Quay chậm thời gian
Một nghiên cứu khoa học về một viên cảnh sát có tên Neo từng tham gia vào nhiều vụ đấu súng với tội phạm đã chỉ ra rằng, con người có khả năng “điều khiển thời gian”.
Theo lời của cảnh sát này, trong một số cuộc trấn áp bạo lực, anh có thể nhìn thấy những cảnh quay chậm của những chiếc vỏ đạn hay những lon bia tại hiện trường bay qua mặt anh. Anh còn có thể nhìn ra được dòng chữ “Federal” trên đó.
Bộ phim "Ma trận" có ý tưởng dựa trên khả năng "quay chậm thời gian" của bộ não con người.
Các nhà khoa học giải thích, não của bạn có thể rơi vào tình trạng “tăng tốc”, bỏ qua tất cả các quá trình tư duy phân tích, giúp tập trung vào bản năng vốn có. Từ đó, con người suy nghĩ nhanh hơn, đồng nghĩa với thế giới chuyển động chậm hơn. Thực tế, không hẳn là thời gian bị chậm đi mà do con người suy nghĩ và ra quyết định hành động nhanh hơn bình thường.
Tuy nhiên, chỉ trong những trường hợp nguy cấp hay đối mặt với cái chết, bộ não mới kích hoạt khả năng kì diệu này.
Siêu khỏe
Hầu hết các siêu nhân trong nền điện ảnh hiện nay đều sở hữu sức mạnh phi thường, trong đó có việc nâng vật nặng chỉ trong nháy mắt, hoặc chí ít cũng là khả năng chịu sự đè nén siêu hạng.
Tuy nhiên, điều này không chỉ có ở các siêu anh hùng điện ảnh. Trên thực tế, con người cũng có khả năng kì diệu như vậy.
Sức mạnh phi thường không chỉ có ở những siêu nhân trong phim hay truyện tranh.
Năm 1982, tại Georgia, Mỹ, anh chàng Tony Cavallo đã bị chiếc xe Chevolet Impala 1964 đè lên người trong khi sửa chữa nó. Tưởng chừngTony sẽ chết vì sức nặng hơn 1,5 tấn của chiếc xe, nhưng may mắn thay mẹ của anh là Angela Cavallo đã xuất hiện kịp thời và làm một việc phi thường: nâng chiếc xe lên với hai bàn tay không, cứu thoát con trai mình.
Bà Angela Cavallo và gia đình.
Các nhà khoa học lý giải rằng, con người thực sự có khả năng đạt tới mức siêu khỏe, đặc biệt là trong trạng thái hoảng loạn, giận dữ hay cận kề với cái chết. Khi đó, ở một số trường hợp nhất định, lượng adrenaline đột nhiên tăng vọt và giải phóng rất nhiều trong cơ thể, giúp chúng ta đạt tới sức mạnh cực điểm.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, khả năng kì diệu này chỉ xuất hiện trong một thời gian cực ngắn. Đó là bởi, muốn đạt tới sức mạnh lớn nhất, cơ thể đồng thời phải hạn chế, thậm chí dừng hoạt động của các cơ quan khác như tiêu hóa, miễn dịch… lại.
Vì thế, một người ở trong điều kiện bình thường gần như sẽ chẳng bao giờ được chiêm ngưỡng sức mạnh tột đỉnh của chính bản thân mình cả.
Quan sát bằng…tai
Daniel Kish là một người có thể quan sát bằng tai. Nhờ thính giác phát triển sau khi bị mù, ông có thể chơi xe đạp leo núi mà chẳng hề bị tai nạn nào hết.
Trường hợp của chàng trai Ben Underwood cũng tương tự. Bị mù từ năm 3 tuổi nhưng chỉ 2 năm sau, Ben bắt đầu "nhìn" được bằng tai. Nhờ nó, cậu có thể chạy, chơi bóng rổ, đi xe đạp, trượt patin… như những người bạn bình thường khác.
Dù bị mù nhưng Daniel Kish vẫn có thể chơi xe đạp leo núi mà chẳng hề bị tai nạn nào hết.
Ben Underwood chạy, chơi bóng rổ, trượt patin… như những người bạn bình thường khác.
Các nhà khoa học gọi siêu năng lực này là Echolocation (định vị bằng tiếng vang). Khả năng này có ở tất cả mọi người, đặc biệt tốt ở những ai mất đi thị giác. Sau khi tiếp nhận âm thanh, não người có thể vẽ ra một khung cảnh 3D ngay trong não bộ, giúp chúng ta hoạt động bình thường mà không cần tới thị giác.
Tuy nhiên, ở những người bình thường thì khả năng này sẽ bị giới hạn. Nguyên nhân là do trung ương thần kinh sẽ lựa chọn cách đơn giản nhất để giải quyết một vấn đề, ở đây sử dụng thị giác thì đỡ phức tạp và nhanh hơn nhiều so với thính giác.