Chợ phiên Cán Cấu, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai từ lâu đã nổi tiếng bởi sự đa dạng của văn hóa các dân tộc vùng tây bắc Việt Nam.
Chợ họp vào thứ 7 hàng tuần, được chia thành từng khu bán các mặt hàng khác nhau, ngoài những khu bán rau quả, thực phẩm, vải vóc, trang phục, ẩm thực... khu vực dành riêng cho trâu bò luôn sôi động bởi những pha chọi trâu kịch tính.
Nguy hiểm luôn rình rập mỗi khi có cặp trâu chọi do nhiều người đứng ở khoảng cách quá gần.
Anh Hạng Seo Vân, nhà ở bản Sảng Chải Bún, xã Nàng Sáng, huyện Si Ma Cai cho biết, gần như phiên chợ Cán Cấu nào anh cũng có mặt. Anh Seo Vân chia sẻ, lượng trâu ở chợ Cán Cấu được bán nhiều nhất cho thương lái người Trung Quốc, trâu chọi được giá nhất có thể từ 60 đến 80 triệu đồng tùy theo sức chọi, còn trâu thịt tùy cân nặng có giá từ 20 đến 40 triệu đồng.
Hình ảnh về chợ trâu Cán Cấu:
Nằm ven tỉnh lộ 153, chợ Cán Cấu những phiên áp tết lượng trâu bò tăng hơn đáng kể những phiên thông thường. Dịp này, nhiều thương lái săn trâu chọi cho mùa lễ hội xuân 2015. Chủ trâu, thương lái tìm đủ mọi cách để các cặp trâu lao vào chọi nhau. Hàng trăm con trâu được tác động đủ mọi cách để lao vào ăn thua. Người xem nhiều lúc phải chạy tán loạn tránh những cú húc trong cơn hăng máu của các cặp trâu. Những pha chọi đẫm máu không kém gì ở các lễ hội chọi trâu nổi tiếng như Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc). Tính mạng những chủ trâu, thương lái hay người xem thật mong manh trong những cơn tấn công điên cuồng của các cặp trâu. Nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt những người đứng xem quá gần. Không có hàng rào bảo vệ, người xem, chủ trâu hay thương lái có thể nguy hiểm tính mạng bất cứ lúc nào. Một con trâu không có đối thủ sau khi chọi thắng 4 con khác đang được đòi giá 60 triệu đồng. Trong khi những con trâu thịt thường chỉ được thương lái mua với giá từ 20 đến 40 triệu đồng. Chợ trâu Cán Cấu thường họp từ sáng sớm đến quá trưa là tan. Những con trâu chưa bán được lại được đưa đến các phiên chợ khác hay chờ đến phiên chợ Cán Cấu sau. |