Những thông tin này nhằm giúp người lao động bảo vệ quyền lợi bản thân và nhận những phúc lợi mà họ có quyền được hưởng.
Lương thử việc và lương tối thiểu
Điều 28 Bộ luật Lao động 2012 quy định cụ thể: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó”. Sau khi chấm dứt thời hạn thử việc và ký kết hợp đồng lao động chính thức, người lao động sẽ được hưởng 100% lương như thỏa thuận giữa hai bên.
Mức lương tối thiểu vùng của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 1/1/2016 là 3.500.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu các vùng cụ thể: Vùng 1: 3.500.000 đồng/tháng; Vùng 2: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng 3: 2.700.000 đồng/tháng; Vùng 4: 2.400.000 đồng/tháng.
Đây là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải đảm bảo: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.
Tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của mỗi công việc mà Nhà nước quy định thời gian thử việc khác nhau nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc. Thời gian thử việc phải đảm bảo các điều kiện sau: Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Bên cạnh đó, người lao động trong thời gian thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế. Nội dung của hợp đồng thử việc chỉ bao gồm: Thông tin tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và các thông tin, giấy tờ hợp pháp của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn hợp đồng; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp… Chế độ nâng bậc, nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị bảo hộ lao động. Khi kết thúc thời gian thử việc, nếu người lao động đạt “chuẩn” thì phải được ký ngay hợp đồng lao động.
Đóng và hưởng bảo hiểm
Công ty phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH - 18%), bảo hiểm y tế (BHYT - 3%) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN - 1%) cho người lao động khi ký hợp đồng lao động chính thức. Tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm trên của người lao động lần lượt là 8%; 1,5% và 1%. Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương và phụ cấp lương.
Đối với lao động nữ sinh con được nghỉ 6 tháng hưởng lương dựa trên mức lương đóng BHXH. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong thời gian này, lao động nữ được nhận 6 tháng tiền lương (dựa trên mức lương đóng BHXH) của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Điều kiện, lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Về BHTN, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và chưa có việc làm, người lao động phải nộp đầy đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì mới được hưởng BHTN. Cũng trong thời hạn 3 tháng này, người lao động chưa có việc làm có thể đăng ký thất nghiệp tại cơ quan BHXH địa phương để nhận BHTN. Sau khi nộp đủ và đúng các giấy tờ (trong đó có bao gồm sổ BHXH, Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc quyết định thôi việc hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động), cơ quan BHXH sẽ ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhận được Quyết định được trợ cấp thất nghiệp, bạn căn cứ vào thời gian ghi trên Quyết định để trình diện đúng ngày.