Những kỷ niệm đẹp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những kỷ niệm đẹp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(GD&TĐ) - Ngày 5/10, bạn tôi là Giáo sư ngôn ngữ và văn hóa Emmanuel Tornes - Trường Đại học Tổng hợp La Habana - từ Cuba gọi điện thoại cho tôi, giọng thổn thức: “Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, thật buồn quá”. Rồi Giáo sư nói thêm: “Nhưng các bạn thật tự hào đã có một vị tướng tài ba, lỗi lạc như vậy”.

Nghe bạn nói câu đó, tôi chực trào nước mắt. Và kỷ niệm được trò chuyện, được cầm lá thư viết tay của Đại tướng, được chụp ảnh cùng ông… chợt ùa về.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tác giả đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày 20/11/2006
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và tác giả đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày 20/11/2006

“Nhớ giới thiệu về quê hương tôi!”

Vào đầu những năm 1980, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) mời tôi làm phiên dịch cho ông Alan Father - Phóng viên báo Độc lập (Independent) của Vương quốc Anh. Trong chương trình, Alan Father  có buổi phỏng vấn và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi vinh dự là người phiên dịch cho cuộc trò chuyện này.  

Nhiệm vụ phiên dịch nhưng với tôi, đó là một buổi học hỏi với thầy giáo Võ Nguyên Giáp. Nhà báo Anh đã phỏng vấn với nhiều câu hỏi sắc sảo, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều khoan dung hóa giải bằng những lời nói chân tình, sâu sắc. Phóng viên Alan Father từ tâm lý e ngại, tò mò ban đầu đã hoàn toàn khâm phục và quý trọng vị tướng Việt Nam. 

Kết thúc cuộc trò chuyện, nhà báo Alan Father đã hồ hởi khoe với Đại tướng rằng mình là một trong những nhà báo phương Tây đầu tiên được phép đi dọc chiều dài đất nước Việt Nam bằng đường bộ. Nghe vậy, Đại tướng nói với tôi: “Vậy đồng chí nói với bạn là quê hương tôi ở Quảng Bình. Khi đoàn tàu qua Quảng Bình, đồng chí nhớ giới thiệu cho bạn về quê hương của tôi, nơi chúng tôi đã trải qua nhiều năm khó khăn, nơi chúng tôi chiến đấu và  nay đất nước đã hòa bình”. 

Nhận lời nhắn gửi của Đại tướng, khi đoàn tàu qua Quảng Bình, tôi đã chỉ cho nhà báo Alan Father về quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi đã xanh tràn sự sống sau bao bom rơi lửa đạn. Tôi nói thêm rằng Quảng Bình là một tỉnh miền Trung nghèo của Việt Nam, nhưng người dân rất hiếu học và yêu nước. Ông Alan đã rất xúc động.

Lá thư của Đại tướng

tac gia va dai tuong vo nguyen giap nam...
Tác giả và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1990

Lần thứ hai được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là năm 1990, khi đó tôi là giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương. Được giới thiệu đến gặp Đại tướng, tôi có vinh dự cầm thư của nhà trường kính mời ông đến dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Ngoại thương (1960 - 1990) vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Tôi đến nhà riêng của Đại tướng trên đường Hoàng Diệu vào một tối thu tháng 10. Trời hôm đó hơi se lạnh, ông tiếp tôi với mũ lông Nga đội trên đầu và khoác áo ba đờ xuy mỏng, trông giản dị, gần gũi như người ông trong gia đình vậy. Tôi thưa với Đại tướng: “Thưa Bác, cháu là giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương xin phép đến thăm Bác và kính gửi thư mời của nhà trường, mong Bác dành thời gian đến dự, chia vui và nói chuyện với thầy trò trường chúng cháu”. 

Đại tướng đọc thư, một lát sau ông trả lời: “Thật tiếc không đến dự được bởi thời gian đó tôi bận họp Quốc hội”. Nghe Đại tướng nói thế tôi buồn quá. Như đọc được cảm giác thất vọng của tôi, ông ân cần hỏi: “Thay vì đến thăm trường, tôi có thư gửi đến nhà trường chúc mừng được không?”. Nghe Đại tướng nói vậy, tôi mừng quá, cứ mãi cảm ơn ông. 

Nhưng rồi ông trầm ngâm một chút và nói với tôi: “Anh chờ một chút”, rồi ông đi vào nhà trong. Khoảng 15 phút sau, ông trở ra và nói: “Tôi vừa gọi cho Bộ trưởng Trần Hồng Quân hỏi về tình hình Trường Ngoại thương. Anh Quân đã báo cáo về  nhà trường rất tốt”. Tôi hiểu rằng Đại tướng đã kiểm tra thông tin về nhà trường. Và mỗi quyết định của ông đều có sự cẩn trọng, cân nhắc. Đó chính là điều mà một giảng viên đại học 36 tuổi như tôi học được khi gặp Đại tướng.

Khi ông ngồi vào bàn viết lá thư gửi nhà trường, tôi mạnh dạn xin phép: “Thưa Bác, trong lúc Bác viết thư, cháu xin được chụp vài tấm ảnh của Bác được không ạ?”. Đại tướng đồng ý và nói tôi chờ ông thay quân phục. Lúc nhìn ông mặc quân phục từ trong nhà trở ra, tôi cảm thấy như nghẹt thở. Đại tướng đẹp và uy nghiêm quá. Thấy tôi mở tròn mắt ngỡ ngàng, ông cười, nụ cười rạng rỡ tạo nên cảm giác gần gũi, tỏa ra sự thân thiện sưởi ấm không gian xung quanh.

Tôi biết Đại tướng là người thích chụp ảnh và chụp rất đẹp. Hồi trước đi đâu ông thường mang theo máy ảnh. Chính vì chụp nhiều như vậy nên khi ai đó chụp ảnh Đại tướng, ông cũng tìm cách tạo mọi điều kiện để cho người chụp có được góc chụp đẹp nhất. Vì vậy, khi ông viết thư, mỗi khi tôi giơ máy ảnh lên chuẩn bị chụp, ông đều ngước lên nhìn trìu mến, chính vì vậy tấm ảnh nào trong cuộn phim hôm đó của tôi chụp Đại tướng đều rất đẹp. 

Trân trọng nhận lá thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi, ôm siết chiếc máy ảnh với hai cuộn phim nhựa chụp hình ông, lòng tôi thấy lâng lâng. Vừa hoàn thành xong nhiệm vụ, lại vừa được nói chuyện, chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn điều gì hạnh phúc hơn! Mang thư ông gửi về trường, ai cũng vui mừng phấn khởi. Và trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Ngoại thương năm đó, những lời chúc mừng, căn dặn, động viên trong thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thầy và trò nhà trường đã được Nhà giáo Ưu tú, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Vũ Phạm Đính đọc vang trước hàng nghìn thầy cô giáo và sinh viên toàn trường. Hiện bức thư đang được lưu giữ ở vị trí trang trọng trong phòng truyền thống của nhà trường. 

Thăm Đại tướng nhân Ngày  Nhà giáo Việt Nam

Năm 2006, tôi được tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – khi đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Lúc này sức khỏe của ông có yếu hơn trước. Phu nhân Đặng Bích Hà luôn ở bên cạnh ông. Bà đi theo ông từng bước, đỡ ông ngồi, chăm sóc ông dịu dàng. 

Trong câu chuyện hôm đó, Đại tướng đã hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp thời còn là thầy giáo Trường Bưởi, đồng thời, ông cũng đưa ra những luận bàn sâu sắc về giáo dục nước nhà. Những lời căn dặn, chỉ bảo của Đại tướng thật vô cùng quý báu với lớp cán bộ giáo dục chúng tôi cho đến tận hôm nay.

Cách đây hơn 2 năm, trong một triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp ông tròn 100 tuổi, cùng với nhiều hình ảnh trưng bày, tôi có đưa bức ảnh chụp với Đại tướng năm nào cho mọi người xem, ai cũng đều thích thú. Tôi coi đây là kỷ niệm đẹp của riêng mình. Mỗi lần gặp Đại tướng, tôi học hỏi được nhiều điều, và sau đó trưởng thành, vững chãi hơn ở những vị trí công tác mới.

Những ngày còn ngồi trên ghế trường học cấp hai (1965-1968), thời kỳ chiến tranh, bom đạn ác liệt, tôi cũng rất may mắn và vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Sau này, trở thành cán bộ ngành Giáo dục, tôi lại vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần. Với tôi, những lần gặp đó là những kỷ niệm không quên trong cuộc đời.

NGƯT Trần Bá Việt Dũng


NGƯTTrần Bá Việt Dũng

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ