Những khoản tiền trường chưa hợp lý

Những khoản tiền trường chưa hợp lý

(GD&TĐ) - Thời gian qua, phụ huynh HS đã phải đóng góp những khoản tiền trường chưa hợp lý tại một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội. Cần có cơ chế quản lý, giám sát hoạt động thu chi từ nguồn “xã hội hóa” này…

Muôn vẻ lạm thu 

n
Các khoản thu chi tự nguyện phải có sự đồng thuận và được phân bổ hợp lý nhằm phục vụ lợi ích của người học

Có con trai lớn đang học tại một trường THPT quận Thanh Xuân, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Do thiếu điểm nguyện vọng 1 nên gia đình đành phải cho cháu học trường nguyện vọng 2, dù cách nhà gần 10 cây số với mong muốn học trường công chi phí ít tốn kém. Thế nhưng, điều anh và các phụ huynh đều bất bình trước khoản đóng góp 30.000 đồng/HS vào cuối năm học để nhà trường sửa chữa bàn ghế hỏng. Thực ra, với số tiền đóng góp của mỗi HS là nhỏ nhưng nếu tính trên phạm vi toàn trường với hàng nghìn HS đang theo học các lớp thì đây sẽ lại là con số không hề nhỏ. 

Do đầu năm ngành GD vào cuộc mạnh mẽ trong việc hướng dẫn các khoản thu, chi đầu năm học để tránh tình trạng các nhà trường, kể cả ban đại diện cha mẹ HS không lạm thu, nhưng thực tế, để né tránh vi phạm, các khoản thu kỳ 1 rất tiết kiệm nhưng lại phình ra ở lần thu họp phụ huynh cuối học kỳ 1 và học kỳ 2. 

Tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, mấy năm qua ở một số trường còn diễn ra tình trạng ban đại diện cha mẹ HS của trường bổ mức bình quân cho các lớp để ban đại diện phụ huynh lớp đứng ra thu bình quân trên đầu HS từ 100 - 300.000 đồng/HS để đóng góp tiền ủng hộ mua quà tặng cho nhà trường đối với HS đầu cấp và cuối cấp. Đặc biệt, quà tặng phải là những món quà có giá trị sử dụng và theo gợi ý của nhà trường. 

Tại Trường THCS L.Q.Đ, quận Cầu Giấy trong lúc đón cô cháu gái đang học lớp 7, bác Phương cho biết: Trường này có nhiều khoản phụ huynh đóng góp chưa hợp lý. Ban đại diện cha mẹ HS quá lạm dụng chuyện thu để chi. Chẳng hạn, khối 6 năm ngoái vào trường có nhiệm vụ tặng điều hòa lắp cho phòng máy nhà trường. Ban phụ huynh trường, lớp sau khi họp đã thống nhất thu 300.000 đồng/HS. Cũng theo bác Phương, HS khối 6 năm học 2012 - 2013 đóng góp 100.000 đồng/HS để đóng góp cùng cả khối mua quà tặng nhà trường. Rồi phụ huynh có con học khối 9 cuối cấp cũng có quà của lớp, của khối tặng kỷ niệm nhà trường…

Là trường công, nhưng hiện nay ở một số trường, có những khoản đóng góp khiến phụ huynh chưa “tâm phục, khẩu phục”. Chẳng hạn, trong bảng thu chi quĩ lớp tổng kết cuối năm học, trong đó có khoản chi trả lao công học kỳ 1 và 2 lên tới 2.500.000 đồng/lớp. Có trường THPT thu 50 nghìn/HS để chi trả cho việc quét dọn tổng vệ sinh trường. Trong khi đó, hàng ngày đến trường HS vẫn phải phân công nhau trực nhật lớp. Rõ ràng, khoản tiền này phụ huynh đóng góp để trả cho cán bộ lao công chưa sử dụng đúng mục đích. Cũng chưa kiểm tra cụ thể hiện có bao nhiêu lao công làm nhiệm vụ và số tiền thu của tất cả các lớp trong trường có dùng chi trả hết cho nhân viên lao công hay không.

Một chuyện lạ nữa. Tại một trường công lập, nhiều phụ huynh thật sự bất bình trước khoản thu nâng cấp đường điện của nhà trường. Lý giải của trưởng ban phụ huynh lớp là do đường điện nhà trường quá tải, đường điện cũ không đủ công suất vì phụ huynh các lớp đã lắp điều hòa. 

Theo ban phụ huynh lớp cho biết toàn bộ kinh phí nâng cấp đường điện này hết 117 triệu đồng. Như vậy chia bình quân, mỗi lớp đóng góp cho nhà trường khoảng 3 triệu đồng. Vậy là trường bổ cho lớp, Ban đại diện cha mẹ HS của lớp lại bổ cho HS, phụ huynh lại có thêm một khoản đóng góp mới cho trường nếu muốn con học ở phòng có điều hòa.

Cần minh bạch

Trong năm học vừa qua Bộ GD&ĐT có chỉ đạo sát sao quản lý việc lạm thu, lạm chi trong trường học. Có lẽ, việc xử lý chưa nghiêm nên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Quỹ phụ huynh thu tiền triệu, thậm chí vài triệu cho mỗi năm học vẫn còn phổ biến. 

Hệ thống trường học công được nhận kinh phí xây dựng và tu bổ từ ngân sách, do vậy, các khoản đóng góp xây dựng trường lớp đều được cấp bổ từ ngân sách. Ở đây cần rạch ròi giữa chi tiền công và tiền từ nguồn xã hội hóa. Việc quản lý hoạt động thu, chi của các trường học công cần chặt chẽ hơn nữa nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Hoàng Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ