“Những mảnh vụn không bị lãng quên“

Theo học ngành thiết kế thời trang, Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1988, cựu SV ĐH Mở Hà Nội) thích thú với bài giảng môn học “Tranh chất liệu”. 

Nguyễn Thu Huyền
Nguyễn Thu Huyền

Về nhà khi thử vẽ một bức tranh sử dụng nhiều chất liệu khác nhau, Huyền tình cờ thấy một ít vải vụn gần máy may của mẹ. Cô nảy ra ý tưởng sáng tạo bức tranh từ vải vụn (Quilting)

“Quilting” là bộ môn nghệ thuật ghép những mảnh vải riêng lẻ thành tổng thể hài hòa về bố cục, màu sắc. Với bàn tay khéo léo, người sáng tạo làm ra những sản phẩm như: Chăn, túi xách, drap… và cả những bức tranh treo tường.

“Để mỗi bức tranh tinh tế và sắc nét từng hình ảnh, mình không dùng các chi tiết có sẵn trên vải dể cắt, dán. Thay vào đó, mình sáng tạo bằng cách tước từng sợi vải đan thành cánh đồng lúa, mau thành bông hoa, hay dùng sợi chỉ mỏng để viền toàn bộ các chi tiết ở mỗi bức tranh”, Huyền cho biết.

Cái đẹp từ mảnh vụn

Ban đầu, Huyền tìm tòi trên các trang mạng xã hội và tập tành làm ra bức tranh với họa tiết đơn giản để tặng bạn bè. Năm cuối đại học, Huyền cùng hai người bạn trong lớp quyết định lấy đề tài tranh ghép vải làm đồ án tốt nghiệp. Đề tài nghiên cứu khoa học mang tên: “Những mảnh vụn không bị lãng quên”.

Mỗi tuần, Huyền đến cửa hàng may quần áo, các xí nghiệp may để xin vải vụn. “Ngày đầu, mình nhặt vải vụn vào bao, chất đầy lên xe và chở về nhà như dân buôn, khá vất vả. Các cô chú thắc mắc, hỏi mình lấy vải vụn để làm gì. Mình bảo, mang về để vẽ tranh. Mọi người ai cũng bất ngờ và cười nói: “Vải vụn sao vẽ tranh được ”, Huyền kể.

 Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Kỹ thuật tạo ra một bức tranh ghép vải không hề đơn giản. Đầu tiên, người thợ phác thảo bố cục tranh trên bìa cứng, cắt hình thành từng chi tiết nhỏ. Tiếp đến là khâu chọn vải ghép tranh. Vải vụn nhặt về, Huyền lựa từng mảnh, giặt sạch, ủi từng miếng cho phẳng. Kế đến, vải được tráng hoặc phết lớp keo sữa mỏng và hong gió cho thật khô. Cuối cùng là ghép từng chi tiết thành một bức tranh.

Huyền chia sẻ: “Khó nhất là ở công đoạn cuối, “họa sĩ” phải biết lựa chọn, phối màu, thể hiện các chi tiết thành bức tranh sinh động. Chi tiết phụ làm nổi bật chi tiết chính mà không phá vỡ bố cục. Ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ, người làm tranh cần có óc sáng tạo , trí tưởng tượng phong phú”.

Kiếm tiền từ vải vụn

Để tạo sự mới lạ, Huyền học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách vở nước ngoài về bộ môn nghệ thuật “Quilting”. Cô mở cửa hàng bán sản phẩm tranh treo tường, sau hơn 8 năm gắn bó với công việc.

Tranh ghép vải không đơn giản ghép những mảnh vải hoa văn nhiều màu sắc lại vơi nhau. Người thợ cần phải hội tụ nhiều kỹ năng, kỹ xảo và con mắt nghệ thuật tốt. Việc xử lý vải tạo chi tiết cũng vô cùng phức tạp.

Phá cách trong cách thể hiện, người thợ tước vải thành sợi nhỏ tạo thành cảnh cánh đồng lúa, sóng biển, những bông cỏ lau, hoặc phải cắt vụn vải li ti để chắp ghép thành những bông hoa rừng sống động … Chiêm ngưỡng bức tranh ghép vải, bạn không chỉ thấy được vẻ đẹp từ hoa văn vải mà còn có cảm giác sờ từng chi tiết trên một bức tranh.

Thời gian làm ra sản phẩm phụ thuộc vào thể loại và kích thước của bức tranh. Chất liệu làm tranh rất đa đạng, như: Vải lụa, chiffon, voan, ren… Huyền nhập thêm nguyên liệu ở chợ vải Ninh Hiệp (Hà Nội) để phát triển công việc kinh doanh, khi nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Tranh ghép vải có nhiều thể loại khác nhau, như: Tranh trừu tượng, tranh dân gian, tranh thiếu nhi, tranh phong cảnh… Sản phẩm dành cho trẻ nhỏ thì cần màu sắc tươi sáng, hình ảnh vui nhộn, dễ thương. Tranh dành cho lứa tuổi đang yêu thì mơ mộng, lãng mạn, hạnh phúc.

“Nhiều khách hàng không chỉ mua tranh mà còn giới thiệu người thân, bạn bè của họ đến ủng hộ. Mình bán sản phẩm tại nhà và rao bán online nên không tốn nhiều chi phí phát sinh. Giá bán mỗi bức tranh dao động từ 200.000 – 400.000 đồng. Những bức tranh có kích thước lớn, chi tiết mỉ thì có thể lên đến cả chục triệu đồng”, Huyền nói.

 Tranh thiếu nhi

Tranh thiếu nhi

Mỗi ngày, Huyền nhận đơn đặt hàng, ghi số, tiếp khách đến cửa hàng xem tranh. Thu nhập ổn định từ việc kinh doanh. Huyền tâm sự: “Mình nghĩ, tùy vào khả năng sáng tạo, con người có thể biến vật dụng bỏ đi thành sản phẩm hữu ích. Mình rất vui khi sản phẩm được nhiều khách hàng ủng hộ”.

Theo Sinh viên Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ