ.

Hội Khuyến học Việt Nam cũng có trách nhiệm lớn trong đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2011- 2015 khi đóng vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các tổ chức liên quan trong công tác “khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một XHHT”. Đồng thời làm đầu mối, phối hợp các lực lượng trên cùng địa bàn trong việc tuyên truyền, giúp đỡ các hoạt động giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng tiêu chí và tổ chức công nhận các danh hiệu về xây dựng XHHT.

Đối với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức khác có trách nhiệm theo chức năng và nhiệm vụ của mình, tổ chức, chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng và xã hội giai đoạn 2011- 2020. Trong phạm vi thẩm quyền, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các tổ chức liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng XHHT. Các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức khác cũng có trách nhiệm biên soạn các tài liệu HTSĐ về các lĩnh vực theo chức năng và nhiệm vụ của đơn vị mình và cung ứng HTSĐ cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động thuộc bộ, ngành mình.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW ngoài trách niệm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp của các địa phương còn phải xây dựng, cụ thể hóa các nội dung của Đề án xây dựng XHHT thành các chương trình, kế hoạch của địa phương; đưa vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện.

Thái Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.