Những lưu ý đối với giáo viên chủ nhiệm lớp học sinh dân tộc

GD&TĐ - Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của cô Phan Ngọc Bích - Trường tiểu học Lê Văn Tám (Kon Tum) về phương pháp và kỹ năng làm chủ nhiệm lớp với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Dạy học bằng cả tình thương. Ảnh minh họa/internet
Dạy học bằng cả tình thương. Ảnh minh họa/internet

Những việc cần làm…

Để nghiên cứu tìm hiểu học sinh, giáo viên chủ nhiệm nhất thiết phải có sổ chủ nhiệm để ghi ưu, nhược điểm, tính cách, sự tiến bộ, suy nghĩ, tình cảm của giáo viên chủ nhiệm đối với các em, những kỉ niệm, những hiện tượng của học sinh, giúp giáo viên có tư liệu đánh giá khoa học về học sinh, là tư liệu nghiên cứu về tâm lý học.

Theo kinh nghiệm của cô Bích, việc đầu tiên khi làm chủ nhiệm là giáo viên phải nghiên cứu nắm chủ trương về giáo dục để vận dụng vào công tác chủ nhiệm lớp. Đặc biệt cần nắm vững phương pháp, nghệ thuật sư phạm.

Ví dụ: Các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách, vai trò của giáo dục, hoạt động. Mối quan hệ giữa thầy giáo và học sinh. Đó là những lý luận giáo viên chủ nhiệm cần phải hiểu.

Tiếp đến là nắm vững mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu lớp học, kế hoạch, nhiệm vụ, giáo dục ở trường, trên cơ sở đó mới biết vận dụng cụ thể hóa vào tình hình của lớp chủ nhiệm. Việc hiểu toàn bộ kế hoạch của nhà trường trong từng năm học có ý nghĩa rất lớn đối với người giáo viên chủ nhiệm.

Việc tiếp theo mà giáo viên chủ nhiệm lớp phải làm đó là nghiên cứu hoàn cảnh gia đình và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác của người chủ nhiệm lớp.

Bởi hiểu về hoàn cảnh gia đình, trước hết nhằm kết hợp trong giáo dục học sinh của lớp, mặt khác hiểu thêm nguyên nhân, những yếu tố tích cực hoặc tiêu cực, những thuận lợi hoặc khó khăn tác động đến học sinh để có giải pháp giáo dục.

“Bên cạnh đó, giáo viên cần năm vững đặc điểm của từng em học sinh về các mặt tâm sinh lý, tính cách năng lực để có phương pháp nghiên cứu phân tích được nguyên nhân của các hiện trạng, các em.

Chẳng hạn như: Đều là hiện tượng học kém nhưng có em do khó khăn về học (Trí tuệ chậm phát triển, khó khăn về đọc, khó khăn về viết, khó khăn về tính toán…) có em do hoàn cảnh gia đình, có em do chi phối bởi các yếu tố khác.

Chỉ trên cơ sở hiểu đặc điểm và nguyên nhân dẫn tới các đặc điểm thì giáo viên chủ nhiệm mới có giải pháp tác động giáo dục phù hợp hiệu quả” – cô Bích trao đổi.

Cần có phương pháp và kỹ năng

Cô Bích cho biết: Khi tiếp nhận chủ nhiệm lớp toàn học sinh dân tộc, Việc làm đầu tiên cô làm là tìm hiểu về phong tục, tập quán nơi các em sinh sống và học tiếng của các em để có thể trò chuyện, hiểu các em hơn.

Học sinh dân tộc thiểu số phần lớn các em rất nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp nên các em có phần hạn chế về kỹ năng sống và vốn tiếng Việt còn kém. Đây chính là một trong những rào cản lớn đối với giáo viên dạy vùng dân tộc.

Trước thực trạng trên, kinh nghiệm của cô Bích là: Không nổi giận, la mắng, chửi bới, trừng phạt khi các em không hiểu được những điều giáo viên nói. Đặc biệt không được chế nhạo, chọc ghẹo, chê cười và khinh bỉ các em… điều đó sẽ đánh cắp niềm tin của các em.

“Ngoài ra giáo viên có thể huy động mọi người trong tập thể lớp cùng nâng đỡ, hướng dẫn và khích lệ cá em trong học tập và những lúc tập nói, tập làm. Mặt khác cần khen thưởng đúng lúc, đúng việc và đúng lời… Điều này sẽ giúp ích các em biết nhìn đời một cách năng động, tích cực và lạc quan” – Cô Bích phân tích.

Cũng theo cô Bích, với đặc thù lớp học toàn là học sinh dân tộc thiểu số nên các em rất dễ tự ái vì thế giáo viên luôn ghi nhớ rằng, phải tôn trọng và đối xử công bằng cho học sinh trong mọi hoàn cảnh và phải là chỗ dựa tinh thần cho học sinh trong học tập cũng như trong cuộc sống.

"Còn đối với học sinh cá biệt, giáo viên giáo dục phải bằng tấm lòng nhân ái, bao dung, không vụ lợi, đến với học sinh bằng chính tình yêu nghề và lương tâm của người thầy" - Cô Bích chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ